Câu chuyện khởi nghiệp của nhà đầu tư công nghệ Peter Thiel

NGỌC TÚ (tổng hợp) 14/11/2021 04:36

Peter Thiel là nhà đầu tư mạo hiểm thành công với nhiều thành tích ấn tượng khi đầu tư hiệu quả cho những công ty mới thành lập.

Peter Thiel sinh ngày 11/10/1967 tại Frankfurt, Đức, cùng gia đình lần đầu dọn qua Mỹ năm mới một tuổi. Thiel có một tuổi thơ êm đềm bình dị như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác khi suốt tuổi thơ của anh, đều có bóng hình cha mẹ hỗ trợ quan tâm. Tuy nhiên, do họ di chuyển khắp nơi trên thế giới trước khi định cư tại thành phố Foster ở miền Nam San Francisco năm Thiel học lớp 5. Vì thế, suốt thời niên thiếu, ông đã chuyển trường rất nhiều lần. Thiel là học sinh xuất sắc trong môn toán và từng đứng đầu trong cuộc thi toán California mở rộng thời trung học.  

Ông có bằng triết học và luật cơ bản của Stanford lần lượt vào các năm 1989 và 1992, sáng lập và làm tổng biên tập tờ báo sinh viên The Stanford Review năm 1987. Cũng ở ngôi trường danh tiếng này, ông đã gặp rất nhiều người mà sau này trở thành những nhân vật chủ chốt tại hệ thống thanh toán điện tử nổi tiếng PayPal như Keith Rabois, David Sacks và Reid Hoffman.

Trước khi bước chân vào lĩnh vực công nghệ, Thiel là thư ký cho một thẩm phán khoảng 7 tháng. Thiel cũng có thời gian tham gia các buổi phỏng vấn với mục tiêu trở thành thư ký của thẩm phán tối cao nhưng thất bại. Sau đó, người đàn ông này trở thành luật sư mảng chứng khoán và tiếp đến là làm giao dịch viên tại tập đoàn Credit Suisse.

 Năm 31 tuổi, khi đã gom đủ tiền Thiel và Max Levchin đồng sáng lập startup có tên PayPal. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet. Với vai trò là CEO, Thiel dẫn dắt PayPal lên sàn thành công và bán cho eBay năm 2002 với giá trị 1,5 tỷ USD. Sau thương vụ này, những nhân sự đầu tiên của dự án, thường được gọi là PayPal Mafia, đều trở thành những nhà đầu tư thiên thần giàu có.

Thời điểm đó, 3,7% cổ phiếu của Thiel ở PayPal có giá trị khoảng 55 triệu USD. Ông dùng số tiền này cho ra đời quỹ phòng hộ Clarium Capital. Thiel đã dự đoán rất chính xác đồng USD sẽ suy yếu vào 2003 và phục hồi vào 2005. Hàng loạt các quyết định của quỹ đều dựa vào những dự đoán tuyệt vời của ông, nhờ đó Clarium trở thành một quỹ phòng hộ có giá trị. Năm Thiel 37 tuổi, Clarium đã quản lý số tiền lên đến 270 triệu USD.

Năm 2004, ông cùng Alexander Karp sáng lập công ty Palantir. Ý tưởng của Thiel là sử dụng phần mềm phát hiện gian lận trong ngành tài chính để tìm ra các hoạt động khủng bố. Palantir có thể sàng lọc thông qua ảnh, video và các dữ liệu khác để theo dõi hoạt động tội phạm. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) là một trong những nhà đầu tư ban đầu của dự án này. Cho đến thời điểm hiện tại, Palantir đã huy động được số tiền 2,42 tỷ USD và được định giá 20 tỷ USD. Đây là một trong những công ty bí ẩn thành công nhất thung lũng Silicon.

Cũng trong năm 2004, Thiel trở thành nhà đầu tư ngoài đầu tiên của Facebook. Với vài trò nhà đầu tư thiên thần, ông rót 500.000 USD đổi lấy 10% cổ phần, nắm 3% và gia nhập hội đồng quản trị mạng xã hội ở giai đoạn sơ khai.

Khi gia nhập Facebook, Thiel đã giúp Mark Zuckerberg trực tiếp thông qua hàng loạt các quyết định gọi vốn. Khi Facebook IPO năm 2012, Thiel bán cổ phiếu trong vài lần với tổng giá trị ước tính khoảng một tỷ USD. Hiện nay, dù đã bán gần hết cổ phần tại đây, ông vẫn còn nằm trong ban hội đồng quản trị của mạng xã hội có trên hai tỷ người dùng.

Cũng ngay sau khi tham gia Facebook, Thiel đồng thời cùng Ken Howery và Luke Nosek thành lập Founders Fund chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ. Đây cũng là công ty định danh tên tuổi Thiel nhất. Người đàn ông này vẫn tiếp tục làm nhà đầu tư thiên thần, đứng sau hơn 80 công ty, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như LinkedIn, Yammer và Yelp.

Tiếp đó, Thiel mở hai công ty đầu tư mạo hiểm khác là Valar Ventures, tập trung vào các khoản đầu tư ở New Zealand và Mithril Capital, hỗ trợ vốn cho các startup đã vượt qua giai đoạn khởi động.

Năm 2011, nhà đầu tư mát tay ra mắt The Thiel Fellowship - quỹ bảo trợ 100.000 USD và hai năm hỗ trợ cho 20 ứng viên dưới 20 tuổi để theo đuổi giấc mơ mở công ty. Quỹ này thành lập từ ý nghĩ của Thiel rằng học phí đại học quá đắt đỏ so với những gì thu lại và những người thông minh nên bắt đầu làm việc càng sớm càng tốt.

Thiel Fellowship trở thành một chương trình đầy cạnh tranh và có uy tín. Cho đến nay, 104 người trẻ dưới 22 tuổi đã tham gia vào các nhóm từ 20-30 người. Điều kiện là thành viên phải bỏ học ít nhất 2 năm để tham gia chương trình. Năm 2016, Thiel đứng ra hỗ trợ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump.

Gần đây một số thông tin rò rỉ cho biết ông muốn rời thung lũng Silicon và chuyến đến Los Angeles. Tuy nhiên, câu chuyện của người đàn ông này có lẽ sẽ còn đi xa nữa, đặc biệt khi trong những năm qua ông rất nỗ lực tìm phương pháp kéo dài tuổi thọ. Thiel nói đã lên kế hoạch để sống đến 120 tuổi.

"Hầu hết mọi người đều thỏa hiệp với lão hóa bằng sự chấp nhận. Tôi nghĩ tâm lý đã cản trở chúng ta nghĩ rằng cơ chế lão hóa hoạt động rất sâu. Chúng ta cần nghĩ về điều này để có thể thực sự chống lại nó", ông nói.

Thiel đã quyên 6 triệu USD vào Methuselah Foundation - quỹ nghiên cứu các công nghệ chống lão hóa và hỗ trợ các nghiên cứu về lĩnh vực này. Ông cũng đăng ký với công ty Alcor, đóng băng cơ thể trong trường hợp không còn khỏe mạnh với hy vọng trong tương lai sẽ có phương pháp chữa bệnh hữu hiệu. Thiel vẫn tiếp tục sứ mệnh của một nhà đầu tư mát tay với những mục tiêu mới.

Ít ai biết được rằng, Thiel là một kiện tướng cờ vua. Đối với Thiel, bí quyết thành công đến từ những quân cờ vua. Cờ vua được coi như một hệ thống làm việc, kinh doanh thu nhỏ, bao gồm một bàn cờ 64 ô và 32 quân chia làm 2 phe. Trong cờ vua, quân hậu là quân có giá trị nhất.

Trong thang điểm đánh giá, hậu có mức điểm là 9 trong khi xe là 5, tượng là 3, mã là 3 và tốt là 1. Trong bài diễn thuyết của mình, Thiel có nhắc đến công thức của Guy Kawasaki nhằm đánh giá giá trị của một công ty dựa trên những con người trong trong tổ chức đó.

Giá trị công ty = (1 triệu USD x số kỹ sư) – (500.000 USD x số người có bằng MBA)

Như vậy, một kỹ sư giỏi được coi là một quân cờ có giá trị điểm tốt hơn một thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Giống như các quân cờ có những tính năng riêng và khả năng tấn công/ phòng thủ khác nhau, việc kinh doanh cũng giống như vậy. Theo Thiel: Trong bất cứ một tổ chức nào cũng có những nhân vật giỏi ở các lĩnh vực khác nhau, từ kỹ thuật cho đến sales.

Và ông cũng khẳng định, việc đánh giá khả năng của các nhân viên trong một công ty là một việc không hề khó khăn. Điều khó hơn là đánh giá kahr năng của một nhân viên sale.

Các công ty thường có xu hướng đánh đồng các salesman và coi họ chỉ như một đội ngũ chung, có trách nhiệm mang doanh thu về cho doanh nghiệp. Thực chất có rất nhiều đẳng cấp trong sales: Amateur, trung cấp, chuyên gia, hay thậm chí là “siêu hạng".

Sau đó, nhà kinh doanh phải biết cách phối hợp các quân cờ, tổ chức nguồn lực nhân sự một cách hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất. Bên cạnh đó là phải nắm vững từng giai đoạn trong cuộc chơi và lên kế hoạch phù hợp. Peter Thiel cho rằng là người sống sót quan trọng hơn là người đi đầu. Ngày nay khi phân tích kinh doanh, người ta có xu hướng chú trọng nhiều vào cái gọi là “Lợi thế của người đi đầu”. Trên thực tế Thiel cho rằng cách nghĩ này có thể gây hại cho doanh nghiệp khi quá nôn nóng dẫn đầu thị trường. 

Có thể bạn quan tâm

  • Câu chuyện khởi nghiệp của tỷ phú Masaru Wasami

    Câu chuyện khởi nghiệp của tỷ phú Masaru Wasami

    03:29, 10/11/2021

  • Emagazine: Các tỷ phú hàng đầu đã “tiêu tiền”, đóng góp như thế nào trong đại dịch?

    Emagazine: Các tỷ phú hàng đầu đã “tiêu tiền”, đóng góp như thế nào trong đại dịch?

    11:02, 13/10/2021

  • Tỷ phú trong Hồ sơ Pandora (Bài 3): Tỷ phú da màu giàu nhất nước Mỹ và những lùm xùm về việc trốn thuế

    Tỷ phú trong Hồ sơ Pandora (Bài 3): Tỷ phú da màu giàu nhất nước Mỹ và những lùm xùm về việc trốn thuế

    02:00, 08/10/2021

NGỌC TÚ (tổng hợp)