APEC 2023: Tháo “ngòi nổ” căng thẳng Mỹ - Trung
Các quan chức hàng đầu đang chạy nước rút chốt lại những vấn đề cuối cùng để Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden bàn thảo bên lề APEC 2023.
>>Ông Biden và ông Tập sẽ bàn chuyện gì bên lề Thượng đỉnh APEC?
Diễn đàn thường kỳ Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại Mỹ đã trở lại với rất nhiều sự kiện đáng quan tâm, sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cuộc gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Joe Biden là điểm nhấn nổi bật.
Trong bối cảnh những mảng xám của bức tranh toàn cầu với rất nhiều chi tiết đáng quan ngại thì APEC 2023 là điểm sáng biểu hiện cho tinh thần hợp tác, xây dựng, trách nhiệm, khi mà những nhân vật hàng đầu chịu ngồi lại với nhau để tháo gỡ mâu thuẫn.
Thứ 6 tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, đôi bên đã đạt được tiếng nói chung - điều vô cùng hiếm hoi trong 5 năm trở lại đây trong quan hệ giữa hai siêu cường. Cả hai bên đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn, trực tiếp và hiệu quả về mối quan hệ kinh tế song phương Mỹ-Trung cũng như một loạt vấn đề, bao gồm các lĩnh vực hợp tác và các lĩnh vực bất đồng”.
Đôi bên đều cam kết hợp tác giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và nợ nần, bao gồm cả việc thông qua việc tăng hạn ngạch có ý nghĩa tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và đẩy nhanh công việc phát triển các ngân hàng phát triển đa phương.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên các quan chức hàng đầu Trung Quốc và Mỹ cùng bàn thảo về chiến sự Nga - Ukraine cũng như xung đột Israel - Hamas. Điều này có ý nghĩa chấm dứt khoảng thời gian “lạnh nhạt” về mặt quan điểm của hai quốc gia có tiếng nói trọng lượng nhất với hòa bình thế giới.
Cuộc gặp Joe Biden - Tập Cận Bình dự kiến sẽ đề cập đến các vấn đề toàn cầu từ xung đột Israel-Hamas đến chiến sự Nga - Ukraine, mối quan hệ của Triều Tiên với Nga, vấn đề eo biển Đài Loan, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhân quyền, trí tuệ nhân tạo, cũng như công bằng trong quan hệ thương mại và kinh tế.
Không hẳn nhiên mà Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jack Sullivan nói: “Tổng thống quyết tâm muốn thấy sự khôi phục các mối quan hệ giữa quân đội hai nước…”. Đây là lớp mâu thuẫn đáng sợ nhất trong nhiều tầng mâu thuẫn Trung - Mỹ, nhất là tại các điểm “nóng” trên Biển Đông, eo biển Đài Loan, vùng Nam Thái Bình Dương.
>>Quan hệ Mỹ - Trung đang “tan băng”
Bắc Kinh và Washington đều thừa kinh nghiệm lịch sử để nhận ra, nếu mất kiểm soát hành động vũ trang sẽ gây ra hậu quả thảm khốc. “Chúng ta cần những kênh liên lạc như vậy để không xảy ra sai lầm, tính toán sai lầm hay hiểu lầm”, ông Sullivan nói.
Suy đến cùng, kiểm soát căng thẳng quân sự là bảo vệ lợi ích sát sườn của các cường quốc. Bởi Trung Quốc không dễ để có vị thế như lúc này; và người Mỹ cũng hiểu rằng, họ cần vài trăm năm để thiết lập hệ thống quản trị toàn cầu như ngày nay.
Xét trong bối cảnh đó, APEC 2023 thực sự có ý nghĩa quyết định đến tương lai toàn cầu, ít nhất là duy trì không gian phát triển bền vững, không để chiến tranh thế giới thứ 3 xảy ra trong thập kỷ này.
Có thể bạn quan tâm