Châu Á dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại COP28

CẨM ANH 02/12/2023 04:00

Các quốc gia đang nỗ lực chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu than để chuyển đổi sang năng lượng xanh.

>> COP28: Cuộc chiến giữa khí hậu và tiền

phiên khai mạc Hội nghị COP28. Ảnh: EPA

Phiên khai mạc Hội nghị COP28. Ảnh: EPA

Hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc năm nay (COP28) quy tụ đại diện từ khoảng 200 quốc gia để đánh giá tiến bộ chung đã đạt được hoặc chưa đạt được trong việc chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C từ thời tiền công nghiệp.

Quá trình này được gọi là Kiểm kê toàn cầu, diễn ra 5 năm một lần và đây là vòng đầu tiên. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc công bố vào tháng 9 đã cảnh báo rằng “thế giới đang không đi đúng hướng” và “cần nhiều hành động hơn nữa trên mọi mặt trận”.

Trung Quốc- nhà sản xuất khí nhà kính hàng đầu thế giới đóng vai trò là nhà cung cấp công nghệ xanh quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Bắc Kinh hiện đang nỗ lực kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Hiện nay, việc hợp tác giữa Trung Quốc với Mỹ trong lĩnh vực này đang bị thách thức bởi mối quan hệ vẫn đang trong tình trạng căng thẳng.

Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia đàm phán với tư cách là Chủ tịch của Nhóm 20, đại diện cho các quốc gia chịu trách nhiệm chung về 80% lượng khí thải carbon toàn cầu. Tại cuộc họp của khối vào tháng 9 tại Ấn Độ, G20 đã nhất trí tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030 và thúc đẩy thêm tài chính cho lĩnh vực này.

Tuy nhiên, New Delhi cũng đang do dự về việc loại bỏ than đá, vốn được coi là mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng một nửa nhu cầu năng lượng của Ấn Độ.

Một trong những quốc gia châu Á tích cực trong việc chuyển đổi năng lượng là Nhật Bản. Tokyo đã đóng góp 10 triệu đô la Mỹ cho Quỹ tổn thất và thiệt hại ngay ngày đầu tiên của COP28. Chủ tịch Nhóm G7 năm nay đang tích cực ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên thế mạnh từng quốc gia thay vì tập trung vào năng lượng tái tạo được nhiều quốc gia châu Âu hỗ trợ.

Ông Johan Rockström, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam nhận định, "Lập trường của Nhật Bản bắt nguồn từ nỗ lực của chính nước này nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nguồn cung cấp phần lớn năng lượng cho nước này".

"Nhật Bản coi quá trình khử cacbon là một giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng châu Á, mặc dù kế hoạch của nước này có sử dụng một công nghệ gây tranh cãi nhằm khử cacbon cho các nhà máy than bằng cách sử dụng amoniac", ông Rockström nói thêm.

>> Thủ tướng sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam tại Hội nghị COP28

Các nước châu Á đang thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu

Các nước châu Á đang thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol hiện đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 22% sản lượng điện vào năm 2030, từ mức 8% hiện tại. Nhưng mục tiêu đó vẫn thấp hơn mục tiêu của chính phủ tiền nhiệm.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là một trong những nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, trong khi nhiệt điện chiếm khoảng 60% sản lượng điện của cả nước. Với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và nhu cầu năng lượng tăng cao, Jakarta đã thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế.

Chính phủ Indonesia đã khai trương sàn giao dịch cacbon trong năm nay, nhưng hoạt động vẫn ở mức thấp. Với rừng mưa phong phú, quần đảo gồm 18.000 hòn đảo đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nạn phá rừng và bảo vệ đa dạng sinh học, nhưng quần đảo này cũng dễ bị tổn thương trước lũ lụt và mực nước biển dâng.

Trong khi đó, Việt Nam, quốc gia sử dụng nhiều nhiên liệu than, đã sớm thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời và lĩnh vực năng lượng gió thông qua chính sách giá ưu đãi. Thái Lan cũng đã thành lập bộ phận môi trường và biến đổi khí hậu với mục tiêu loại bỏ than vào năm 2040. Hệ thống lương thực bền vững sẽ là chủ đề chính tại COP28 và Thái Lan đang nghiên cứu cách giảm khí thải trong sản xuất lúa gạo đồng thời tăng sản lượng.

Malaysia đã vạch ra lộ trình cho quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu đạt 70% công suất năng lượng tái tạo vào năm 2050. Công ty dầu khí quốc gia Petronas cũng đã cam kết giảm một nửa lượng khí mêtan vào năm 2025. Quốc gia này cũng có kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng than đá, vốn chiếm 40% sản lượng điện vào năm 2050.

Cho đến thời điểm hiện tại, Hội nghị COP28 đã đưa ra cam kết chi 420 triệu đô la Mỹ để giúp đỡ các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận đột phá này là lời cam kết của các nước giàu trong việc hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu.

Theo Dame Heather McGregor, Hiệu trưởng Đại học Heriot-Watt Dubai: “Các nước đang phát triển có khả năng là những nước phát thải lớn trong thập kỷ tới vì họ chưa bắt kịp công nghệ sạch và năng lượng sạch”.

Ông cho nói thêm: “Nếu chúng ta muốn họ đạt được điều đó và chúng ta muốn họ ngừng phát thải… hãy giúp họ tiếp cận công nghệ sạch. Chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào và việc đó sẽ được tài trợ như thế nào?”.

Có thể bạn quan tâm

  • VinFast là đại diện doanh nghiệp Việt Nam duy nhất phát biểu và trưng bày mẫu xe VinFast VF 9 tại COP28

    VinFast là đại diện doanh nghiệp Việt Nam duy nhất phát biểu và trưng bày mẫu xe VinFast VF 9 tại COP28

    12:08, 01/12/2023

  • COP28: Cuộc chiến giữa khí hậu và tiền

    COP28: Cuộc chiến giữa khí hậu và tiền

    04:30, 30/11/2023

  • Thủ tướng sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam tại Hội nghị COP28

    Thủ tướng sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam tại Hội nghị COP28

    07:15, 28/11/2023

  • COP28: Kỳ vọng thay đổi từ ngành dầu khí

    COP28: Kỳ vọng thay đổi từ ngành dầu khí

    04:00, 26/11/2023

  • COP28: Mong chờ điều gì về chống biến đổi khí hậu?

    COP28: Mong chờ điều gì về chống biến đổi khí hậu?

    03:00, 26/11/2023

CẨM ANH