Văn hóa của chấp nhận thất bại để vươn đến thành công

NGỌC TÚ (tổng hợp) 12/02/2021 03:58

Cần xây dựng cả văn hóa chấp nhận mọi thất bại, mọi rủi ro trong giới khởi nghiệp vì đó là quy luật tất yếu cho việc đánh đổi, tìm đến sự thành công.

Người ta thường nói: “Thất bại là mẹ của thành công”. Câu nói này không sai nhưng cũng không đúng. Bởi đã có rất nhiều người khởi nghiệp sau khi vấp ngã đã không thể gượng nổi dậy để đi tiếp.

Phong trào khởi nghiệp đang là xu thế ở Việt Nam đặc biệt là các bạn trẻ, nhưng tỷ lệ thất bại rất cao, trên 90% các startup bị phá sản trong 3 năm đầu tiên. Bài học kinh nghiệm từ những startup này luôn có giá trị với người trong cuộc lẫn cộng đồng. 

Về tài chính, không thất bại nào trong kinh doanh không gắn liền với mất mát về tài chính. Khi bạn đã mất tiền đầu tư cơ sở vật chất cho doanh nghiệp và để rồi đến lúc thất bại, bạn sẽ rất may mắn nếu tình trạng tài chính của bạn là con số 0. Nhưng trên thực tế, đã có rất nhiều startup sau khi thất bại đã phải bắt đầu với con số âm. Và trong thời buổi kinh tế hiện nay, đồng tiền kiếm được là vô cùng quý giá.

Về tâm lý, đây là mất mát vô hình nhưng lại vô cùng lớn. Khi khởi nghiệp, ai cũng đầy khát khao, đam mê, hoài bão để rồi khi đối diện với thất bại, các startup sẽ phải đối diên với hàng loạt câu hỏi: “Tôi thật kém cỏi”, “Tôi thật vô dụng”… và chưa kể là những ánh mắt của bạn bè, người thân luôn xoáy vào. Những câu nói khó chấp nhận: “Đã bảo rồi mà…” sẽ luôn khiến các startup cảm thấy không còn niềm tin trong cuộc sống.

Kinh doanh khó thành công bởi các startup luôn nghĩ phải làm cho hai bàn tay trắng của mình trở thành hai bàn tay đầy vàng, phải mở cơ nghiệp riêng của mình và làm cho sự nghiệp đó phát triển lâu dài… Đơn giản hơn chính là tìm ra cách làm thế nào để người khác đưa tiền cho mình. Điều này khó không? Quá khó!

Bởi đã có rất nhiều người sau khi tốt nghiệp cấp ba đã không muốn đi học tiếp mà đi làm kiếm tiền rồi trở thành ông/bà chủ. Tuy nhiên, đây là con số vô cùng hữu hạn, kiến thức sẽ giúp chúng ta thành ông/bà chủ theo một cách khác.

Những người không đi học mà họ vẫn thành công là bởi vì họ đã học “trường đời”. Họ mất rất nhiều sức lực và họ đã lao động chân tay nhiều hơn để thành công như bạn nhìn thấy. Và thời gian 10 năm, 20 năm tuổi trẻ là những thứ họ phải trả giá cho sự thành công. Do đó, khi chia sẻ về thành công mà không cần học hành thì 9 trong 10 người sẽ khuyên nên đi học.

Học tập không trực tiếp giúp chúng ta thành công, nhưng những giá trị có được từ việc học tập sẽ giúp chúng ta xử lý vấn đề nhanh hơn, giải quyết công việc tốt hơn những người học ít. Nói đơn giản hơn, thời gian thành công của người học sẽ ngắn hơn so với người không học. Những người không đi học, đứng trước một vấn đề họ mất nhiều công tìm hiểu, nghiên cứu và đôi lúc họ sáng tạo ra những phương pháp làm việc kém hiệu quả hơn so với người học nhiều.

Tóm lại, điểm lưu ý để rút ngắn thời gian thành công của bạn chính là việc bạn cần học tập một cách nghiêm túc. Chỉ có học tập mới giúp chúng ta hoàn thiện những khuyết điểm của bản thân, nâng cao năng lực để gia tăng hiệu suất làm việc.

Có một yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình đó là bản thân các startup phải luôn có một sự sáng tạo vượt bậc. Bởi vì chỉ có sự sáng tạo mới làm nên sự khác biệt giữa startup và đối thủ, chỉ có sự sáng tạo hơn người mới có thể giúp startup nhìn thấu toàn bộ thị trường hiện tại, tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng, từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh cho riêng mình. Kế hoạch này không nhất thiết phải bao gồm những ý tưởng kinh doanh chưa ai biết đến hay những ý tưởng mới hoàn toàn chưa ai nghĩ đến, mà nó phải tạo nên sự đột phá và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của startup.

Sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp là điểm tựa quan trọng cho startup trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này. Vậy thì, thay vì tranh giành miếng bánh với các đối thủ lớn trên thị trường ra đời sớm hơn mình, mạnh hơn mình, nhiều kinh nghiệm hơn mình thì chúng ta có thể tự tìm ra một miếng bánh mới - mà tại đó chúng ta chính là người dẫn đầu.

Chấp nhận thất bại chính là phong thái của những nhà khởi nghiệp. Bởi sau từng thất bại, startup dễ dàng đánh giá được hướng đi hiện tại và tìm những hướng đi tốt hơn cho tương lai. Thực chất, startup sẽ nhận ra được niềm vui trong thất bại khi các bạn hiểu được tường tận vấn đề đang gặp phải.

Cần xây dựng cả văn hóa chấp nhận mọi thất bại, mọi rủi ro trong giới khởi nghiệp vì đó là quy luật tất yếu cho việc đánh đổi, tìm đến sự thành công. Trong văn hóa chấp nhận thất bại ấy, dũng cảm và mạo hiểm cần được xây dựng trở thành tính cách then chốt.

Có thể bạn quan tâm

  • Bài học khởi nghiệp nhìn từ ý tưởng

    Bài học khởi nghiệp nhìn từ ý tưởng

    08:23, 12/11/2020

  • Bài học khởi nghiệp từ startup “hot” nhất mùa dịch tại Mỹ huy động vốn từ cộng đồng hơn 300.000 USD/tháng

    Bài học khởi nghiệp từ startup “hot” nhất mùa dịch tại Mỹ huy động vốn từ cộng đồng hơn 300.000 USD/tháng

    08:23, 13/10/2020

  • Bài học khởi nghiệp qua 10 hình vẽ đơn giản

    Bài học khởi nghiệp qua 10 hình vẽ đơn giản

    04:05, 15/09/2019

NGỌC TÚ (tổng hợp)