Đổi mới từ trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp
Theo kinh nghiệm của quốc tế và Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp phải hoạt động theo hướng của một trung tâm mở, không làm theo kiểu vườn ươm đóng như trước đây.
>>Hệ sinh thái Khởi nghiệp: Cơ hội và tiềm năng của nhà đầu tư mạo hiểm sau đại dịch
Bước sang năm 2022, các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp ở Việt Nam cần có nhiều thay đổi với kỳ vọng tạo đột phá cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cũng đòi hỏi có sự thay đổi về cách thức hoạt động.
Mô hình trung tâm mở
Một số tỉnh thành, hoặc doanh nghiệp đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp từ nhiều năm nay và hiện đã ghi nhận hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn có địa phương mong muốn thành lập trung tâm nhưng chưa biết cách thức duy trì hoạt động.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Việt Nam - NATEC (Bộ KHCN), các trung tâm này phải thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối như diễn đàn, hội thảo chuyên đề, cuộc thi Hackathon, Techfest, Demoday: giới thiệu sản phẩm… Đồng thời, trung tâm cũng là địa điểm tổ chức, chuyển giao các sáng chế, nhằm đưa các sáng chế từ phòng thí nghiệm vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ thương mại hoá sản phẩm.
>>Lâm Đồng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp
>>Ngành Giáo dục và Đào tạo: Bước đệm cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển
Ông Phạm Hồng Quất cũng lưu ý việc các trung tâm nên kết hợp liên địa phương, liên vùng, kết hợp quốc gia và liên quốc tế. “Cần tránh việc chỉ làm trong nội bộ địa phương của mình thì không học tập và lan tỏa được những cái mới. Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - VSMA và Văn phòng Đề án 844 - Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng để hỗ trợ”.
Cần cơ chế hỗ trợ
Thành phố Hồ Chí Minh được xem là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương bởi đã triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp rất sớm.Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Thành phố đang gặp không ít vướng mắc, nhất là về hỗ trợ hình thành không gian đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết: “Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM đang xây dựng, sắp hoàn thành. Tuy nhiên khi triển khai cũng có nhiều khó khăn. Thứ nhất, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP được Quốc hội thông qua nhưng không có ưu đãi về khoa học công nghệ. Thứ hai, tòa nhà đất công cho thuê vướng đủ mọi chuyện...
“Bài học của TP.HCM cho thấy Thành phố phải dùng mặt bằng của Sở KH&CN để biến thành không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo từ năm 2016. Từ đó đến nay, ngày nào trung tâm cũng có sự kiện, sáng trưa chiều tối. Mỗi năm, trung tâm tổ chức mấy trăm sự kiện đều do khu vực tư nhân làm. Các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam hiện nay đang rất yếu trong câu chuyện này. Các trung tâm làm những hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các tập đoàn Viettel, FPT hay VNPT thì chưa có”, ông Dũng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm