Quan hệ Mỹ - Trung: Tín hiệu mới từ APEC 2023
Cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Trung Quốc bên lề Diễn đàn APEC 2023 không có gì đột phá ngoài việc hai chính trị gia hàng đầu thế giới tiếp tục khẳng định quan điểm.
>>APEC 2023: Tháo “ngòi nổ” căng thẳng Mỹ - Trung
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp trực tiếp tại San Francisco, bên lề Diễn đàn thường niên Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hai nhà lãnh đạo được tháp tùng bởi các quan chức hàng đầu của 2 nước.
Trước tiên, lãnh đạo hai nước đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự cấp cao, đặc biệt là sau sự cố một số tàu Trung Quốc suýt va chạm với lực lượng Mỹ và khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời thuộc lãnh thổ Mỹ.
Đây được xem là điểm thành công nhất, mở nút thắt căng thẳng trên nhiều mặt trận “nóng”. Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đều tham dự Diễn đàn an ninh Shangri-La nhưng không có cuộc tiếp xúc nào diễn ra. Đặc biệt, phương tiện quân sự hai nước này thường xuyên hằm hè nhau trên Biển Đông.
Dù được kỳ vọng rất nhiều, song cuộc trao đổi diễn ra rất “thẳng thắn”, nói đúng hơn là cả hai bên đều nói rõ quan điểm của mình về các vấn đề khiến mâu thuẫn phát sinh.
Ông Tập Cận Bình khẳng định lại: Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và hòn đảo này không có quyền tiến hành quan hệ ngoại giao một cách độc lập. Mỹ công nhận Trung Quốc là chính phủ duy nhất nhưng vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan, một hòn đảo tự trị dân chủ.
Mặc dù ông Joe Biden thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc” và sẽ không thay đổi điều đó, nhưng CNBC dẫn lời Tổng thống Mỹ tại họp báo sau đó, rằng Đài Loan duy trì chủ quyền của mình, bất chấp tuyên bố ngược lại của Bắc Kinh”.
Với các rào cản thương mại song phương, Ông Tập lưu ý các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đánh giá đầu tư và trừng phạt, đồng thời kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và cung cấp môi trường không phân biệt đối xử cho các công ty Trung Quốc.
Trong khi đó ông Biden cũng nêu ra những khó khăn xung quanh vấn đề quấy rối khách du lịch của Mỹ tại Trung Quốc và môi trường kinh doanh không còn được thuận lợi như trước đây.
Bắc Kinh và Washington hoàn toàn có thể thu xếp bất đồng trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, vì lợi ích của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng hàng loạt quan điểm bản lề về chiến lược an ninh, xây dựng ảnh hưởng toàn cầu, khuếch trương thanh thế bên ngoài lãnh thổ,… khó có thể nhượng bộ nhau.
>>Ông Biden và ông Tập sẽ bàn chuyện gì bên lề Thượng đỉnh APEC?
Bởi vì, tổng thể chính sách của Nhà trắng là làm giảm bớt sức ảnh hưởng của Trung Quốc; duy trì vị thế chỉ huy các hệ thống toàn cầu như thương mại, an ninh đồng minh, đối tác, công nghệ cao.
Ngược lại, Trung Quốc đang chứng tỏ là quốc gia duy nhất hiện nay đủ khả năng quản trị toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp với Mỹ; thiết lập hệ thống thương mại, tài chính tiền tệ riêng để thoát khỏi phương Tây.
Sở dĩ Washington ủng hộ Đài Loan độc lập là để phân tán sức mạnh Trung Quốc, đặt một chốt chặn ngay cửa ngõ ra biển của cường quốc châu Á. Đổi lại, Trung Quốc tăng cường đầu tư, kết nối ở Nam Thái Bình Dương, Đông Nam Á để phòng thủ từ xa, răn đe lực lượng Mỹ và đồng minh.
Những lợi lợi thế ở bên ngoài lãnh thổ đóng vai trò như thước đo tiềm lực, tầm ảnh hưởng của một cường quốc. Do vậy, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn dừng lại!
Có thể bạn quan tâm