APEC 2023: Đàm phán IPEF về thương mại đổ vỡ

TRƯỜNG ĐẶNG 15/11/2023 04:00

Từng được Mỹ kỳ vọng sẽ là một lựa chọn thay thế cho BRI của Trung Quốc, nhưng IPEF đã không đạt được những thỏa thuận quan trọng về thương mại ngay tại APEC 2023 do Mỹ chủ trì.

Hội nghị các bộ trưởng IPEF đã không đạt được các kết quả quan trọng

Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại IPEF đã không đạt được các kết quả quan trọng

Trụ cột thương mại của IPEF ngưng trệ

Hoa Kỳ và 13 quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác đã thất bại trong việc đạt được thỏa thuận về trụ cột thương mại trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) tại cuộc họp đầu tiên ngày 13/11, diễn ra trong khuôn khổ APEC 2023.

Sau cuộc họp giữa các Bộ trưởng Thương mại IPEF, ông Yasutoshi Nishimura - Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, cho biết các bên đã đạt được tiến bộ trên một số khía cạnh nhưng không đạt được thỏa thuận đáng kể nào về tổng thể lĩnh vực thương mại. “Thật không may, có sự khác biệt lớn về quan điểm”, ông Nishimura cho biết.

>>Đây là lý do bữa tối của ông Tập Cận Bình tại APEC 2023 gây chú ý

Theo các quan chức, sự bế tắc là không thể tránh khỏi vì Hoa Kỳ đã hoãn các cuộc đàm phán về xây dựng quy tắc cho thương mại kỹ thuật số, bao gồm cả luồng dữ liệu tự do, do nỗi lo ngại trong nước về khả năng mang lại lợi ích cho các gã khổng lồ công nghệ thông tin. Quyền của người lao động cũng là một lĩnh vực ngăn cản các bên đạt được sự đồng thuận về thương mại đúng dịp này.

Dù vậy, giới chuyên gia kỳ vọng các Bộ trưởng thương mại của 14 nước thành viên IPEF sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn trong các vấn đề kinh tế khác tại cuộc họp tiếp theo.

Sáng kiến IPEF là chương trình lớn được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tại Nhật Bản vào tháng 5/2022 nhằm cạnh tranh với BRI của Trung Quốc. Tại đây, Mỹ cố gắng tạo ra các quy tắc và tiêu chuẩn chung trên bốn trụ cột - thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch; cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng – với các tiêu chuẩn cao hơn nhằm đối trọng với BRI vốn bị mang tiếng là tiềm ẩn “bẫy nợ”.

IPEF là sáng kiến được Mỹ kỳ vọng nhằm tạo ra một trật tự thương mại mới

IPEF là sáng kiến được Mỹ kỳ vọng nhằm tạo ra một trật tự thương mại mới tại Châu Á - Thái Bình Dương

Theo các chuyên gia, vấn đề chuỗi cung ứng và năng lượng sạch nhiều khả năng sẽ suôn sẻ, nhất là khi các nước đã có tiếng nói tương đối đồng thuận từ tháng 5/2022. Về năng lượng sạch, cuộc họp lần này dự kiến sẽ công bố thành lập một quỹ để thúc đẩy các biện pháp khử cacbon, trong đó Nhật Bản và Mỹ mỗi nước dự chi 10 triệu USD.

Ngày họp mới nhất giữa các Bộ trưởng Thương mại IPEF đã kết thúc mà không có tiến triển lớn rõ ràng là tín hiệu buồn cho nước chủ nhà Mỹ vốn muốn thông qua đây thúc đẩy một trật tự kinh tế dựa trên luật lệ trong khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng. 

>> IPEF: Tham vọng kết nối Âu - Á của Mỹ

IPEF – tham vọng nhưng dễ thất vọng

IPEF là một chương trình tham vọng do Tổng thống Joe Biden đề xuất nhằm thay thế Hiệp định TPP bị chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ năm 2017. Dù là một lựa chọn thay thế, nhưng IPEF bị hạn chế hơn nhiều về phạm vi, bỏ qua việc cắt giảm thuế truyền thống và các cải tiến tiếp cận thị trường khác. Thay vào đó, sáng kiến này hướng nhiều hơn vào hợp tác về chuỗi cung ứng và năng lượng sạch, đi kèm với các tiêu chuẩn cao hơn về lao động, môi trường, thực hành pháp lý và thương mại kỹ thuật số.

Các quốc gia tham gia IPEF là Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Tất cả đều là thành viên của APEC.

Nhưng sau 1 năm, IPEF vẫn chỉ mới đạt được những tiến bộ ít ỏi đặt ra sức ép lớn cho chính quyền ông Joe Biden

Sau 1 năm, IPEF vẫn chỉ mới đạt được những tiến bộ ít ỏi đặt ra sức ép lớn cho chính quyền ông Joe Biden

Thế nhưng, sau 1 năm triển khai, mới chỉ có một trong bốn "trụ cột" của IPEF đạt được văn bản hoàn chỉnh, là vấn đề tăng cường chuỗi cung ứng. Sự chậm trễ đó khiến nhiều chuyên gia nghi ngại về khả năng thành công của chương trình, nhất là những vấn đề vướng mắc đều không dễ giải quyết.

Trụ cột thương mại đã trở nên khó khăn hơn khi nhiều quốc gia không sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Mỹ về đáp ứng các tiêu chuẩn lao động và môi trường, hoặc cần thêm thời gian để xem xét chúng.

Các cuộc đàm phán về các tiêu chuẩn thương mại kỹ thuật số - từng được coi là một đặc điểm nổi bật của trụ cột thương mại IPEF - phần lớn đã bị đóng băng do chính quyền Biden đã đình chỉ các cuộc thảo luận về các quy tắc chính sau khi quan điểm nội bộ của Hoa Kỳ về thương mại điện tử có sự đảo chiều.

Tháng trước, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã từ bỏ yêu cầu về các quy tắc bảo vệ luồng dữ liệu xuyên biên giới tự do và cấm các yêu cầu quốc gia về bản địa hóa dữ liệu và đánh giá mã nguồn phần mềm. Động thái này đã làm hài lòng các đảng viên Đảng Dân chủ cấp tiến muốn kiềm chế Big Tech (các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ) nhưng lại khiến giới kinh doanh tức giận.

Tại APEC 2023, dù vấn đề thương mại điện tử đóng băng, Mỹ vẫn có quyền lạc quan khi thuyết phục được các đối tác thống nhất về một số hợp tác có thể giúp thương mại đa phương trơn tru hơn, chẳng hạn như áp dụng biểu mẫu hải quan kỹ thuật số và tiêu chuẩn chữ ký điện tử. 

Có thể bạn quan tâm

  • Các nền kinh tế APEC đang đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn

    Các nền kinh tế APEC đang đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn

    03:30, 14/11/2023

  • Ông Biden và ông Tập sẽ bàn chuyện gì bên lề Thượng đỉnh APEC?

    Ông Biden và ông Tập sẽ bàn chuyện gì bên lề Thượng đỉnh APEC?

    04:30, 02/11/2023

  • APEC 2022 thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư

    APEC 2022 thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư

    12:48, 30/08/2022

  • Nếu ông Trump tái đắc cử, các đồng minh của Mỹ sẽ gặp thách thức gì?

    Nếu ông Trump tái đắc cử, các đồng minh của Mỹ sẽ gặp thách thức gì?

    04:00, 13/11/2023

TRƯỜNG ĐẶNG