Lệ phí môn bài đã được quy định tại Luật phí và lệ phí. Lệ phí môn bài là khoản thu phục vụ công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm kê, kiểm soát số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh hàng năm.
Để sớm hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 về lệ phí môn bài và quy định hiệu lực thi hành ngay kể từ ngày 25/02/2020.Việc sửa đổi Nghị định nêu trên góp phần giảm bớt thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp; khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới; về dài hạn doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Lệ phí môn bài đã được quy định tại Luật phí và lệ phí. Lệ phí môn bài là khoản thu phục vụ công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm kê, kiểm soát số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh hàng năm.
Thực hiện Luật phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 (thay cho khoản thu thuế môn bài trước đó).
Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, đã đặt ra mục tiêu cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh: Nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự doanh nghiệp lên 20 – 25 bậc, năm 2019 tăng ít nhất 5 bậc.
Theo Báo cáo Doing Business 2019, thủ tục Khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 104 trên tổng số 190 nền kinh tế, bao gồm 08 thủ tục thực hiện trong 17 ngày, trong đó có thủ tục nộp lệ phí môn bài (quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP). Thủ tục này là một bước trong quy trình khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho quy trình khởi sự kinh doanh ở nước ta bị tăng thêm 1 bước và cộng thêm 2.000.000 đồng lệ phí môn bài. Do đó tổng chi phí khởi sự kinh doanh ở Việt Nam theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới (WB) là 3.050.000 đồng.
Để thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP và ban hành theo trình tự rút gọn.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP.
Bổ sung thêm một số trường hợp được miễn lệ phí môn bài
So với quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản như:
Thứ nhất, miễn lệ phí môn bài đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập:
Để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, tại Nghị định quy định miễn lệ phí môn bài trong năm đầu (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với: (i) Tổ chức thành lập mới; (ii) Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh; (iii) Trong năm đầu thành lập, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cũng được miễn lệ phí môn bài.
Thứ hai, miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã nông nghiệp:
Hoạt động của các hợp tác xã (đặc biệt là hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Hiện Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chẳng hạn như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu đãi về thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ,.... Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; để khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp, tại Nghị định quy định miễn lệ phí môn bài đối với: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.
Thứ ba, miễn lệ phí môn bài đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh:
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định miễn lệ phí môn bài 3 năm kể từ năm thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh; tuy nhiên, chưa có quy miễn lệ phí môn bài đối với chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian này.
Để khuyến khích, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và chuyển hoạt động của hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, tại Nghị định đã quy định miễn lệ phí môn bài đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh do doanh nghiệp nhỏ và vừa (chuyển từ hộ kinh doanh) thành lập, thời gian miễn lệ phí môn bài cùng với thời gian doanh nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
Theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP thì: (i) Tổ chức, cá nhân mới ra hoạt động kinh doanh thực hiện khai lệ phí môn chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh; (ii) Trường hợp mới thành lập nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế; (iii) Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.
Để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, tại Nghị định quy định thời gian khai, nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau. Đồng thời, bổ sung quy định hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài, Cơ quan thuế căn cứ tờ khai thuế, cơ sở dữ liệu ngành Thuế để xác định doanh thu kinh doanh làm căn cứ tính mức lệ phí môn bài phải nộp của hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán.