Cần đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi năng lượng
Nhiều chuyên gia khuyến nghị thế giới cần khai thác nhiều nguồn tài chính hơn để công nghệ chuyển đổi xanh tiếp cận nhiều quốc gia hơn.
>> Nền tảng thông tin Đông Nam Á cho lĩnh vực chuyển đổi năng lượng
Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh có ý nghĩa quan trọng để thế giới thực hiện các ưu tiên về kinh tế, xã hội và môi trường. Điều quan trọng là các chính phủ, tổ chức tài chính và khu vực tư nhân phải khẩn trương đánh giá lại kế hoạch của mình để duy trì tham vọng kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Việc mở rộng đáng kể các giải pháp hiện có ngày một trở nên quan trọng hơn. Báo cáo Kiểm kê Toàn cầu, bản đánh giá tiến độ thực hiện các cam kết quốc gia theo Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu sẽ được thực hiện tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra trong tháng này ở Dubai, có thể là chất xúc tác hoàn hảo để thúc đẩy hành động.
Theo các chuyên gia, thế giới không cần phải chờ đợi các giải pháp tối ưu khi năng lượng tái tạo đang ngày càng cho thấy nhiều ưu thế trong ngành điện và trong các lĩnh vực công nghiệp rộng lớn, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Các giải pháp hydro sạch và sinh khối bền vững cũng mang lại nhiều lựa chọn. Nhưng để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững được nêu trong Chương trình nghị sự 2030 của LHQ, theo ông Francesco La Camera, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, có một số hành động chính mà các nước có thể thực hiện.
Đầu tiên là đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng hơn. Năm ngoái, thế giới đã chứng kiến mức triển khai năng lượng tái tạo kỷ lục trong ngành điện. Tuy nhiên, ông Camera cho rằng, các dự án của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) phải tăng công suất năng lượng tái tạo từ khoảng 3.000 GW/năm hiện nay lên hơn 10.000 GW vào năm 2030 mới đạt được mục tiêu tham vọng của Hiệp định Paris.
Nhu cầu tăng cường triển khai năng lượng tái tạo đã khiến ông Sultan al-Jaber, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh COP28 kêu gọi thế giới tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030 và sau đó là tăng gấp đôi vào năm 2040.
Mặc dù vậy, ông Mohamed Jameel al-Ramahi, Giám đốc điều hành của Masdar, một công ty năng lượng tái tạo có trụ sở tại Abu Dhabi đánh giá, đầu tư vào năng lượng tái tạo cho đến nay vẫn tập trung ở quá ít quốc gia và chỉ giới hạn ở một số công nghệ, chủ yếu là trong lĩnh vực điện. Các khu vực trên thế giới có 120 thị trường đang phát triển và mới nổi cũng nhận được đầu tư tương đối ít vào năng lượng tái tạo.
"Châu Phi chỉ chiếm 2% đầu tư vào năng lượng tái tạo trong hai thập kỷ qua, nhưng lục địa này sẽ rất quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng thành công. Cần phải làm nhiều hơn nữa để tạo điều kiện và môi trường khuyến khích vốn tư nhân nhằm chuyển nhiều nguồn lực hơn vào các dự án năng lượng sạch ở các nước đang phát triển", ông Ramahi nói.
Để đáp ứng các mục tiêu phát triển và khí hậu quốc tế sẽ đòi hỏi phải tái phân bổ nguồn vốn lớn cho các công nghệ carbon thấp cũng như huy động tất cả các nguồn vốn sẵn có. 150 nghìn tỉ USD sẽ cần chảy vào hệ thống năng lượng vào năm 2050 và hơn 80% trong số này phải được đầu tư vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng.
>> Phát triển năng lượng tái tạo: Chìa khóa để thành công
Nền tảng tài trợ cho chương trình tăng tốc chuyển đổi năng lượng của IRENA đã thu hút được hơn 1 tỉ USD nguồn lực được cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng. Tham vọng cho nền tảng này ngày càng tăng, với kế hoạch cung cấp tài chính cho các dự án 5 GW vào năm 2030.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, cần phải bố trí cơ sở hạ tầng phù hợp và nhanh chóng để loại bỏ các rào cản cơ cấu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách và thể chế.
Nhiều quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, nhưng việc khai thác chúng đòi hỏi phải xây dựng khả năng lưới điện, truyền tải và phân phối hiệu quả, cũng như lập kế hoạch cho các kết nối để cho phép kinh doanh điện và các tuyến đường vận chuyển hydro và các sản phẩm dẫn xuất tương ứng. Cần có vốn đầu tư công lớn để kích hoạt sự thay đổi mang tính hệ thống và xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất cần thiết cho hệ thống năng lượng mới chạy bằng năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, sự kết hợp của các công nghệ chuyển đổi năng lượng cần được mở rộng. Một phần do các chính sách hiện hành, hầu hết các khoản đầu tư trong những năm gần đây đều đổ vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió, với 95% nguồn vốn được đổ vào các công nghệ đó.
Các chuyên gia cho rằng, các nguồn vốn tài trợ cần được đổ nhiều hơn vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng khác như nhiên liệu sinh học, thủy điện và năng lượng địa nhiệt, cũng như vào các lĩnh vực như sưởi ấm và vận tải vốn khai thác năng lượng tái tạo chậm hơn.
Quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện sẽ giúp khắc phục những chênh lệch ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng trăm triệu người. Các chính sách chuyển đổi năng lượng phải phù hợp với những thay đổi mang tính hệ thống rộng hơn nhằm bảo vệ phúc lợi của con người, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững.
Hỗ trợ các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng có thể cải thiện an ninh năng lượng, đồng thời ngăn chặn sự gia tăng khoảng cách khử cacbon trên toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Cần có chính sách thu hút đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo
17:08, 12/10/2023
Chính sách năng lượng tái tạo cần đáp ứng nguyện vọng nhà đầu tư
05:00, 06/10/2023
Chuyển đổi xanh và tăng trưởng trung hạn: Bài 2 - Đầu tư năng lượng tái tạo
11:00, 25/09/2023
Cơ chế ổn định phát triển năng lượng tái tạo
01:00, 19/09/2023