Học thú y về làm giàu với chim trĩ đỏ

Theo nongnghiep 15/05/2022 03:29

Sau khi học xong chuyên ngành thú y, chị Hương đã 'bén duyên' với loài chim trĩ đỏ, cho hiệu quả kinh tế cao.

>>Khởi nghiệp nông nghiệp: Làm giàu thành công từ nuôi chim trĩ

Một trang trại chim trĩ đỏ ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước đã nuôi chim trĩ đỏ khá thành công từ cách đây hơn chục năm. Chủ nhân trang trại là cô gái trẻ Đỗ Thị Thanh Hương.

Gặp chúng tôi chị Hương kể, ngay từ khi còn là sinh viên khoa Thú y, đại học Nông lâm TP.HCM, chị đã có ý định sẽ khởi nghiệp bằng một trang trại gà. Sau khi tìm hiểu nhiều nguồn thông tin, ý tưởng đã “chín muồi”, năm 2011, chị vay gia đình 20 triệu đồng, tận dụng chuồng heo cũ, sửa sang lại và nuôi thử nghiệm 30 con chim trĩ đỏ.

Sau 5 tháng nuôi, chim đạt trọng lượng bình quân 1,5 kg/con, đến 8 tháng sau thì chúng sinh sản. Đặc biệt, chúng không biết ấp trứng nên đẻ quanh năm (trung bình mỗi con đẻ từ 120-200 trứng/năm). Sẵn có kiến thức, chị Hương tự mày mò, thiết kế tủ ấp trứng.

Chị Thanh Hương và con chim trĩ đỏ trống. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Thời điểm cách đây gần chục năm, rất ít người nuôi chim trĩ đỏ, nên giá khá cao. Khi đó, giá 1 quả trứng 50.000 đồng, chim thương phẩm giá 450.000 đồng/kg, còn chim giống bố mẹ có giá hơn 1 triệu đồng/con. Bình quân mỗi tháng kiếm vài chục triệu sau khi trừ chi phí. Bây giờ thì giá trứng, thịt thương phẩm và cả chim bố mẹ, thấp hơn nhiều rồi”, chị Hương nói.

Là người có chuyên môn sâu về thú y, toàn bộ quy trình nuôi của trang trại Thanh Hương đều áp dụng khoa học kỹ thuật. Vì thế, ngay từ đầu nuôi chim trĩ đỏ, chị Hương chưa gặp sự cố nào đáng tiếc về chuyên môn.

“Chim trĩ đỏ vốn là loài động vật hoang dã, cấm săn bắt. Mình muốn nuôi phải đăng ký với bên kiểm lâm. Nhưng lâu nay, đã được nhiều người thuần hoá, nuôi sinh sản thành công, mang lại giá trị kinh tế cao, vì chim đẻ nhiều, dễ nuôi và thị trường hiện nay còn rộng lớn. Thịt chim trĩ lại được đánh giá là bổ dưỡng, giàu protein, vitamin, canxi, sắt.

Mỗi chuồng thả 1 con trĩ trống và từ 3-4 con mái. Ảnh: Hồng Thuỷ.

So với các giống khác thì trĩ đỏ khá dễ nuôi. Đây là loại chim có sức đề kháng cao nên chỉ cần cho uống thuốc phòng ngừa dịch, cúm và hàng tuần vệ sinh chuồng trại là được. Thức ăn chính là bắp, lúa, cám tổng hợp và các loại rau. Khi nuôi cần làm lồng lưới thoáng mát để chúng phát triển tốt. Mỗi chuồng thả 1 trống và từ 3 đến 4 mái. Nền rải một lớp cát để tránh ẩm ướt. Khi đến mùa đẻ trứng, trĩ sẽ đào cát để làm ổ. Nền cát còn hút ẩm rất tốt, nhanh chóng làm khô phân khi trĩ thải ra”, chị Hương nói.

>>Chàng trai tật nguyền làm giàu từ nuôi chim bồ câu Pháp

>>8X lập nghiệp thành công từ nuôi chim bồ câu, thu 50 triệu/tháng

Mặc dù vậy, không phải là trĩ đỏ không bao giờ bị bệnh. “Chúng bị một số bệnh như tiêu chảy doEcoli, hen (thở khò khè) do bị nấm phổi hay bệnh đau mắt (sưng mặt) với biểu hiện mắt chim có màng đục nhắm lại, 1 trong hai bên má sưng. Bệnh này có thể khiến chim bị mù, không thể tự ăn, uống được.

“Nhưng dù là bệnh nào thì cũng đều có thuốc, có vắc xin điều trị. Vấn đề là mình phải theo dõi thường xuyên, quan sát kỹ những biểu hiện của chúng để phát hiện và điều trị kịp thời. Hoặc như giống chim trĩ đỏ khoang trắng, thường dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, nhất là những lúc mưa bão. Biểu hiện của chúng là ủ rũ, bỏ ăn. Những lúc như thế, cần thắp đèn sưởi ấp, tiêm vắc-xin tăng đề kháng cho chúng. Ít nhất mỗi tuần phải vệ sinh chuồng trại một lần. ngoài ra, để tránh đồng huyết, cần thay trĩ giống định kỳ để chim non có sức đề kháng cao hơn, ít bệnh, và phát triển tốt hơn”, chị Hương chia sẻ.

Ngoài ra, khi chim non được 7 ngày tuổi phải tiêm vắc xin nhỏ mũi. Đến 2,5 tháng tuổi, bắt đầu tiêm vắc xin phòng bệnh Newcastle và Pasteurella. Sau đó sẽ tiến hành tiêm phòng đều đặn mỗi 2 tháng rưỡi, 3 tháng một lần. Tiêm dưới da vào vú, ngực chim. Không tiêm vào bắp thịt, nếu tiêm không đúng sẽ gây liệt.

Sau khi thành công với chim trĩ đỏ, chị Hương tiếp tục nuôi thêm những giống gà “cao cấp” khác. Đó là Đông Tảo, Gô đỏ, H’mông, Trĩ đỏ…đặc biệt là gà Silkie, một giống gà có ngoại hình rất dễ thương: Toàn thân được bao phủ bởi bộ lông mềm, mượt và dài, phủ kín mít. Chỉ lộ ra chiếc mỏ nhỏ xíu màu xám kèm chút mào màu đỏ, và 2 bàn chân màu xám cũng nhỏ xíu. Giống gà này còn được gọi là gà “bông gòn”, lông xù…thường được nuôi làm cảnh không chỉ bởi hình dáng dễ thương, mà còn rất thân thiện, gần gũi người nuôi.

“Em đang phát triển, tăng đàn gà Sillke, vì đây là giống gà cảnh, giá vô chừng, lại rất dễ nuôi, vòng đời đến 10 năm nếu chăm sóc tốt. Càng trưởng thành bộ lông chúng càng dày, mềm, đẹp hơn. Chúng không kén đồ ăn, thậm chí còn dễ nuôi hơn đa số các giống gà thực phẩm khác. Thức ăn chủ yếu là rau xanh, thóc, gạo. Giống gà này hiếm vì chúng chỉ đẻ mỗi lứa 7-8 trứng và đẻ cách ngày, tỷ lệ ấp nở thành công chỉ khoảng 50-60%. Vì là gà cảnh nên giá phụ thuộc vào ngoại hình, mức độ “đẹp” của bộ lông mà giá từ vài triệu đến hơn chục triệu. Thậm chí, nếu con gà có bộ lông hiếm như ngũ sắc chẳng hạn, thêm hình thức đẹp nữa, thì giá vô chừng, có khi vài chục, thậm chí cả trăm triệu”, chị Đỗ Thị Thanh Hương.

https://nongnghiep.vn/hoc-thu-y-ve-lam-giau-voi-chim-tri-do-d322903.html

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi nghiệp nông nghiệp: Làm giàu thành công từ nuôi chim trĩ và cá bống

    Khởi nghiệp nông nghiệp: Làm giàu thành công từ nuôi chim trĩ và cá bống

    04:23, 09/11/2020

  • Lãi trên 300 triệu đồng từ nuôi chim trĩ trên đệm lót sinh học

    Lãi trên 300 triệu đồng từ nuôi chim trĩ trên đệm lót sinh học

    04:26, 04/02/2018

  • Thầy giáo nuôi chim trĩ bán vào siêu thị

    Thầy giáo nuôi chim trĩ bán vào siêu thị

    07:28, 08/01/2018

Theo nongnghiep