Hà Tĩnh: Ông chủ xưởng gỗ, khởi nghiệp từ quá khứ lầm lỗi
Mãn hạn tù với hai bàn tay trắng, Đặng Văn Toàn (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) trở về quê hương nỗ lực phát triển kinh doanh và trở thành ông chủ xưởng gỗ với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sinh ra tại làng mộc Tràng Đình (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) Đặng Văn Toàn (SN 1992) là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Năm 2011, Toàn đậu vào trường ĐH Nông Lâm TP HCM, chuyên ngành công nghệ ô tô với ước mơ mở xưởng ô tô ngay tại quê nhà.
Thế nhưng, cuộc đời rẽ sang một hướng khác khi Toàn vướng vào vòng lao lý. Đó là vào năm 2012, sau khi kết thúc học kỳ I năm học thứ 2, chàng sinh viên về quê phụ giúp mẹ. Sau giây phút bồng bột, Toàn bị truy tố với 2 tội danh “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích” và lĩnh án 6 năm tù giam. “Cú vấp ngã đầu đời khiến em gần như suy sụp và buông xuôi tất cả. Trong đầu em chỉ nghĩ cuộc đời coi như chấm hết bởi ai có thể chấp nhận được một “thằng tù”. Được cán bộ trại giam động viên, mọi người khích lệ em đã cố gắng cải tạo tốt mong có cơ hội hoàn lương”, Toàn nhớ lại.
Năm 2017, Toàn được đặc xá và trở về làm lại cuộc đời. Anh trải qua nhiều công việc, nhưng không mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Từ hai bàn tay trắng, Đặng Văn Toàn quyết tâm lập nghiệp bằng chính nghề mộc của quê hương. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm của những “tiền bối” trong thôn, xã, anh còn lặn lội vào Nam ra Bắc để tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu và thị trường.
Năm 2017, Toàn bắt tay vào phát triển thương hiệu, trong đó chú trọng tìm kiếm thị trường cho trần gỗ - một sản phẩm lâu đời của làng mộc Tràng Đình. Thời gian đầu khởi nghiệp, chàng trai trẻ gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn. Anh nhờ người thân, bạn bè vay mượn gần 800 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị, vật liệu rồi bắt tay vào làm bàn ghế, tủ, giường, kệ sách...
Cuối năm 2018, khi thị trường gỗ khan hiếm và giá thành cao, Toàn quyết định chuyển hướng đi mới. Anh chuyển sang nhập khẩu gỗ từ nước ngoài với số lượng lớn để làm trần gỗ và cung cấp các sản phẩm từ gỗ. Ngoài ra, thay vì chỉ bán tại xưởng hoặc phân phối đến các phòng trưng bày, anh còn bán online, chụp hình rồi rao bán trên mạng xã hội..
Sau một năm phát triển, có doanh thu ổn định, nhưng Đăng Văn Toàn vẫn luôn trăn trở về việc đưa các sản phẩm tiếp cận thị trường ngoài tỉnh, cạnh tranh với các thương hiệu khác. Đầu năm 2019, khi tỉnh đầu tư xây hạ tầng Cụm Công nghiệp Yên Huy gắn với làng nghề mộc Tràng Đình, Toàn đã mạnh dạn thuê 1.000 m² đất để xây dựng xưởng sản xuất và phòng trưng bày.Xưởng mộc này cho doanh thu hàng tỷ đồng, chàng trai tiếp tục đầu tư hơn 10 tỷ đồng để ở thêm nhà xưởng hơn 1.000m2 tại Đồng Nai. Ông chủ trẻ đầu tư thêm 8 máy đục CNC, xe nâng, máy cưa và hàng hoá lưu động... phục vụ cho việc sản xuất đồ mộc.
Đầu năm 2020, Toàn thành lập Công ty TNHH Nội thất gỗ An Minh chuyên cung cấp gỗ và sản phẩm từ gỗ cho khách hàng trên 30 tỉnh thành trong cả nước. Công ty của anh đang tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập mỗi người từ 5,5 - 20 triệu đồng/tháng. Trong số này, có không ít người cũng từng có quá khứ lầm lỡ như anh.
“Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nhận diện các mặt hàng gỗ nhập khẩu nên có chuyến em bị lỗ hơn 50 triệu đồng. Từ chuyến hàng lỗi đó tôi đã biết được cách chọn gỗ và những nhà cung cấp chất lượng, uy tín hơn. Thị trường đồ gỗ ngày càng khó khăn nên mình phải liên tục cải tiến công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách hàn”, vị giám đốc trẻ chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm