Startup gọi vốn 15 tỷ đồng cam kết nếu lỗ thế chấp 3 căn nhà
Thương Vụ Bạc Tỷ mùa 4 khởi động với thương vụ “cho vay lãi suất vừa phải” giữa “Shark” Phú và founder Nguyễn Châu Long - công ty Thiên Kim An.
Với mong muốn góp phần bảo vệ môi trường, Nhà sáng lập Công ty CP Thiên Kim An mang đến chương trình giải pháp giúp phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa một lần, đó là hạt nhựa sinh học được sản xuất từ bột mỳ, gốc rơm rạ và một số thành phần khác theo công thức riêng.
Nhà sáng lập Nguyễn Châu Long cho biết, sản phẩm là "nhựa sinh học 100%, không có nhựa thông thường, sau khi tự hủy sẽ không để lại vi nhựa", "sản phẩm đã được kiểm nghiệm tại châu Âu và Mỹ, được chứng nhận OK-Compost". Hiện anh đã hoàn thành xong giai đoạn 1 với số vốn đầu tư 16 tỷ đồng. Để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo và mở rộng sản xuất, startup đến chương trình để kêu gọi 4,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần, và có thể bán tối đa 35% cổ phần.
Về giá bán của sản phẩm, Châu Long cho biết hạt nhựa sinh học Bioplast có giá đắt gấp 2,5 lần hạt nhựa thông thường. Tuy nhiên vì nhựa thông thường còn bị áp thuế môi trường nên tính ra, giá thành đầu vào của 2 loại sẽ tương đương nhau.
Đánh giá cao ý tưởng và mô hình của Châu Long nhưng shark Hưng, Liên, Việt đều từ chối rót vốn vì cho rằng startup còn quá sơ khai, hay theo lời Shark Hưng là startup "đến chương trình hơi sớm". Trong khi đó, Shark Bình rút lui vì Shark thừa nhận thế mạnh của mình là chuyển đổi số, yếu tố vốn chưa thể phát huy ngay trong mô hình này.
Tuy nhiên, Shark Phú lại là người ra "kèo" với đề nghị góp vốn 4,5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần. Tuy nhiên, ở mức này, startup của Châu Long sẽ có định giá trước khi đầu tư là 13,5 tỷ đồng, thấp hơn số tiền túi anh đã bỏ ra là 16 tỷ đồng nhà sáng lập Châu Long có chút băn khoăn vì định giá hơi thấp. Shark Phú tiếp tục thuyết phục startup chấp nhận đề nghị của mình bằng cách đưa ra những lợi ích khi startup về với mình như hệ thống đầu ra, hệ thống sản xuất, các giá trị sẵn có của hệ sinh thái Sunhouse… Startup chỉ cần tạo ra sản phẩm nhanh nhất với giá thành thấp nhất có thể, còn Shark Phú sẽ phụ trách việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Vẫn còn nhiều băn khoăn về con số mà Shark Phú đưa ra, startup chủ động đề nghị một con số khác: "15 tỷ cho 25%. Trong vòng 3 năm, nếu em làm không được, em bị phá sản, em giữ nguyên 3 căn nhà hiện tại của em cho Shark". Với đề nghị bất ngờ của startup và lợi thế đang là nhà đầu tư duy nhất ra deal, Shark Phú quyết định đưa ra offer cuối cùng: khoản vay chuyển đổi 15 tỷ, lãi suất 10%/năm kèm cam kết thế chấp 3 căn nhà. Sau 3 năm, nếu chuyển đổi sẽ tương đương 35% cổ phần.
Có thể bạn quan tâm