Câu chuyện khởi nghiệp thành công của tỷ phú giàu nhất Singapore
Khởi đầu là một startup trò chơi điện tử nhỏ, Sea group đã vươn lên thành tập đoàn thương mại điện tử và thanh toán online khổng lồ với giá trị vốn hóa 137 tỷ USD.
Forrest Li tên thật là Lý Tiểu Đông, sinh năm 1977 tại Trung Quốc. Giống như nhiều thanh niên thế hệ 7x, ông sớm cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng của nền tảng thương mại điện tử nên tìm đến các lớp học tiếng Anh với mong muốn tiếp cận nền văn minh phương Tây. Cái tên Forrest được Li lựa chọn theo tên nhân vật chính trong bộ phim kinh điển Mỹ Forrest Gump.
Giai đoạn suy thoái nền kinh tế năm 2008 đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ. Lúc này, Forrest Li nhận ra tiềm năng to lớn của thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á.
Vào năm 2009, cụm từ “kỳ lân” chỉ những startup có định giá trên 1 tỷ USD chưa được sử dụng rộng rãi như bây giờ. Khi đó, ông Forrest Li, mới tốt nghiệp Đại học Stanford và làm việc tại văn phòng của Motorola Solutions. Cũng trong năm 2009, 3 nhà sáng lập gồm Forrest Li, Gang Ye và David Chen thành lập Global Arena (đấu trường toàn cầu), sau này được rút gọn thành tập đoàn Garena. Được Tencent hậu thuẫn, Garena phát triển nhanh chóng. Từ thành công của game giúp nền tảng Garena thu hút được đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Năm 2016, công ty gọi vốn thành công 170 triệu USD, được định giá 3,75 tỷ USD và trở thành startup kỳ lân đầu tiên của Singapore. Từ căn nhà nhỏ bé ở đường Maxwell, Garena chuyển trụ sở tới một căn penthouse hai tầng rộng rãi. Một thập kỷ sau, Garena giờ chỉ là một nhánh kinh doanh của Tập đoàn Sea Group khổng lồ.
Trong 10 tháng qua, giá cổ phiếu Sea Group tăng tới 500%. Những ngày gần đây, cổ phiếu Sea Group được giao dịch với giá lên đến gần 265 USD. Năm 2017, Sea Group phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) với mức giá chỉ vỏn vẹn 15 USD.
Thành công của Sea phần lớn đến từ mảng kinh doanh cốt lõi là trò chơi trên điện thoại di động Free Fire khi có hơn 1 tỷ lượt tải từ Google Play. Ngoài ra, doanh thu của Sea còn được thúc đẩy nhờ nền tảng thương mại điện tử Shopee. Theo ông Li, ngay khi nhận thấy tốc độ phổ biến điện thoại thông minh vũ bão ở Đông Nam Á, Li và những người đồng sáng lập đã nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh ở lĩnh vực thương mại điện tử và Shopee được ra đời. Trong khi các nền tảng e-commerce khu vực tập trung vào trang web, Shopee muốn cung cấp một nền tảng ứng dụng di động.
“Đó là một trong những lợi thế của kẻ đến sau. Bởi bạn có thể quan sát được toàn bộ thị trường, hiểu rõ xu thế và biết cần phải làm gì khác biệt hoặc tốt hơn”, ông nhấn mạnh. Một chiến lược quan trọng khác của Shopee là “đánh chiếm” thị trường nước ngoài bằng cách địa phương hóa và tùy chỉnh ứng dụng với các khu vực cụ thể.
Tại Indonesia, Shopee tung ra một chiến dịch riêng dành cho các sản phẩm và dịch vụ để phục vụ cho thị trường với đa số người tiêu dùng là người Hồi giáo. “Đông Nam Á bao gồm nhiều quốc gia rất đa dạng về văn hoá, từ ngôn ngữ, tiền tệ đến hành vi người dùng đều rất khác nhau”, ông Junjie nói.
Shopee đạt mốc hơn 200 triệu lượt tải tính đến năm 2019 và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của các nền tảng thương mại điện tử khu vực như Tokopedia (Indonesia) và Lazada (hiện thuộc sở hữu của Alibaba). Dù vậy, đến nay Shopee vẫn kinh doanh lỗ. Theo báo cáo quý III/2020, Shopee đạt doanh thu 618 triệu USD (tăng 173%), nhưng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao vẫn âm 301,6 triệu USD. Năm 2019, Shopee lỗ 253,7 triệu USD.
Tuần trước, Sea Group hoàn tất thỏa thuận mua ngân hàng Bank Kesejahteraan Ekonomi (BKE) của Indonesia. BKE sẽ được chuyển đổi thành một ngân hàng kỹ thuật số. Năm ngoái, Sea Group đã được chính phủ Singapore cấp phép thành lập ngân hàng kỹ thuật số đầy đủ.
Theo Bloomberg Billionaires Index, tỷ phú người gốc Trung Quốc này hiện có 19,8 tỷ USD tài sản ròng, sau khi chứng chỉ tiền gửi Mỹ (một chứng khoán do ngân hàng Mỹ phát hành) của Tập đoàn Sea tăng 67% trong năm nay và trở thành người giàu nhất Singapore. Người giàu thứ nhì là ông trùm sơn Goh Cheng Liang, với khối giá trị tài sản ròng là 17,7 tỷ USD.
"Ngoài Đông Nam Á, có thể có nhiều cơ hội hơn dành cho chúng tôi. Dựa trên những gì học được, chúng tôi có thể sẽ áp dụng cho một vài thị trường khác như những gì đã diễn ra với Free Fire", Li cho hay.
Tập đoàn Sea tăng trưởng chóng mặt bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế khu vực Đông Nam Á và toàn cầu. Theo South China Morning Post, đã có một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về tốc độ tăng trưởng quá nóng này. Dù vậy, nhiều người cho rằng Sea Group tăng trưởng theo một cách tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm