EWC: Khi các startup Việt vươn mình ra thế giới
Sau các vòng loại gắt gao, Yeu La Du là đại diện Việt Nam thi Cup Khởi nghiệp toàn cầu 2021 và HASU, Wiibike, Anhome-Smart home, GreenJoy sẽ 4 đại diện của Việt Nam thi Cup Khởi nghiệp Đông Nam Á.
Được tổ chức năm đầu tiên là 2019, Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp Toàn cầu 2021 (Entrepreneurship World Cup – EWC) - đang đi vào giai đoạn kết ở từng quốc gia. Tại Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – VCCI được lựa chọn là đơn vị tổ chức cuộc thi EWC Vietnam và cũng là năm thứ 3 đăng cai cuộc thi. Vòng Chung kết cấp Quốc gia tại Việt Nam vừa kết thúc đã lựa chọn ra được 5 dự án đại diện cho Việt Nam tham gia các cuộc thi quốc tế.
Cuộc thi này đã mang đến nhiều cơ hội cho các dự án của Việt Nam, nhưng kèm với đó là không ít các khó khăn và thách thức. Các dự án tham dự EWC được khuyến khích thuộc 15 lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều vào công nghệ số (Big Data/AI, Block Chain, IoT, VR/AR), công nghệ theo các ngành (Cleantech, Edtech, Fintech, Foodtech, Agritech, Robotics)… Những lĩnh vực này cũng tương tự như nhiều cuộc thi khởi nghiệp trong nước mà Việt Nam phát động. Mặc dù Việt Nam có lợi thế về nhân sự công nghệ như Big Data/AI, SaaS/Enterprise Software, Block chain, IoT nhưng lại gặp rào cản lớn về khả năng kinh doanh, tư duy tài chính và yếu về hiểu biết khách hàng quốc tế, nên gặp nhiều thách thức khi tham gia sân chơi toàn cầu. Việc gọi vốn để có thể Scale up cũng gặp khá nhiều khó khăn nhất là trong giai đoạn COVID-19.
Bên cạnh đó, Edtech/Leaning and Talent (công nghệ giáo dục) đang phát triển khá mạnh mẽ và được nhiều startup quan tâm nhưng gặp không ít thách thức do tính cạnh tranh cao. Những lĩnh vực như Công nghệ sạch, Y tế, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ nông nghiệp cũng tương tự. Theo ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA), Chủ tịch HĐQT Cty CP Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI) cho rằng: "Dù VN là quốc gia phát triển nông nghiệp và có nhiều thế mạnh ở lĩnh vực này nhưng cũng vấp phải rào cản lớn về sự phát triển nhỏ lẻ, tự phát, thiếu đồng bộ, quy trình và khâu quản lý chất lượng. Đồng thời, thách thức về kênh phân phối, logistic và sự yếu kém trong áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, đặc biệt ở khâu chế biến sau thu hoạch khiến các mảng này gặp trở ngại lớn khi cạnh tranh".
Mặc dù khó khăn là thế, nhưng EWC đã thu hút sự quan tâm và tham gia của rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam và đây có cơ hội để startup Việt có thêm cơ hội để tham gia đấu trường quốc tế, tìm kiếm các cơ hội học hỏi, cọ xát giúp họ nâng cao khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh.
Để thí sinh Việt Nam có thể tiến xa hơn ở sân chơi toàn cầu, ông Phan Đình Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA), người sáng lập Angels 4 Us gợi ý: “Thế giới đã phẳng hơn bao giờ hết. Hãy tìm cách đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng qua eCommerce; đừng giới hạn vào kênh truyền thống. Nhất là hãy trau dồi tiếng Anh”.
Và dưới đây là 5 dự án đại diện cho Việt Nam tham gia các cuộc thi quốc tế, cụ thể:
Tham gia Cuộc thi Cup Khởi nghiệp toàn cầu 2021 (EWC):
Dự án Yeu La Du: Yêu Là Đủ là hệ sinh thái giáo dục giới tính online tại Việt Nam với hơn 3.374.911 thành viên online. Để tự gây quỹ một cách bền vững cho hoạt động của mình, Yêu Là Đủ phát triển các ngành hàng liên quan đến tình yêu, giới tính với thị trường đầy tiềm năng (hơn 40 triệu USD$).
Ngay sau đây, dự án sẽ tham gia vòng tăng tốc, nếu vượt qua vòng này và lọt vào TOP 100 dự án xuất sắc nhất toàn cầu, Yeu La Dủ sẽ dành được vé tham dự vòng Chung kết tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arapbi vào tháng 11 năm 2021.
Trong tương lai, không muốn chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho cộng đồng, dự án mong muốn giúp cho hơn 15 triệu bạn trẻ ở Việt Nam thoát khỏi cảnh mù mờ về giáo dục giới tính, Yeu La Du muốn tạo ra một hệ sinh thái toàn diện với những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được hầu hết các nhu cầu trong quá trình các bạn trẻ tìm hiểu về giáo dục giới tính và tình dục an toàn.
Tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á (EWC ASEAN)
Dự án HASU: HASU là mô hình tiên phong cho người cao tuổi trên thị trường công nghệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Dự án cũng nhận được sự đồng hành của các tổ chức lớn nhất trong nước và quốc tế: Liên Hợp quốc, Bộ y tế, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức HelpAge International... là giải pháp cần thiết và đặc biệt hữu ích trong mùa dịch Covid.
Hiện ứng dụng HASU có khoảng 10,000 người sử dụng và là đối tác chính thức của Hội người cao tuổi Việt Nam, Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, các tổ chức quốc tế với mục tiêu chung đem công nghệ đến gần hơn tới những đối tượng đang chịu thiệt thòi. HASU tập trung cung cấp giải pháp giúp người cao tuổi trên cả nước vượt qua đại dịch COVID-19, khoẻ thể chất, vững tinh thần.
Dự án Anhome - Smart home: Với gần 3 năm nghiên cứu và phát triển các thiết bị thông minh trên nền tảng AI & IoT toàn cầu, AnHome ra đời với mong muốn giúp các hãng thiết bị, đồ dùng điện dân dụng, gia dụng "hô biến" sản phẩm truyền thống thành sản phẩm thông minh chỉ bằng 1 bộ kit IoT AnHome giúp tiết kiệm được hàng triệu đô la trong việc cải tiến thiết bị thông thường thành thiết bị thông minh để bắt kịp với xu thế IoT toàn cầu và tăng năng lực cạnh tranh.
Từ khi thành lập, AnHome vẫn luôn đặt mục tiêu trở thành một Startup toàn cầu trong tương lai. Tuy nhiên, nhận thức được rằng các Startup Việt gặp vô vàn rào cản trong việc tự mình vươn ra thế giới trong thời gian ngắn, AnHome quyết định bước đầu thực hiện hoá khát vọng Go Global bằng cách giúp các khách hàng của mình Go Global. Vì vậy, AnHome luôn tìm kiếm những nhà sản xuất có tầm nhìn, có mục tiêu lớn để cùng AnHome đưa sản phẩm Việt ra biển lớn.
Dự án GreenJoy: Greenjoy mang lại giải pháp phù hợp với xu thế thị trường toàn cầu từ cây cỏ tự nhiên phân hủy hoàn toàn, giải quyết nỗi đau ô nhiễm rác thải nhựa đang nhức nhối cũng như tiềm năng phát triển và mở rộng dự án rất lớn, giải pháp giải quyết được ba vẫn đề lớn cho môi trường, xã hội và nền kinh tế.
Greenjoy mong muốn đem ống hút cỏ thiên nhiên, sản phẩm quốc dân của Việt nam quảng bá cho bạn bè quốc tế biết đến giải pháp sáng taọ này và hiểu được rằng Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu và có những đóng góp tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa cho toàn cầu chứ không phải là một trong những 5 nước xả rác thải ra đại dương nhiều nhất.
Dự án Wiibike:Xe đạp trợ lực điện Wiibike là sáng kiến giúp giải quyết 2 vấn đề quan trọng: Ô nhiễm không khí, Theo Bloomberg, hơn 10 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí. Theo WHO, con số này là 6-7 triệu người, lớn hơn rất nhiều 2.6 triệu người chết vì Đại dịch COVID-19 (Tính đến 10/03/2021); Thiếu vận động ở người trưởng thành, theo WHO, có tới 80% người trưởng thành thiếu vận động trên toàn thế giới. Nhóm người này có thể gia tăng nguy cơ tử vong tới 20-30% so với người vận động đầy đủ.
Xe có chế độ chạy 3 trong 1 (3in1): Khi muốn thể thao rèn luyện sức khỏe, bạn có thể đạp; Khi mệt mỏi, bạn có thể dùng điện; Muốn đi nhanh hơn, bạn có thể kết hợp vừa đạp vừa điện. Điểm đặc biệt của xe đạp trợ lực điện Wiibike là bộ trợ lực điện thông minh Wiibike Kit - giúp biến bất kỳ xe đạp thường nào thành xe đạp trợ lực điện.
Với 4 dự án tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á cũng cần chuẩn bị để bước vào những vòng thi đầu tiên vào tháng 8 sắp tới.
Có thể bạn quan tâm