CEO BusMap: Khởi nghiệp từ công nghệ “made in” Việt Nam
Từng được Google giữ lại nhưng CEO BusMap lại “chọn đường khó hơn” khi về Việt Nam khởi nghiệp vì không muốn sản phẩm thời sinh viên mình rơi vào quên lãng.
Trở về nước sau gần 4 tháng thực tập tại Google (Mỹ), Lê Yên Thanh đầu quân vào một công ty khởi nghiệp chỉ vài nhân sự để thỏa sức sáng tạo với một ứng dụng giải trí mới. Là dân công nghệ, Thanh mê những điều mới mẻ và thích được chủ động trong mọi việc. Rời Thung lũng Silicon với mức lương thực tập gần 140 triệu đồng/tháng, Thanh trải qua nhiều vòng thi và được mời về Google tại Singapore làm việc với khoản thu nhập lớn hơn. Thế nhưng, Thanh chọn trở về quê hương theo đuổi giấc mơ công nghệ của mình dù biết sẽ lắm chông gai.
Ứng dụng BusMap ban đầu là ứng dụng hỗ trợ xe buýt dành cho đối tượng sinh viên. Nhưng khi quyết định khởi nghiệp từ sản phẩm, tôi thấy có nhiều vấn đề cần giải quyết và nghĩ đến bài toán lớn hơn, sử dụng cho nhiều đối tượng hơn. Vì thế, tôi đặt vấn đề phát triển BusMap thành ứng dụng thực thụ chứ không phải là sản phẩm của sinh viên đem đi thi. Tôi thấy nhiều bạn bè mình thường làm sản phẩm chỉ để đi thi và sau đó bỏ rơi nó. Tôi thì không như vậy.
Tháng 3/2019, BusMap gia nhập cộng đồng doanh nghiệp trong nước với mô hình cực nhỏ nhưng đến thời điểm hiện tại, Lê Yên Thanh và cộng sự đã làm được nhiều điều khiến cộng đồng bất ngờ. Một năm sau khi bỏ tiền túi vận hành mọi thứ, tháng 3/2020, “cha đẻ” BusMap đã gọi vốn thành công hơn 1 triệu USD từ một tập đoàn lớn. Điều khiến Thanh an tâm hơn cả là tập đoàn này cho phép anh tiếp tục phát triển ứng dụng miễn phí để phục vụ cộng đồng. Từ hai nhân sự ban đầu, giờ BusMap đã có hơn 20 nhân sự, đều là những người trẻ năng động, sáng tạo và giàu tâm huyết.
Năm 2013, ngay khi ra mắt, BusMap đạt 50.000 lượt tải. Đến năm 2019, ứng dụng này đã đạt mức một triệu lượt tải. Năm 2020, con số này đã là hai triệu lượt tải với 400.000 người dùng mỗi tháng. Một con số tăng trưởng mà bản thân Thanh cũng không ngờ. Từ một đồ án “made in sinh viên”, BusMap đã trở thành app thân thiện được hàng ngàn sinh viên, người lao động yêu thích vì có nhiều tính năng tích hợp. Ban đầu chỉ phủ sóng tại TP.HCM, đến nay, BusMap đã mở rộng ra Hà Nội hiện đạt được hơn 200.000 lượt tải và sử dụng, TP. Đà Nẵng và hai thành phố lớn của Thái Lan là Bangkok và Chiang Mai để người dân Việt sang đó du lịch khỏi bỡ ngỡ chuyện đi lại, vui chơi.
Ứng dụng BusMap có thể giải quyết vấn đề hướng dẫn đi xe buýt như đi ở trạm nào, xuống tuyến nào, đề xuất lựa chọn tuyến đường, hiển thị chi tiết thời gian chờ xe buýt, giá vé, khoảng cách đường đi, sắp tới sẽ có tính năng phát loa người dân và người khiếm thị có thể sử dụng được… Những điều này giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với xe buýt hơn. Còn với người nước ngoài có thể sử dụng bằng tiếng Anh, sắp tới có nhiều ngôn ngữ khác nữa. Nhiều người nước ngoài đánh giá cao sản phẩm và nhận định đây là ứng dụng “ngang ngửa” với các sản phẩm công nghệ tương tự của Nhật, Úc… thậm chí là tiên tiến hơn với tính năng GPS và tích hợp nhiều dịch vụ khác.
Với ứng dụng BusMap, mục tiêu của chúng tôi không chỉ dừng lại là một ứng dụng cho xe buýt. Chúng tôi sẽ đưa ra các hướng dẫn cho người dùng sử dụng nhiều loại hình phương tiện giao thông công cộng. Cụ thể như hướng dẫn người dân đến một điểm nào đó sử dụng xe buýt, sau đó tiếp tục hướng dẫn họ sử dụng taxi, xe ôm công nghệ, metro… giúp cho người dùng đi đến điểm đến tối ưu nhất. Những hãng taxi, taxi công nghệ, hay những đơn vị cung cấp dịch vụ về giao thông công cộng khác sẽ là đối tác của chúng tôi trong tương lai.
Nhà sáng lập Lê Yên Thanh chia sẻ, điều chắc chắn là BusMap sẽ luôn miễn phí và phát triển nhiều tính năng hơn hướng đến người dùng giao thông công cộng. Trong 2-3 năm tới, theo tôi, giao thông công cộng sẽ rất phát triển, nhất là ở TP HCM và Hà Nội khi các tuyến metro hoàn thành. Lúc đó, người dùng BusMap hoặc bất kỳ ứng dụng nào khác do chúng tôi phát triển, sẽ nhiều lên. BusMap sẽ không chỉ là ứng dụng phục vụ người đi xe buýt mà phục vụ người dùng trong suốt quá trình sử dụng giao thông công cộng nói chung.
Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch mở rộng sang thị trường nước ngoài. Nhìn chung, giao thông công cộng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa phát triển. Đây là cơ hội để BusMap nhân rộng mô hình của mình. Vào tháng 3/2020, startup này nhận vốn đầu tư hơn 1,5 triệu USD từ một tập đoàn lớn.
Có thể bạn quan tâm