Khởi nghiệp trong sinh viên: Nhận giải… rồi thôi!

Theo giaoducthoidai 05/05/2022 04:23

Khởi nghiệp là một mảng được các trường đại học chú trọng với nhiều khóa huấn luyện cho sinh viên. Thế nhưng, hầu hết các dự án mới chủ yếu dừng lại ở các cuộc thi hoặc chỉ để nhận tiền thưởng.

>>Hỗ trợ 100 triệu đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp với mô hình kinh doanh

Nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế và ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng giành quán quân cuộc thi khởi nghiệp GBA Business Challenge 2021, được tổ chức bởi Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức DAAD và Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế và ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng giành quán quân cuộc thi khởi nghiệp GBA Business Challenge 2021, được tổ chức bởi Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức DAAD và Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Thi xong rồi để đó

Gần như các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên khối ngành kỹ thuật – công nghệ đều có tính ứng dụng cao, có thể thương mại hóa sản phẩm.

Dự án Fued - Giáo dục cho tương lai của nhóm Ambition, sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng xuất sắc giành chức vô địch cuộc thi Hackathon “Build on VietNam 2021”. Đây là cuộc thi nằm trong chuỗi sự kiện Hackathon - thi đua lập trình của chương trình Build on ASEAN 2021 do Amazon Web Services tổ chức dành cho các lập trình viên trẻ. Nền tảng học trực tuyến Fued của nhóm Ambition được đánh giá là đã khắc phục được những nhược điểm của các ứng dụng đang có trên thị trường. Với Fued, việc dạy - học trực tuyến sẽ trở nên liền mạch.

Ông Nguyễn Văn Nam – đại diện Công ty CMS TS đã đánh giá Fued có tiềm năng có thể thương mại hóa trong tương lai. Được biết, CMS TS cũng đã đặt vấn đề để hợp tác với nhóm Ambition trong phát triển sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, theo như Nguyễn Thái Minh - thành viên của nhóm Ambition, các thành viên trong nhóm đang tập trung cho việc học tập và có những dự định riêng cho nghề nghiệp nên tạm thời vẫn chưa tính đến việc chuyển giao hoặc nâng cấp Fued theo gợi ý của Công ty CMS TS.

Dự án thiết bị quan trắc không khí cảnh báo cháy nổ (Air Quality Monitor) của nhóm sinh viên khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã lọt vào chung kết Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 (SV Startup 2020). Lê Đặng Thái Phong (trưởng nhóm) chia sẻ, ý tưởng chính của dự án bắt nguồn từ thực trạng suy giảm chất lượng không khí trong môi trường sống và nhu cầu cảnh báo sớm các nguy cơ cháy nổ khí. Sản phẩm với bộ thu thập dữ liệu, bộ xử lý và truyền dẫn dữ liệu giúp thu nhận mọi diễn biến của khu vực giám sát.

Từ những dữ liệu đó, bộ xử lý đưa ra thông tin cảnh báo (qua web hoặc app), giúp người sử dụng có thể kiểm soát được mức độ nguy hại trong chất lượng không khí hoặc cảnh báo nguy cơ cháy nổ khí. Tuy nhiên, sản phẩm chỉ mới dừng lại ở thử nghiệm dù được đánh giá là có tính cạnh tranh cao so với các sản phẩm có cùng chức năng khi có lợi thế thu thập dữ liệu trên diện rộng nhờ công nghệ mạng.

Các dự án được giải cao tại cuộc thi Startup Runway hàng năm do Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tổ chức đều có tính thực tiễn cao, có thể triển khai thành một sản phẩm thương mại. Thế nhưng, rất nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên chỉ dừng lại ở các cuộc thi rồi chấm hết. Có rất nhiều lý do để dự án không được tiếp tục ươm mầm như sinh viên năm cuối bận làm đồ án tốt nghiệp nên không có thời gian, các thành viên trong nhóm có những kế hoạch tương lai khác nhau, thiếu vốn, không có người hướng dẫn…

Một doanh nhân trong vai trò giám khảo của nhiều cuộc thi khởi nghiệp đã thẳng thắn nhận xét, nếu “bê nguyên xi” các dự án khởi nghiệp của sinh viên, cho dù là những dự án đạt giải cao để triển khai vào thực tế thì gần như chắc chắn sẽ thất bại. Điển hình như Dự án Vút bay của nhóm 20 sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng. Dự án đã được đưa vào chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”.

Từ dự án khởi nghiệp đến một start-up thành công là một chặng đường dài mà sinh viên thiếu cả kỹ năng kêu gọi vốn, bán ý tưởng hoặc kỹ năng quản trị, phát triển doanh nghiệp nên dễ “chết yểu”.

>>Phát động Cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính

>>Kinh doanh liêm chính thúc đẩy khởi nghiệp thành công

Hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator-Shi), điểm mạnh lớn nhất của sinh viên khởi nghiệp là sáng tạo, có thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ, có quyết tâm theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, để thành công, sinh viên cần học hỏi và tiếp thu những kiến thức ngoài chuyên môn và kỹ năng mềm.

Anh Lê Văn Kiêm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Healthy Fungi, đại diện dự án Tảo Việt AlgeaVi thừa nhận: “Ở giai đoạn đầu của dự án, ngoài thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, các thành viên gần như thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan đến khởi sự doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, định hướng sản phẩm cũng như mức độ am hiểu về thị trường và khách hàng. Thậm chí, ngay cả định giá sản phẩm chúng tôi cũng rất lúng túng chứ chưa nói đến định hướng đường đi của sản phẩm”.

Sau một năm ươm tạo tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, tháng 12/2021, dự án Tảo Việt AlgeaVi đã ký kết hợp tác với nhà đầu tư Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Linh. Với dự án Tảo Việt AlgeaVi, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng và giảng viên hỗ trợ dự án đồng thời cũng là “nhà đầu tư thiên thần”.

Để hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã chuyển giao dự án đến các vùng nông thôn nhằm hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp cho thanh niên ở khu vực này. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình triển lãm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong khu vực. Với sự hỗ trợ này, dự án Trà hoa nấm của nhóm sinh viên nhà trường đã bắt đầu đưa được sản phẩm ra thị trường.

Để tạo bệ phóng cho sinh viên khởi nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực kết nối với doanh nghiệp, các vườn ươm cũng như quỹ đầu tư để hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp. Cuối năm 2021, ĐH Đà Nẵng đã ký hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ, Thành đoàn Đà Nẵng về phát triển khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo trong sinh viên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Theo đó, các bên sẽ xây dựng không gian sáng tạo trong trường học; giúp học sinh, sinh viên tiếp cận khoa học, công nghệ mới, tạo cảm hứng sáng tạo; hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của đoàn viên, thanh niên; kết nối ý tưởng, sản phẩm đổi mới sáng tạo của đoàn viên, sinh viên với doanh nghiệp có nhu cầu. Để cụ thể hóa, Thành đoàn Đà Nẵng đã phối hợp với Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng để thực hiện chương trình đào tạo với tên gọi Bệ phóng khởi nghiệp dành cho đoàn viên năm 2022.

“Vút bay” là một dự án có nhiều sáng tạo, thiên về trí tuệ, khả năng mở rộng dễ do ít sử dụng nguồn lực tài sản hữu hình, tạo ra được giá trị để tìm nhà đầu tư nên khởi nghiệp rất tốt. Dự án kết thúc chỉ sau 3 chương trình hướng nghiệp kết nối giữa học sinh phổ thông và một số doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… nhằm tìm hiểu một số ngành nghề theo xu hướng trải nghiệm để hướng nghiệp.

https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/khoi-nghiep-trong-sinh-vien-nhan-giai-roi-thoi-V5mg63wnR.html

Có thể bạn quan tâm

  • Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vươn lên một tầm cao mới

    Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vươn lên một tầm cao mới

    05:23, 23/04/2022

  • Thúc đẩy sự liêm chính là nền tảng cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công

    Thúc đẩy sự liêm chính là nền tảng cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công

    14:53, 06/04/2022

  • VCCI nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp liêm chính

    VCCI nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp liêm chính

    14:42, 06/04/2022

Theo giaoducthoidai