Ý tưởng Khởi nghiệp Lâm nghiệp 2019: Truyền thống và hiện đại giao thoa
Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Lâm nghiệp 2019 đã chọn lựa ra được 06 nhóm xuất sắc cho buổi Chung kết tại Đại học Lâm nghiệp được tổ chức sáng nay (19/10).
Sau nhiều năm triển khai và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, Trường Đại học Lâm nghiệp tiếp tục tổ chức Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Lâm nghiệp 2019 với sự hỗ trợ của Ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Báo diễn đàn doanh nghiệp - VCCI và nhiều đơn vị đồng hành khác.
Qua thời gian 5 tháng phát động cuộc thi từ tháng 3 - tháng 8/2019, Ban tổ chức đã tiếp nhận nhiều ý tưởng dự án dự thi của các Khoa Viện của Nhà trường ở các lĩnh vực khác nhau như: lâm nghiệp, nông nghiệp, giống và công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ chế biến lâm sản, sản xuất kinh doanh… Trong đó, 14 nhóm lọt vào vòng sơ khảo và chọn lựa ra được 06 nhóm xuất sắc cho buổi Chung kết tại Đại học Lâm nghiệp.
Phát biểu khai mạc Chung kết cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Lâm nghiệp 2019, NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Nhà trường luôn quan tâm đến các hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp của sinh viên. Từ năm 2015, Nhà trường đều tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp nhằm giúp các em sinh viên phát triển kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm, sự quyết tâm cao về ý chí, nghị lực và có một cái nhìn thực tế, từng bước tiếp cận các nguồn lực khác như tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực… để có thể biến giấc mơ của bản thân sớm trở thành hiện thực.
“Dù quy mô khởi nghiệp còn nhỏ nhưng sẽ giúp các em tích lũy được những kinh nghiệm bước đầu trên con đường lập nghiệp sau này. Đây là giai đoạn khởi động, là bước khởi đầu để cho sinh viên vận dụng được lý thuyết đã học vào thực tiễn cuộc sống. Tôi mong muốn các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức hãy hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành cùng các em sinh viên để có thể đưa ý tưởng của em trở thành hiện thực” - NGND.GS.TS. Trần Văn Chứ chia sẻ mong muốn.
Mở đầu cho vòng Chung kết là dự án “Sản xuất và kinh doanh giống Tùng La Hán huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh”. Đại diện của nhóm cho biết, cây Tùng La Hán là loài cây đặc hữu của dãy Hoàng Liên Sơn và đảo Cô Tô", quả cây Tùng La Hán có hình dáng giống như những pho tượng La Hán, trồng làm cây cảnh, làm bonsai. Tuy nhiên, số lượng cây tự nhiên hiện nay còn rất ít trong khi nhu cầu cần cho trang trí sân vườn, khu đô thị, chung cư thì ngày càng tăng cao hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Chung kết Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Lâm nghiệp năm 2019: Lộ diện TOP 06 dự án tham dự
11:22, 16/10/2019
Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Lâm nghiệp năm 2019
06:07, 10/10/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Xem xét cho phá sản công ty nông, lâm nghiệp yếu kém
02:10, 22/08/2019
Nghiên cứu hình thức phá sản công ty nông lâm nghiệp
16:53, 21/08/2019
Do đó, việc nhân giống để bảo tồn giống cây này là vô cùng cấp thiết và ý nghĩa. Bên cạnh đó, việc sản xuất và phân phối mặt hàng này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi nó có thể thay thế cho những cây Tùng La Hán giống Nhật – loại đang được kinh doanh nhiều ở Việt Nam.
Tiếp theo là dự án “Chế biến các sản phẩm từ dứa”. Nhóm tập trung vào sản xuất các sản phẩm từ dứa tự nhiên, theo công nghệ hiện đại có tính đa dạng, gần gũi với thiên nhiên và an toàn cho môi trường.
Trong giai đoạn hiện nay, khi lượng dứa được trồng ra ngày càng tăng, nhưng các doanh nghiệp chế biến dứa vẫn còn khá ít ỏi, dẫn đến hiện tượng tồn đọng, thừa thãi rất nhiều. Chính vì vậy, việc chế biến các sản phẩm từ dứa là rất cần thiết, giải quyết được lượng lớn tồn dư và giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động.
Dự án thứ ba thuyết trình là nhóm “Nhân nuôi và phát triển Cà cuống QFE”. Dự án không chỉ sản xuất các sản phẩm từ cà cuống, được người tiêu dùng tìm mua với số lượng nhiều mà còn mang ý nghĩa bảo tồn các giống cà cuống đang có số lượng ít ỏi tại Việt Nam. Số lượng cà cuống do các cơ sở nhân nuôi còn rất hạn chế nên việc nhân nuôi cà cuống thuận lợi sẽ mang lại hiệu quả và thu nhập kinh tế cao.
Tiếp sau là dự án “Mỹ phẩm từ Trầm hương Việt Nam (Vietnamese agarwoods cosmestics)”. Hiện nay, các sản phẩm trầm hương chủ yếu được tạo ra ở dạng thô, chưa phát huy hết giá trị của trầm hương. Bằng việc sử dụng tinh dầu trầm hương, dự án “mỹ phẩm Trầm hương” chủ yếu sản xuất các loại mỹ phẩm có nhiều tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Là một dự án ý tưởng đổi mới sáng tạo, “Bóng đèn chữa cháy: Quả cầu dập lửa” là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam, được làm thành sản phẩm có kích thước đa dạng, màu sắc tuỳ ý, sử dụng làm vật trang trí và đặc biệt là để chữa cháy. Bằng việc sử dụng chất cảm biến cháy nổ, khi xảy ra đám cháy, các quả cầu sẽ giải phóng ra hỗn hợp muối kiềm Potassium Carbonate (K2CO3), giải phóng khí CO2 dập tắt đám cháy.
Dự án cuối cùng là “Hệ thống trồng rau mini công nghệ cao Thành Đô”. Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng cao. Theo kịp nhu cầu đó, hệ thống trồng rau thuỷ canh áp dụng công nghệ cao, phù hợp với không gian hẹp đã được đưa ra triển khai, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm sạch và cả trang trí tại nhà. Dự án có sử dụng hệ thống tưới tự động, với chi phí đầu tư ban đầu không lớn, nhưng đem hiệu quả rất rõ rệt.
Sau khi Hội đồng Ban Giám khảo tổng hợp phiếu điểm và hội ý, thứ tự đạt giải của 06 nhóm được công bố. Cụ thể: giải nhất thuộc về Dự án “Bóng đèn chữa cháy: Quả cầu dập lửa”; giải nhì: Dự án “Nhân nuôi và phát triển Cà cuống QFE”; 2 giải ba thuộc về Dự án “Mỹ phẩm từ Trầm hương Việt Nam (Vietnamese agarwoods cosmestics)” và Dự án “Hệ thống trồng rau mini công nghệ cao Thành Đô”; 02 giải Khuyến khích: Dự án “Sản xuất và kinh doanh giống Tùng La Hán huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh” và Dự án “Chế biến các sản phẩm từ dứa”; và 01 giải thưởng Dự án được yêu thích nhất: Dự án “Hệ thống trồng rau mini công nghệ cao Thành Đô”.
Chung kết cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Lâm nghiệp 2019 không chỉ là sân chơi cho sinh viên thử sức và thể hiện năng lực bản thân trong khởi sự kinh doanh mà còn là cơ hội giúp sinh viên - thanh niên tiếp cận với các doanh nghiệp, doanh nhân để giao lưu, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác.