Dịch bệnh kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”. Nhưng trong bối cảnh đó, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn gia tăng.
1. Ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo
Dịch bệnh kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đồng thời những doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không nằm ngoài ảnh tầm ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, 6 tháng đầu năm đã có 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020; 9.942 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp này, có gần 20% (1.953 doanh nghiệp) trước đó đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, nên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường này không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định rút lui của doanh nghiệp, chẳng hạn như do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, do đầu ra sản phẩm bị đứt gãy, do chi phí hoạt động tăng quá cao, hoặc do thay đổi ngành nghề, chiến lược kinh doanh,...
Nhưng bên cạnh đó, tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện mạnh mẽ trong giai đoạn này. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay. Với 67.083 doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới này vượt qua cột mốc 66.958 doanh nghiệp của giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019.
Đây là một kỷ lục đặc biệt, vì trong bối cảnh COVID-19 bùng phát trở lại, các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Điển hình cho sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm 2020 như Bắc Giang tăng 11,82%, TP. Hồ Chí Minh tăng 5,34%, Bắc Ninh tăng 1,06%... Số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng tăng 3,9% so với năm 2020, với 26.142 doanh nghiệp.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, với 2.095.163 tỷ đồng (các con số trên không bao gồm 2 doanh nghiệp thành lập mới tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 20/5/2021 với tổng số vốn đăng ký là 525.000 tỷ đồng). Bình quân vốn đăng ký trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, trong kỳ đã có 23.708 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng thêm gần 1,2 triệu tỷ đồng.
Trên đây là những kết quả đáng mừng cho thấy sự nỗ lực, thái độ lạc quan của động đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Các startup sẵn sàng gia nhập thị trường, bỏ vốn và kêu gọi vốn đầu tư, khởi sự kinh doanh trong bối cảnh tàn phá của dịch bệnh. Điều các doanh nghiệp cần tại thời điểm hiện tại là động lực từ sự hỗ trợ của Chính phủ. Điều này đòi hỏi cần có một hệ thống giải pháp hỗ trợ được thực hiện.
2. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp thành lập mới
- Đối tượng hỗ trợ: Các doanh nghiệp thành lập mới.
- Nội dung và mức hỗ trợ:
+ Hỗ trợ kinh phí dịch vụ chứng thực 1 (một) chữ ký số cho doanh nghiệp thành lập mới sử dụng trong 01 năm đầu hoạt động nhưng không quá 1 triệu đồng/doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ kinh phí khởi tạo, cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử kèm gói 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới nhưng không quá 1 triệu đồng/1 doanh nghiệp.
Hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sản xuất chế biến
- Đối tượng hỗ trợ: Các DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
- Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến trên địa bàn Thành phố. Kinh phí hỗ trợ theo định mức tiêu chuẩn về chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, áp dụng tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các văn bản hiện hành của Nhà nước nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp/năm.
Hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho các DNNVV
- Đối tượng hỗ trợ: Các DNNVV theo quy định tại Nghị định số 39/2018/QNĐ-CP thành lập và hoạt động trên địa bàn.
- Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia nhằm duy trì hoạt động tư vấn thường xuyên tại Trung tâm Hỗ trợ DNNVV trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ, chẩn đoán, tư vấn cho các DNNVV. Kinh phí thuê chuyên gia áp dụng theo tiêu chuẩn, định mức trả cho chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế được quy định tại các văn bản hiện hành của Nhà nước;
Khuyến khích, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp
Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo kiến thức về khởi sự kinh doanh cho hộ kinh doanh nhằm trang bị kiến thức và khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Kinh phí hỗ trợ áp dụng theo Thông tư số 05/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư số 49/20019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính.
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV
- Hỗ trợ kinh phí để triển khai các chương trình đào tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, bao gồm:
+ Hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh cho DNNVV.
+ Hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu cho các DNNVV do nữ làm chủ.
+ Hỗ trợ 70% kinh phí tổ chức các khóa về quản trị kinh doanh cho các DNNVV.
+ Hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu về kiến thức. Giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) cho Giám đốc và cán bộ quản lý các DNNVV.
+ Hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp cho các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
- Hỗ trợ kinh phí đào tạo trực tuyến cho DNNVV:
+ Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng và vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến hàng năm để cung cấp các bài giảng, tài khoản miễn phí cho các DNNVV nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng các bài giảng trực tuyến về khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh để cung cấp miễn phí cho các DNNVV.
- Hỗ trợ 70% kinh phí tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý về chuyển đổi số cho các DNNVV.
- Bố trí kinh phí tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV.
- Hỗ trợ kinh phí để triển khai các chương trình đào tạo nghề cho các lao động đang làm việc trong các DNNVV.
Hỗ trợ về đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất
- Hỗ trợ 50% chi phí tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt tại doanh nghiệp nhưng không quá 30 triệu đồng/khoá đào tạo/năm/doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/năm.
Hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh
- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn đánh giá toàn diện năng lực đáp ứng của doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung ứng nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cải tiến, nâng cấp doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối, trở thành nhà cung cấp của doanh nghiệp đầu chuỗi nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.
Hỗ trợ thuế, kế toán
- Hướng dẫn và tuyên truyền trong công tác quản lý thuế, hạch toán và kê khai thuế theo phương pháp đơn giản đối với những doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp siêu nhỏ.
- Hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp các thủ tục hành chính về thuế và phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai chế độ kế toán đơn giản theo quy định của Luật Thuế và Luật Kế toán. Thực hiện các chính sách miễn, giảm, ưu đãi về thuế đối với DNNVV theo quy định của pháp luật về thuế, kịp thời triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng chính sách thuế khi có thay sự thay đổi liên quan đến doanh nghiệp;
- Biên soạn tài liệu (tờ rơi, tờ gấp) hỗ trợ thủ tục đăng ký thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số và kê khai thuế điện tử; Phối hợp với một số đơn vị tặng phần mềm kế toán miễn phí cho doanh nghiệp,...
Hỗ trợ mặt bằng sản xuất
- Hình thành, phát triển các cụm công nghiệp cho doanh nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
- Tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thống kê và thu hồi đất đang để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích để tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp thuê.
Hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật
- Sở Khoa học và Công nghệ: Triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
- Các vườn ươm doanh nghiệp, không gian hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật:
+ Hỗ trợ mặt bằng nhà xưởng cho các DNNVV tham gia ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật nhà nước.
+ Hỗ trợ sử dụng máy móc, thiết bị cho các DNNVV gia ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật nhà nước.
+ Triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo, hội thảo, hội nghị kết nối các DNNVV thuộc ngành, lĩnh vực hoạt động của các vườn ươm doanh nghiệp, không gian hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật.
- Nghiên cứu, thành lập thêm từ 2 - 3 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian hỗ trợ khởi nghiệp cho các DNNVV trong giai đoạn 2021 - 2025.
- Các sở, ngành: Rà soát và xây dựng kinh phí nâng cấp các cơ sở ươm tạo, cơ sở hỗ trợ kỹ thuật nhà nước quản lý, nâng cao hoạt động ươm tạo cho các DNNVV.
Có thể bạn quan tâm