Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh COVID-19
Dịch COVID-19 như một phép thử với các doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
>>Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc tế: Doanh nghiệp trẻ và những nỗ lực vượt khó do COVID-19
Không ít start-up đã phải đóng băng, dừng cuộc chơi nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển bứt phá, với những dự án mới, thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài... Vậy, đâu là điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vượt qua khó khăn để phát triển trong thời gian qua?
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, nguyên Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xung quanh vấn đề này.
- Thưa Ông, mặc dù chịu nhiều áp lực bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thời gian qua vẫn có những điểm sáng nổi bật. Vậy, theo Ông, đâu là điều kiện thuận lợi để các star- up đạt được những kết quả như vậy?
Thứ nhất, từ phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang phi truyền thống, áp dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực bao gồm sản xuất, giao hàng hoá đến người sử dụng, thay đổi cách thức và văn hoá làm việc thông qua việc chuyển đổi số một cách toàn diện. Các doanh nghiệp cũng chú trọng hơn đối với việc hợp tác liên kết với các thành tố khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát huy sức mạnh tổng thể của hệ sinh thái. Đồng thời, các start-up cũng đã xác định tâm thế luôn duy trì sự linh hoạt, thay đổi trong điều kiện bình thường mới, ở đó điều cốt lõi là xác định giá trị con người, bao gồm khách hàng, người lao động, người quản lý, người sở hữu – tất cả là trung tâm.
Thứ hai, dịch COVID-19 khiến cho thị trường thay đổi, nhu cầu khách hàng thay đổi và nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng nắm bắt lấy cơ hội này, tìm cách thích nghi mới bằng cách đưa ra thị trường những sản phẩm mang tính thời điểm, đáp ứng nhu cầu người dùng như các ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa (startup y tế), các ứng dụng dạy học trực tuyến... Ngoài ra, việc các đối thủ cạnh tranh trên thị trường cũng không ngừng thay đổi làm cho các start-up thấy cần phải nỗ lực hơn bình thường rất nhiều để đạt được thành công.
Thứ ba, đối với bản thân các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, có áp lực (mang tính bị động) buộc phải thay đổi để nhận diện và bắt kịp các xu hướng mới của thị trường, đồng thời cũng có mong muốn (mang tính chủ động) tìm kiếm cơ hội mới trong khủng hoảng. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp phải thua lỗ, đóng cửa, chúng ta cũng thấy được nhiều doanh nghiệp mới ra đời, nhiều mô hình kinh doanh mới.
Thứ tư, trong bối cảnh khó khăn, dù ngân sách Nhà nước đang rất eo hẹp nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ COVID-19. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương và nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, các chương trình ươm tạo tài năng khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp, kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo...
- Rõ ràng, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là sự đồng hành của Chính phủ với những chính sách hỗ trợ thiết thực đã giúp các star- up tự tin hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đã được rót vốn, đã ứng dụng công nghệ, đã được hỗ trợ về mặt pháp lý nhưng vẫn thất bại. Vậy, nguyên nhân vì sao, theo Ông?
Mặc dù nhiều start-up đã được rót vốn, nhưng có thể thấy đây mới chỉ là bước đầu tiên. Chúng ta thấy vốn là trở ngại đối với đông đảo cộng đồng start-up, nhưng ngược lại, chúng ta cũng thấy các ngân hàng đầu tư, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thiên thần đang có dồi dào nguồn vốn đầu tư cũng gặp khó khăn trong việc tìm các dự án, các start-up tốt để đầu tư.
>>Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc tế: Doanh nghiệp trẻ và những nỗ lực vượt khó do COVID-19
>>Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc tế: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp vượt khó khăn
Về công nghệ, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, nhiều startup cũng đã bắt kịp xu thế tiên phong của các ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nếu chỉ có công nghệ hay sản phẩm tốt thì chưa đủ, mà điều quan trọng là công nghệ đã được áp dụng đủ để chạm đến cảm xúc của người dùng, của thị trường hay chưa; đặc biệt đối với nhiều sản phẩm, khách hàng chú trọng trải nghiệm người dùng (dễ dàng cảm nhận) hơn là các tiếp nhận thông tin về nhiều công nghệ mà họ khó nhận biết.
Bên cạnh đó, một trong những điểm yếu của startup Việt là chưa đủ nhạy bén về xu hướng thị trường, nhiều dự án chưa có hướng đi rõ ràng. Rào cản ngôn ngữ cũng khiến start-up dễ mất tự tin trong quá trình thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Văn hoá kinh doanh và nỗ lực cá nhân cũng là các yếu tố quan trọng.
Về hỗ trợ pháp lý, các hoạt động và chương trình hỗ trợ pháp lý chỉ cung cấp những nền tảng pháp lý cơ bản. Ở mỗi doanh nghiệp khác nhau, hoạt động ở một lĩnh vực khác nhau, tại các thị trường và khách hàng mục tiêu khác nhau sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý đa dạng khác nhau. Do vậy, không có công thức chung trong hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, không chỉ cần kế hoạch kinh doanh phù hợp, startup Việt còn phải giải quyết bài toán lợi ích - chi phí, linh hoạt trong chiến lược, tiết kiệm chi phí vận hành... để duy trì và phát triển.
- Vậy, theo Ông, đâu là sự hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay để các doanh nghiệp có thể thích ứng, tồn tại và phát triển trong trạng thái bình thường mới, thưa Ông?
Trước hết, bản thân doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng rằng, đại dịch COVID-19 đưa tới những khó khăn thách thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cũng có thể xem đây là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.
Về hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, có thể chia thành các nhóm chính:
(i) Hỗ trợ về môi trường kinh doanh, khung pháp lý chung: Thông qua pháp luật điều chỉnh các hoạt động gia nhập thị trường (Luật Doanh nghiệp), đầu tư (Luật Đầu tư), các pháp luật chuyên ngành điều chỉnh từng ngành riêng lẻ;
(ii) Hỗ trợ tiếp cận tài chính: Pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật Hỗ trợ DNNNV và các Nghị định hướng dẫn thi hành);
(iii) Hỗ trợ phi tài chính: Các hỗ trợ về công nghệ, mở rộng thị trường, tăng cường chuỗi giá trị v.v…
(iv) Ngoài ra, có thể tham khảo việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế mới như Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Quyết định 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư …
- Xin cảm ơn ông!
https://tienphong.vn/thuc-day-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-trong-boi-canh-covid-19-post1404152.tpo
Có thể bạn quan tâm