Thấy gì từ Diễn đàn chuyển đổi xanh của Việt Nam bên lề COP28?
Diễn đàn Doanh nghiệp của Việt Nam bên lề COP28 đã cho các đối tác quốc tế thấy được sự quyết tâm của đất nước trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng.
Ngày 02/12/2023, tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Huy động Nguồn lực cho Chuyển đổi Xanh".
>>COP28: Mong chờ điều gì về chống biến đổi khí hậu?
Được tổ chức bên lề Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), tuyên bố của Thủ tướng tại Diễn đàn cấp cao do Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tổ chức, cho thấy sự quyết tâm của đất nước trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hiện đang dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Việt Nam tại Dubai, đã trao đổi về tiến trình hướng tới hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam tại COP28. Việt Nam đang tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Quy hoạch điện VIII cũng đặt mục tiêu sản xuất 150 GW và 573 GW tổng công suất từ tất cả các nguồn năng lượng, ước tính cần lượng vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện lần lượt là 119,8 tỷ USD và 511 tỷ USD vào năm 2030 và 2050.
Ben Backwell, Giám đốc điều hành của GWEC - một tổ chức đại diện cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo chiếm 70% công suất điện gió toàn cầu – cho biết: "Đối với các quốc gia đang lên kế hoạch chuyển đổi năng lượng, điện gió ngoài khơi là một giải pháp năng lượng tái tạo hiệu quả về chi phí và có thể dự đoán thích hợp về giá. GWEC nhận thức rõ về vai trò then chốt của năng lượng gió trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong việc ưu tiên năng lượng điện gió cho tăng trưởng kinh tế bền vững và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn."
Diễn đàn này đã quy tụ lãnh đạo của các Bộ ngành, các chính quyền địa phương, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi, các nhà phát triển năng lượng gió đầu ngành, cũng như các bên mua năng lượng tái tạo tiềm năng và các tổ chức tài chính hàng đầu. Qua đây, VIệt Nam có cơ hội được giới thiệu, quảng bá tiềm năng của ngành để thu hút đầu tư quốc tế phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo quốc gia.
Năng lượng tái tạo là giải pháp chính của chuyển đổi xanh. Tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo trong tổng các nguồn năng lượng khác trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ mức 28% vào năm 2021 lên 69% vào năm 2030, nâng tổng công suất sản xuất năng lượng tái tạo lên 11,000 GW.
Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi nổi bật như một giải pháp cung cấp năng lượng sạch ở quy mô lớn có thể sản xuất tại địa phương, góp phần tăng cường an ninh năng lượng, kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững và cung cấp việc làm cho thị trường trong dài hạn.
Việt Nam hiện đang sở hữu công suất tiềm năng năng lượng điện gió đáng kể lên tới 600 GW, điều này làm tăng thêm ý nghĩa chiến lược cho Diễn đàn này. Việt Nam đang ở thời điểm thích hợp để giải phóng tiềm năng kinh tế từ năng lượng tái tạo, và thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” thông qua phát triển năng lượng gió.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã tạo môi trường thúc đẩy cuộc thảo luận giữa các đại biểu trong nước và quốc tế nhằm xây dựng khuôn khổ tài chính và chính sách cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, đặc biệt trong việc phát triển điện gió ngoài khơi. Các chính sách này nhằm mục đích mở ra cánh cổng cho năng lượng gió của đất nước, định vị Việt Nam là trung tâm chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo hàng đầu và thu hút lượng đầu tư tư nhân đáng kể, để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền sản xuất cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tổng thể của đất nước.
Sự hợp tác giữa chính phủ Việt Nam, các nước phát triển, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư năng lương tái tạo, vì mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0”.
Trong số những doanh nghiệp tham gia diễn đàn, lãnh đạo một tập đoàn năng lượng đã đề xuất một số khuyến nghị để thu hút đầu tư vào Việt Nam phục vụ quá trình chuyển đổi xanh. Các đề xuất này bao gồm việc Chính phủ nên ưu tiên thiết lập một khuôn khổ rõ ràng, bao gồm việc hoàn thiện Quy hoạch Không gian biển quốc gia, sửa đổi Nghị định 11/2021/NĐ-CP để phân bổ các khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển.
Tập đoàn này cũng nhấn mạnh sự cần thiết thành lập một Tổ công tác liên bộ (phục vụ công tác đơn giản hóa các thủ tục cho việc phát triển điện gió ngoài khơi) để hỗ trợ thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan của chính phủ, đồng thời, giao khu vực biển cho các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm.
Ông Thomas Lingard, Giám đốc toàn cầu về phát triển bền vững của Tập đoàn Unilever, chia sẻ: “Tại Unilever, chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc tăng gấp ba nguồn năng lượng tái tạo và thay thế các nguồn năng lượng truyền thống bằng các nguồn thay thế sạch hơn. Chúng tôi đã đạt được mục tiêu sử dụng 100% điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho các hoạt động sản xuất tại Việt Nam từ năm 2021 và đang hướng tới chuỗi giá trị “không phát thải carbon” vào năm 2039. Sự phối hợp giữa chính phủ, các nhà phát triển năng lượng tái tạo và các bên mua điện đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi.
“Chúng tôi rất cảm ơn và hoàn toàn ủng hộ Chính phủ Việt Nam đã triển khai xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) - đây là cơ chế quan trọng giúp thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh, cũng như giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
>>Châu Á dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại COP28
Tham dự Diễn đàn, ông Jim Andrew, Phó Chủ tịch và Giám đốc Điều hành Phát triển Bền vững của Tập đoàn Pepsico phát biểu: “Việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ góp phần hỗ trợ công tác chuyển đổi 100% năng lượng tái tạo trong hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được hợp tác cùng Chính phủ và các cơ quan chức năng để hiện thực hóa nỗ lực trên.”
Có thể bạn quan tâm
Hàng loạt cam kết rót vốn giúp Việt Nam phát triển xanh tại COP28
00:35, 02/12/2023
COP28: Cuộc chiến giữa khí hậu và tiền
04:30, 30/11/2023
Thủ tướng sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam tại Hội nghị COP28
07:15, 28/11/2023
COP28: Kỳ vọng thay đổi từ ngành dầu khí
04:00, 26/11/2023