Khởi nghiệp thành công bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo AI vào dây chuyền sản xuất

An Chi 31/03/2020 19:30

Startup Pix Move đã phản ánh những thay đổi sâu rộng trong ngành công nghiệp sản xuất ôtô trên thế giới.

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Trung Quốc đều điêu đứng vì các mức thuế mà Nhà Trắng áp cho hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, anh Angelo Yu – giám đốc một công ty khởi nghiệp nhỏ tại Trung Quốc lại không “ngao ngán” trước cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Vào thời điểm căng thẳng nhất trong của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tự động hoá của anh Yu lại đang chuẩn bị giao chiếc xe đầu tiên của mình cho người mua ở Mỹ. Khi đó, anh Yu thậm chí còn không buồn kiểm tra mức thuế của Tổng thống Trump áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến công ty của anh như thế nào. Rốt cuộc, anh Yu có một cách giải quyết - ngay cả khi nó nghe giống như những thứ của khoa học viễn tưởng, thì nó cũng là một giải pháp tuyệt vời.

Từ xu hướng tự động hoá trong dây chuyền sản xuất

Pix Move - công ty của Yu, đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để thiết kế xe oto và các kỹ sư của công ty sẽ chuyển đổi từ các bản thiết kế thông thường thành bản có thể chạy trên máy in 3D. Mô hình hoạt động của công ty anh Yu là tải dữ liệu lên điện toán đám mây và để nhóm cộng sự của anh ấy ở Mỹ thực hiện các công đoạn sau. "Chúng tôi không xuất khẩu ô tô sang Mỹ", anh Yu chia sẻ, "chúng tôi xuất khẩu các kỹ thuật cần thiết để sản xuất những chiếc xe."

Mặc dù Pix là một liên doanh nhỏ và các phương tiện giao thông do công ty này sản xuất chưa thể đưa ra sử dụng rộng rãi, nhưng mô hình hoạt động này đã thu hút sự chú ý của ít nhất hai “ông lớn” trong ngành sản xuất oto là Volvo và Honda Motor. Và anh Yu tin chắc rằng người đàn ông vốn được coi là cha đẻ của ngành công nghiệp ô tô sẽ nhìn thấy sự khôn ngoan trong những cách thức công nghệ cao của mình. Anh vui vẻ nhận xét: "Nếu Henry Ford vẫn còn sống. Tôi tin rằng ông ấy cũng sẽ chế tạo ô tô bằng AI."

Có thể bạn quan tâm

  • Trí tuệ nhân tạo Amazon dự đoán chất lượng sản phẩm từ phản hồi khách hàng

    Trí tuệ nhân tạo Amazon dự đoán chất lượng sản phẩm từ phản hồi khách hàng

    16:00, 13/03/2020

  • Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân COVID-19

    Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân COVID-19

    07:42, 11/03/2020

 Hai thập kỷ sau khi Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất của thế giới nhờ vào lao động giá rẻ, Liên Hợp Quốc đã đưa ra dự báo về sự sụt giảm mạnh trong lực lượng lao động khi đất nước này bước vào giai đoạn già hoá dân số. Theo đó, đến năm 2050, lực lượng lao động của quốc gia tỷ dân này sẽ thu hẹp chỉ còn khoảng 200 triệu công nhân. Trong khi đó, theo công ty cung cấp dữ liệu CEIC, mức lương trung bình hàng năm của công nhân sản xuất Trung Quốc đạt 64.452 nhân dân tệ (9.094 USD) trong năm 2017, tăng 200% so với một thập kỷ trước đó và gần gấp ba lần lương của lao động phổ thông tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh tin rằng việc robot và các công nghệ tiên tiến khác – giống như mô hình mà công ty Pix sử dụng, là một giải pháp thông minh. Phương pháp này không chỉ là giải pháp cho bài toán nhân sự khi lực lượng lao động đang suy giảm và mức lương cao, mà còn là một cách để duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Angelo Yu, người sáng lập và CEO của Pix Move, tin rằng nhà tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô Henry Ford sẽ nắm lấy AI.

Anh Angelo Yu - người sáng lập và CEO của Pix Move, tin rằng nếu nhà tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô Henry Ford còn sống thì ông cũng sẽ nắm lấy AI.

Trên thực tế, sản xuất thông minh là cốt lõi của kế hoạch "Made in China 2025" của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chiến lược và bắt kịp các đối thủ phương Tây.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất robot với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo dữ liệu của Liên đoàn Robotics, chỉ tính riêng năm 2018, khoảng 154.000 robot đã được các nhà máy tại Trung Quốc đưa vào sử dụng trong kế hoạch bán tự động hoá dây chuyền sản xuất. Con số này nhiều hơn tổng số robot hoạt động trong dây chuyền sản xuất của cả châu Âu và châu Mỹ cộng lại.

Khi lợi thế về chi phí của Trung Quốc mất dần, "đổi mới công nghệ đã trở thành phương tiện để các nhà sản xuất ở đây duy trì khả năng cạnh tranh", ông Jack Zeng - Giám đốc Viện Thiết kế Công nghiệp Trung Quốc cho biết.

Foxconn Technology là một tập đoàn lớn của Trung Quốc, có trụ sở tại Đài Loan được biết như công xưởng lắp ráp iPhone của Apple tại đại lục, chỉ là một ví dụ về cách mà công nghệ và robot thay thế dần con người trong dây chuyền sản xuất. Vị giám đốc điều hành của nhà cung cấp thiết bị tự động hóa Trung Quốc Tamasec Robot cho biết rằng Foxconn là khách hàng của hãng. Ông này còn tiết lộ chi tiết hơn, rằng Foxcon đã từng ký hợp đồng thuê 100 công nhân trên mỗi dây chuyền sản xuất, nhưng hiện tại con số giảm xuống chỉ còn 10 do máy móc đang dần dần thay thế công nhân một cách hoàn hảo hơn rất nhiều.

Đến ý tưởng khởi nghiệp phá vỡ mọi giới hạn

Đứa con tinh thần Pix của anh Yu đã có một khởi đầu với những suy nghĩ được cho là “khác thường”.

Anh Yu học kiến trúc tại Đại học Trùng Khánh. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về nhà để làm việc trong lĩnh vực mình chọn, nhưng anh nhanh chóng nhận ra rằng mình không đam mê công việc kiến trúc và xây dựng. Thay vì để ý đến các toà nhà hay các bản vẽ, anh Yu lại chỉ quan tâm đến kinh doanh, và muốn thành lập một doanh nghiệp của riêng mình. Anh Yu bắt đầu chế tạo máy bay không người lái trước khi nhận ra rằng anh có thể kết hợp công nghệ in 3D và trí tuệ nhân tạo AI để chế tạo phương tiện giao thông

Nhớ lại những ngày tháng đó, anh Yu cho rằng anh không có kỹ thuật về công nghệ sản xuất ô tô lại là một điều may mắn. Các kỹ sư được đào tạo bài bản về chuyên ngành công nghiệp sản xuất oto thường chế giễu, thậm chí cho rằng Yu không bình thường khi anh đưa ra ý định của mình. "Họ không thể nghĩ rằng có thể sản xuất một chiếc oto bằng cách phi truyền thống nào đó", anh Yu nói. "Những gì họ học được từ trường học và nơi làm việc chỉ cách để tạo ra ô tô theo phương pháp truyền thống. Nhưng tôi biết rằngđó không phải là cách duy nhất, cũng không phải là cách tốt nhất."

Quay trở lại câu chuyện khởi nghiệp với Pix Move, anh Yu có thêm một lý do để theo đuổi mô hình sản xuất thông minh của mình. Quê hương của anh, nơi anh thành lập công ty vào năm 2014 – thành phố Quý Dương là ở một trong những vùng kém phát triển nhất của Trung Quốc. Thành phố này cách xa các trung tâm ngành công nghiệp ô tô như Quảng Châu và Thượng Hải đến hàng trăm dặm. Chính sự thiếu thốn của các nhà cung cấp linh kiện gần đó buộc anh phải sáng tạo và tìm ra giải pháp cho riêng mình.

Để giảm số lượng các bộ phận cần thiết để chế tạo một chiếc ô tô, Yu và nhóm của anh đã chuyển sang một kỹ thuật AI được gọi là thiết kế tổng quát, tạo ra các khái niệm dường như vượt ra ngoài trí tưởng tượng của con người. Công ty này hoạt động dựa trên mô hình độc đáo chưa từng có: các lập trình viên thiết lập các thông số nhất định, chẳng hạn như kích thước của chiếc xe và trọng lượng tối đa của xe. Sau đó, các chuyên gia này nhập các thông số trên để cho các máy tính tự chạy các phép toán. Các thuật toán được xây dựng dựa trên AI và các chuyên gia sẽ tinh chỉnh kết quả. Các kỹ sư sau đó xem xét các tùy chọn và quyết định giải pháp nào sẽ được áp dụng vào thực tế.

Anh Siddharth Suhas Pawar - một kỹ sư cơ khí tại Pix, cho biết rằng anh thường "ngạc nhiên" trước những gợi ý của AI. "Tôi sẽ không bao giờ nghĩ về việc tạo ra một chiếc xe theo cách đó," anh Pawar nói. Trên màn hình máy tính, anh cho biết các kỹ sư có nhiều lựa chọn khác nhau, được thiết kế bởi cả con người và AI. Nhưng các thiết kế do máy tính tạo ra chi tiết hơn nhiều, với các cấu trúc phức tạp hơn.

Với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công nghệ, chẳng hạn như việc sản xuất khung xe, AI đã cắt giảm số lượng các bộ phận từ hàng ngàn đến hàng trăm. Tuy nhiên, chính việc công nghệ này quá hiện đại và độc đáo, mà chính bản thân nó đã phát sinh ra những thách thức mới.

Hầu hết các linh kiện mà các kỹ sư tại Pix thiết kế quá độc đáo để có thể kết hợp với linh kiện phổ thông của nhà cung cấp lớn ở Quảng Châu và Thượng Hải. Từ thực tế đó, công ty của anh Yu đã phải tìm ra cách sản xuất các linh kiện khác của chiếc xe để các bộ phận này có thể đồng bộ và lắp ráp lại thành được một chiếc xe hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng, việc in toàn bộ chiếc xe oto khó hơn nhiều so với máy bay không người lái. Mãi đến cuối năm 2017, khi Yu xem một video trên YouTube về việc các kỹ sư Hà Lan làm cầu thép in 3D đầu tiên trên thế giới, anh mới hiểu công nghệ này có thể được sử dụng như thế nào để tạo ra các vật thể có quy mô lớn hơn.

Các kỹ sư của Yu vừa làm, vừa tiếp tục nghiên cứu. Cuối cùng họ nhận ra, nếu tận dụng được hết các lợi thế của AI thì công ty chỉ mất 12 tháng để đưa một chiếc xe từ ý tưởng đến đích - so với 36 tháng cho một nhà sản xuất ô tô truyền thống. Vì AI cho phép dữ liệu có thể được phối hợp giữa các bộ phận trong toàn bộ quá trình, do đó việc chuyển những thuật toán công ty thiết lập Trung Quốc tới các nhà máy ở nơi khác cũng tương đối dễ dàng. Điều này sẽ cho phép Pix lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm nhiều địa điểm khác nhau, giúp giảm chi phí hậu cần. Quan trọng hơn, công nghệ này giúp chuyển dây chuyền sản xuất tới bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào . Điều này sẽ giúp công ty tránh khỏi những xung đột thương mại khó lường - có thể là Nhật Bản với Hàn Quốc, Mỹ với Trung Quốc…

Nhận ra tiềm năng của Pix, cả Volvo và Honda đều bày tỏ sự quan tâm đến việc đưa startup vào các chương trình ươm tạo để khai thác công nghệ vận chuyển của Pix trong các giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, nhà sản xuất máy gia tốc HAX có trụ sở tại Thung lũng Silicon và các nhà đầu tư khác cũng đã đầu tư khoảng 10 triệu nhân dân tệ vào Pix. Hiện tại, Pix được định giá khoảng 20 triệu USD.

"Pix có một cách tiếp cận độc đáo và thú vị để giải quyết vấn đề", Matt Lemay, chuyên gia tại Autodesk nhận định,"tầm nhìn về tương lai của Pix, không chỉ về các phương tiện vận tải mà cả các phương pháp mới về tự động hóa thiết kế và sản xuất thông minh, khiến đâytrở thành một đối tác hấp dẫn."

Yu cho biết anh hy vọng sẽ giành được một phần của thị trường xe khách trên toàn cầu, nhưng hiện tại công ty của anh đang tập trung vào thị trường ngách là xe tải và các phương tiện thương mại khác.

Mặc dù Pix vẫn đang nghiên cứu thiết kế xe tải cho khách hàng Texas nhưng Yu cho biết anh đã bắt tay vào việc một nhà máy của mình ở Mỹ. Vào tháng 8/2019, các kỹ sư Pix đã mua lại một nhà máy gần một cảng hàng hóa ở San Francisco. Được biết, nhà máy này sẽ là nơi thực hiện việc in ấn ngay khi bản thiết kế cuối cùng được các đồng nghiệp ở Trung Quốc tải lên hệ thống. "Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc nắm lấy công nghệ sản xuất thông minh. Việc sử dụng trí tuệ thông minh AI sẽ ngày càng trở nên phổ biến”.

An Chi