Startup Jungle Boss gọi vốn thành công 12 tỷ tại Shark Tank Việt Nam
Jungle Boss – Startup hoạt động ở mảng du lịch mạo hiểm, khám phá hang động và rừng nguyên sinh tại Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các khu vực lân cận.
>>Shark Tank: Nơi ươm mầm khởi nghiệp hay chỉ là game show?
Đại diện Jungle Boss đến Shark Tank gọi vốn là anh Lê Lưu Dũng – Nhà sáng lập và điều hành của startup. Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 5, anh Lưu Dũng muốn kêu gọi 12 tỷ cho 10% cổ phần cho dự án và mong muốn đồng hành cùng các Shark nhằm mang lại cho du khách đến gần hơn với thiên nhiên và vượt qua giới hạn của bản thân mình.
Tại trang web của mình Jungle Boss cho biết, họ đang khai thác 8 sản phẩm du lịch mạo hiểm với nhiều cấp độ, dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Trong đó, sản phẩm du lịch khám phá hố sụt Kong Collapse với trải nghiệm đu dây 100m thẳng đứng ở trong lòng hang động là tour du lịch chiếm số lượng khách và nguồn doanh thu lớn nhất của Jungle Boss tại thời điểm hiện tại, với giá bán tour 5 ngày 4 đêm là 35 triệu đồng/người. Sản phẩm này đã được Ủy ban tỉnh thẩm định và cấp phép để làm độc quyền sau khi nhận được đề án khai thác từ Jungle Boss.
Pháp nhân của Jungle Boss là Công ty TNHH Jungle Boss. Startup này được thành lập từ tháng 11/2015, đến nay đã có hơn 6 năm hoạt động. Với số vốn điều lệ ban đầu đăng ký là 1,9 tỷ đồng. Trong lần tham gia gọi vốn tại Shark Tank này vốn điều lệ của startup đã nâng lên là 12 tỷ đồng, trong đó anh Lê Lưu Dũng chiếm 80%, tương đương 9,6 tỷ đồng. Ngoài anh Dũng, còn 1 thành viên góp vốn nữa chiếm 20% cổ phần, tương đương 2,4 tỷ đồng.
Hiện Jungle Boss đã hợp tác với các chuyên gia hang động của Hiệp hội hang động hoàng gia Anh, Hiệp hội hang động quốc gia Hoa Kỳ, các chuyên gia về cứu hộ cứu nạn của Công ty Cứu hộ cứu nạn Việt Nam để thực hiện các chương trình đào tạo tập huấn nâng cao cá kỹ năng an toàn hang động, cứu hộ cứu nạn cho đội ngũ hướng dẫn viên, trợ lý an toàn và nhân viên phục vụ.
Đại diện Jungle Boss khẳng định, đã hợp tác với các chuyên gia an toàn hang động trong nước và quốc tế cũng như các đơn vị có thẩm quyền của địa phương để xây dựng riêng một phương án đảm bảo an toàn và được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt. Ngoài ra, tất cả các trang thiết bị an toàn của Jungle Boss đều nhập khẩu từ các nhà sản xuất đạt tiểu chuẩn Châu Âu và được thông tin chi tiết trên trang chủ của công ty.
Theo Lưu Dũng chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, Jungle Boss đã đón khoảng hơn 40.000 lượt khách. Kênh bán hàng chủ yếu của Jungle Boss là online, chiếm đến 90%. Trước đại dịch, số lượng khách nước ngoài chiếm 90%, khách Việt Nam chiếm 10%, tuy nhiên sau đại dịch thì con số quay ngược lại, khách Việt Nam chiếm đến 90%.
Khi được các Shark hỏi về tình hoạt động kinh doanh trước đại dịch, đại diện Jungle Boss cho biết, doanh thu năm 2018 là 17 tỷ, lợi nhuận 4 tỷ; năm 2019 là năm đạt đỉnh điểm doanh thu với con số 23 tỷ, lợi nhuận 5 tỷ. Kỳ vọng doanh số của doanh nghiệp năm nay vào khoảng hơn 20 tỷ, sang năm 60 tỷ, các năm khác lên 100 tỷ.
Về tình hình tài chính của doanh nghiệp theo CEO Dũng cho biết, doanh nghiệp hiện có nợ ngân hàng khoảng 7 tỷ, vốn chủ 25 tỷ (trong đó vốn điều lệ 12 tỷ), tương đương tổng mức tài sản vào khoảng 32 tỷ.
Sau khi hai Shark “rời bể”, 3 Shark còn lại là Shark Hùng Anh, Shark Hưng và Shark Bình đều quyết định đầu tư cho Jungle Boss. Nếu như Shark Hưng ra deal 12 tỷ cho 28,5%, Shark Bình là 12 tỷ cho 25% thì Shark Hùng Anh quyết định tăng số vốn rót cho Jungle Boss với offer (đề nghị) 20 tỷ cho 30%. Các Shark liên tục chiêu dụ startup bằng những thế mạnh vốn có của mình cũng như cách sẽ giúp Jungle Boss phát triển trong tương lai.
Sau màn cân cân lão, cái gật đầu của CEO Jungle Boss là lời đề nghị đầu tư 12 tỷ đồng cho 25% cổ phần của Shark Hưng.
Có thể bạn quan tâm