Thanh Hóa: Vợ chồng 8X khởi nghiệp vỏ trái cây thành sản phẩm sinh học
Ứng dụng công nghệ enzyme từ vỏ dứa để sản xuất các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên vợ chồng 8X ở Thanh Hóa đã thành công “hô biến” thành các sản phẩm tẩy rửa sinh học an toàn thân thiện với môi trường.
Quyết định trở về quê khởi nghiệp ứng dụng công nghệ enzyme từ vỏ dứa để sản xuất các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên vợ chồng 8X ở Thanh Hóa đã thành công “hô biến” vỏ trái cây thành các sản phẩm tẩy rửa sinh học an toàn thân thiện với môi trường.
Khởi nghiệp của vợ chồng 8X Bùi Thị Bích Ngọc và Lê Huy Nam với lý do cũng rất đơn giản. Do có làn da tay cực kỳ nhạy cảm nên Ngọc luôn tìm hiểu và lựa chọn kỹ càng các sản phẩm gia dụng cho gia đình. Và cô luôn ấp ủ mong muốn sản xuất ra loại rửa chén hay rửa tay giúp làn da luôn mềm mại cho mình và nhiều phụ nữ khác.
Tình cờ, Bích Ngọc tìm hiểu và biết đến nghiên cứu của Tiến sĩ Rosuko (người Thái Lan), có 30 năm nghiên cứu về eco enzyme. Đó là phương pháp ngâm ủ thủ công và lên men tự nhiên từ các rác thải trong nhà bếp để làm chất tẩy rửa gia dụng trong gia đình.
Trong quá trình thí nghiệm, Bích Ngọc cho biết, cô nhận ra dứa là nguyên liệu tốt nhất để làm ra các chế phẩm tẩy rửa sinh học, đây chính là ứng dụng rất mới mẻ cho cây dứa.
Sau 2 năm tìm tòi, nghiên cứu với hàng chục lần thử nghiệm thất bại, vợ chồng chị Ngọc và nhóm nghiên cứu đã tạo ra được những sản phẩm tẩy rửa thân thiện với môi trường từ vỏ dứa, vỏ cam, vỏ chanh, vỏ bưởi… và được nhiều người tin tưởng, khen ngợi.
“Sau khi ra mắt sản phẩm đầu tay và nhận được phản hồi tích cực từ bạn bè, người thân khi dùng thử, nhóm nghiên cứu của tôi đã quyết tâm thành lập công ty, bắt đầu từ đầu tư nhân sự, máy móc sản xuất và phát triển khâu bán hàng”, chị Ngọc chia sẻ.
Từ nguồn nguyên liệu ban đầu là các đầu mối hoa quả nhỏ lẻ, dần dần, chị Ngọc đã tìm và kết nối được với các nhà máy xuất khẩu dứa đóng hộp để sản xuất. Đầu năm 2019, công ty của chị ra mắt thị trường 3 sản phẩm là nước rửa chén, nước rửa tay và nước ngâm rửa thực phẩm.
Anh Lê Huy Nam, chia sẻ về sản phẩm: Fuwa không dùng hóa chất tạo màu và mùi. Bạn có thể thấy các sản phẩm của tẩy rửa có màu vàng cánh dán là màu tự nhiên của enzyme. Về mùi thơm, mình không dùng hương liệu tạo mùi (là một trong 5 hóa chất độc hại trong nghành tẩy rửa), mà dùng các tinh dầu tự nhiên đặc trưng của Việt Nam, đem lại mùi thơm dễ chịu và thư giãn. Quy trình sản xuất bắt đầu từ khâu sau khi thu gom vỏ dứa sẽ được chế biến, làm sạch rồi đem ủ lên men 3 tháng, sau đó sản xuất lấy Enzyme và kết hợp với tinh dầu để sản xuất các sản phẩm như nước rửa chén, lau nhà, xịt khử mùi, nước rửa tay...
Năm 2020, đánh dấu mốc thành công khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng, chị Ngọc và các cộng sự của mình đã cho ra đời thành công mở rộng bình xịt kháng khuẩn và thêm 4 sản phẩm mới là nước lau sàn, xịt khử mùi, nước giặt và nước vệ sinh bồn cầu.
Khác với những doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, nhưng Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech tăng số lượng đại lý bán hàng lên hơn 500 đại lý và mang về doanh thu gần 5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại công ty với mức lương từ 7-12 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, mỗi tháng thương hiệu Fuwa3e bán ra thị trường khoảng 30.000 sản phẩm các loại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Thanh Hóa và ở thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ chí Minh, Đà Nẵng…và bắt đầu sản xuất những đơn hàng xuất khẩu. Dự kiến, trong thời gian tới, công ty sẽ đa dạng hóa sản phẩm về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe...
Cũng trong năm 2020, sản phẩm nước tẩy rửa sinh học của công ty đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Thanh Hóa; đạt Top 2 – Doanh nghiệp tạo tác động xã hội - chương trình Youth:Colap 2020 và sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự vòng chung kết Châu Á Thái Bình Dương năm 2021 tại Malaysia; Top 20 TECH-FEST 2020, Top 10 Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award…
Chị Ngọc cho biết, trong năm 2021 doanh nghiệp sẽ hoàn thiện khu sản xuất khép kín rộng 3.000m2, bao gồm khu ngâm ngủ và lên men enzyme, nhà máy sản xuất, nhà điều hành, kho nguyên liệu, kho xuất hàng, phòng LAB thí nghiệm, phòng chiết rót tiêu chuẩn…. để hướng đến mục tiêu, chất lượng xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác nước ngoài để hướng đến xuất khẩu trong mục tiêu giai đoạn 2021-2025.
Có thể bạn quan tâm