Liêm chính là thương hiệu!
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch và Dịch vụ thể thao dưới nước tại Hội nghị: “Tạo dựng đòn bẩy liêm chính trong Khởi nghiệp”.
Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, khách hàng của công ty là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam và họ có bộ công cụ về liêm chính rất mạnh. Đó là những điều khoản chống tham nhũng, chống gian lận trong hợp đồng. Và khi công ty trở thành đối tác thì bắt buộc phải tuân thủ.
Ông Hải đánh giá, tưởng nghe qua thì rất dễ vì chỉ cần và thực hiện theo hợp đồng là thành công, nhưng trên thực tế công ty đã gặp phải những vấn đề rất khó xử lý. Đó là vào giữa năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất, công ty nhận được một hợp đồng cung cấp thiết bị cho khu du lịch Hòn Tằm (Nha Trang).
Tại thời điểm dịch COVID-19 mà có được hợp đồng lớn như vậy là vô cùng quý giá, tuy nhiên khi hoàn tất hợp đồng, khách hàng đã đặt cọc tiền thì công ty lại gặp phải sự cố với nhà cung cấp, đó là họ đột ngột tăng giá khiến công ty rất khó xử lý.
Ông Hải cùng các bộ phận trong công ty cùng ngồi họp bàn và mọi người thống nhất đưa ra thông báo cho khách hàng là bị tăng giá và xin hủy hợp đồng. Sau khi lấy ý kiến tất cả thành viên công ty “chốt” phương án hủy hợp đồng.
Nhưng riêng ông Hải “nhất quyết” yêu cầu phải thực hiện hợp đồng đã ký và giữ nguyên giá, nhưng sẽ chấp nhận đi kèm với rủi ro là bị thua lỗ. Ban đầu, các thành viên công ty phải đối quyết liệt, nhưng ông Hải vẫn cương quyết thực hiện như cam kết.
Sau khi hoàn thành hợp đồng thì khách hàng có cảm ơn công ty, tháng 10 vừa qua công ty nhận tiếp hợp đồng thứ hai với khách hàng này. Đây chỉ là câu chuyện nhỏ nhưng có sự đấu tranh rất lớn, tính quyết định cao. Và ông Hải muốn đưa ra thông điệp, liêm chính là thương hiệu và phải giữ thật tốt để tồn tại và phát triển hơn trong tương lai.
Qua câu chuyện của công ty ông Hải cho thấy một điều rằng, việc tuân thủ hợp đồng với khách hàng là điều bắt buộc. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định do người khác đặt ra còn dễ dàng hơn rất nhiều so với những điều bản thân tự đặt ra. Đối với công ty ông Hải là việc “giữ lời” và ngay lập tức đã nhận được “quả ngọt” là bản hợp đồng thứ hai.
Bà Nguyễn Thị Hồng Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Cô Ba Chuyên (Đồng Nai) thì nhìn nhận, thực hành việc có liêm chính hay không không chỉ là giữ uy tín cho bản thân doanh nghiệp mà còn với cả cộng đồng, vì doanh nghiệp là người đại diện. “Khi đã đại diện cho cả công đồng thì việc gìn giữ liêm chính càng phải trở lên mạnh mẽ hơn”, bà Quyên bày tỏ.
Ông Mai Thanh Nghị, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp có một đúc kết thú vị, đó là khi nói đến liêm chính thì chỉ cần làm những việc đúng, không cần ai giám sát, bắt buộc…liêm chính đến với mỗi người như một sự tự nhiên và gần gũi.
Ông Nghị nêu ra câu chuyện trong những năm gần đây, chính quyền Đồng Tháp đã có chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp. Mỗi buổi sáng chính quyền dành thời gian ngồi uống cafe với doanh nghiệp để nghe doanh nghiệp chia sẻ những vướng mắc của mình.
Khi doanh nghiệp có vướng mắc thì chính quyền mời lên uống cafe thay vì hội họp. Ở buổi cafe này có lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp và các sở, ban ngành cùng ngồi mổ sẻ vấn đề với nhau một cách thân thiện. “Qua buổi cafe đó đã đưa đến sự gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp thay cho những cuộc họp căng thẳng”, ông Nghị bày tỏ.
Vẫn theo ông Nghị, khi đã có sự gắn kết thì sẽ không còn khoảng cách, sự kết nối giữa chính quyền và doanh nghiệp được dẫn dắt bằng sự thấu hiểu lẫn nhau. “Chúng tôi không chỉ tổ chức buổi cafe giữa chính quyền và doanh nghiệp ngay tại UBND tỉnh mà còn đi xuống các doanh nghiệp hay khu công nghiệp để cùng chia sẻ chân tình với nhau”, ông Nghị nói.
Ông Nghị khẳng định, UBND tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước vào dịp Tết Nguyên đán đều mở cửa UBND tỉnh để người dân đến trụ sở để xem lãnh đạo tỉnh đang làm việc những việc gì trong dịp lễ, tết.
“Chính kết nối này đã tạo ra sự lan tỏa giữa doanh nghiệp với với nhau. Đồng Tháp có những Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu, bao gồm những doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ. Hay mô hình Hội Quán nông dân để nông dân ngồi lại với nhau, chia sẻ thông tin với nhau sản xuất như thế nào cho tốt”, ông Nghị bày tỏ.
Từ câu chuyện này đã lan tỏa đến các doanh nghiệp khởi nghiệp và đã ra đời Câu lạc bộ đặc sản Đồng Tháp, cũng do các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng ngồi lại với nhau. Qua đây ông Nghị nhận thấy, sự gắn kết giữa người với người, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với chính quyền thì sẽ rất minh bạch, không còn sự khuất tất.
Có thể bạn quan tâm
Tạo dựng đòn bẩy liêm chính trong khởi nghiệp
16:30, 28/11/2020
Liêm chính tạo niềm tin và danh tiếng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
19:44, 28/11/2020
TRỰC TIẾP: Hội nghị “Tạo dựng đòn bẩy liêm chính trong khởi nghiệp”
14:07, 28/11/2020
28/11: Hội nghị “Tạo dựng đòn bẩy liêm chính trong khởi nghiệp”
15:00, 13/11/2020