Công ty fintech trị giá 46 tỷ USD lỗ gấp bốn lần trong bối cảnh Buy now Pay Later tăng mạnh
Công ty khởi nghiệp fintech Thụy Điển Klarna đã chứng kiến mức lỗ nặng trong chín tháng đầu năm 2021.
>>Vốn đầu tư vào FinTech ASEAN đạt kỷ lục hơn 3,5 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 3 toàn khối
Klarna, công ty tư nhân gần đây được định giá 46 tỷ USD, đã báo cáo thu nhập hoạt động ròng là 9,8 tỷ kronor, tăng 40% so với năm ngoái. Công ty có trụ sở tại Stockholm đã công bố khoản lỗ trước thuế là 3,1 tỷ kronor Thụy Điển (344 triệu USD) từ tháng 1 đến tháng 9, tăng gấp 4 lần so với mức 800 triệu kronor bị mất cùng kỳ năm trước. Phần lớn thiệt hại đến từ chi phí quản lý chung lên tới 9,5 tỷ krona, tăng từ 5,9 tỷ krona năm ngoái. Tổn thất tín dụng cũng tăng đáng kể, tổng cộng là 2,9 tỷ krona tính đến thời điểm hiện tại, cao hơn mức 1,6 tỷ krona được báo cáo cùng kỳ năm ngoái.
Người phát ngôn của Klarna trả lời CNBC rằng công ty đã thâm nhập vào 9 thị trường mới kể từ đầu năm 2020 và hiện có hơn 90 triệu khách hàng trên toàn thế giới. Theo một tuyên bố qua email, phía Klarna cho biết: "Mỗi lần gia nhập thị trường đều tuân theo một quỹ đạo tài chính nhất quán. Khi số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của Klarna cao hơn, thị trường được cải thiện và rủi ro tín dụng giảm xuống, giúp các thị trường trưởng thành sinh lời bền vững".
Klarna là một trong những người chơi lớn nhất trong thị trường Buy now Pay later (BNPL) đang phát triển nhanh chóng. Các sản phẩm của BNPL cho phép người mua sắm chia chi phí mua hàng thành một loạt các khoản trả góp hàng tháng bằng nhau và thường không tính lãi. Klarna và các đối thủ như Afterpay và Affirm kiếm phần lớn doanh thu từ các khoản phí mà họ tính cho người bán để xử lý giao dịch. Một số còn kiếm tiền từ phí trả chậm và lãi suất khi cho vay trả góp dài hạn.
Các sản phẩm BNPL đã chứng kiến nhu cầu tăng vọt trong năm ngoái nhờ sự gia tăng áp dụng thương mại điện tử dưới tác động của đại dịch. Hàng triệu người mua sắm hiện sử dụng dịch vụ để mua hàng. Trong khi đó, các công ty lớn cũng đang nhảy vào cuộc chiến, PayPal tung ra sản phẩm của riêng mình, Amazon và Apple hợp tác với Affirm và Square đồng ý mua Afterpay trong một thỏa thuận trị giá 29 tỷ USD.
Klarna đã tích cực mở rộng sang Hoa Kỳ và Anh gần đây. Theo số liệu do công ty nghiên cứu YipitData cung cấp cho CNBC, công ty Thụy Điển kiểm soát khoảng 18% thị phần BNPL của Hoa Kỳ tính đến ngày 17/11, xếp sau Affirm chiếm 36% thị phần và Afterpay với 21%. Tại Vương quốc Anh, Klarna đã gặp gỡ các nhân vật chính trị hàng đầu trước khi các quy tắc mới nhắm đến lĩnh vực BNPL.
https://doanhnghiephoinhap.vn/cong-ty-fintech-tri-gia-46-ty-usd-lo-gap-bon-lan-trong-boi-canh-buy-now-pay-later-tang-manh.html
Có thể bạn quan tâm