Thái Bình: Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp
Làm giàu bằng chính đôi tay của mình là khát khao của nhiều thanh niên trong hành trình khởi nghiệp. Thời gian qua Thái Bình đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khích lệ thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp.
>>>Thái Bình: Công bố kết quả khảo sát DDCI
Xác định phong trào thanh niên khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh Đoàn đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội, nhiều hội viên, thanh niên trong tỉnh đã vươn lên làm giàu chính đáng, mang lại giá trị lớn cho cộng đồng.
Từ hỗ trợ khích lệ…
Với mô hình nuôi dê lấy sữa, chế biến các sản phẩm từ sữa dê theo hướng hữu cơ, anh Đào Nhân Nghĩa, thị trấn Diêm Điền - Thái Thụy thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Nhưng không nhiều người biết anh từng tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2018 và đạt giải nhì, được vào vòng chung kết tham gia cuộc thi cấp quốc gia năm 2018.
Theo anh Nghĩa, từ khi tham gia cuộc thi, anh có nhiều cơ hội giao lưu, học tập nhiều kinh nghiệm từ các mô hình khởi nghiệp, tham gia các chương trình đào tạo khởi nghiệp, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của tổ chức đoàn, giúp anh càng thêm quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Hiện anh đang áp dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi, sản xuất sữa dê. Anh Nghĩa dự định sẽ xây dựng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đầu tư máy móc hiện đại theo hướng tự động hóa.
Cũng như anh Nghĩa, nhiều thanh niên đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, thanh niên trên địa bàn Thái Bình còn gặp không ít khó khăn: Vốn ít, kinh nghiệm chưa có, chưa lựa chọn được phương pháp quản trị, khoa học kỹ thuật phù hợp với mô hình...
Gỡ khó cho thanh niên khởi nghiệp, với sự thích ứng và sự chuẩn bị về giải pháp, nguồn lực, các cấp bộ đoàn đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong tìm kiếm, tổ chức các hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thanh niên. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới công tác vận động nguồn lực xã hội đầu tư và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thì sự đồng hành của tổ chức đoàn càng thêm ý nghĩa.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Phụ cho biết: Năm 2021, Huyện đoàn đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp trẻ và chủ mô hình thanh niên phát triển kinh tế huyện Quỳnh Phụ. Hiện CLB có 25 thành viên với số quỹ đầu tư khởi nghiệp 250 triệu đồng, trong đó CLB đang hỗ trợ 150 triệu đồng cho 5 mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Đoàn thanh niên các cấp là cầu nối giúp thanh niên tiếp cận các nguồn vốn theo các chương trình ưu đãi; đồng thời, thường xuyên thăm, động viên, gợi mở thanh niên lựa chọn mô hình phù hợp và quảng bá, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của các mô hình.
… đến thi đua phát triển kinh tế
Theo thống kê của Tỉnh đoàn Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 1 CLB đầu tư khởi nghiệp, 1 CLB Lương Định Của cấp tỉnh, 8 CLB thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, 92 CLB thanh niên phát triển kinh tế cấp xã và trên 700 mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu. Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều diễn đàn thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; diễn đàn học sinh, sinh viên khởi nghiệp; mời những chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nhân khởi nghiệp thành công chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, những bài học trong quá trình khởi nghiệp; tuyên dương các mô hình tiêu biểu của thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp...
Cùng với đó là phối hợp với các ngân hàng và qua nguồn vốn của Trung ương Đoàn hỗ trợ thanh niên vay vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm và mở rộng thị trường, hỗ trợ việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm của thanh niên…
Theo huyện Đoàn Thái Thụy – Thái Bình cho biết: Tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn... là đòn bẩy mà các cấp bộ đoàn ở Thái Thụy áp dụng để tạo sức bật cho thanh niên phát triển kinh tế. Làm chủ nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thanh niên Thái Thụy đã và đang khẳng định vai trò xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nuôi thủy sản, trong đó lấy cá bớp giống làm chủ đạo, anh Vũ Đức Thịnh, thôn Vũ Đông, xã Thụy Xuân đã trở thành triệu phú trẻ ở địa phương. Mỗi năm anh Thịnh thu lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng. Có được thành công trên, anh Thịnh đã trải qua nhiều khó khăn nhưng nhờ kiên trì và bản lĩnh, anh từng bước mở rộng diện tích và tăng số lượng thủy sản.
Anh Thịnh cho biết: Tổ chức đoàn thanh niên các cấp luôn đồng hành bằng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn, khích lệ, động viên đã tạo động lực lớn để tôi quyết tâm khởi nghiệp đem toàn bộ sức trẻ làm giàu cho gia đình, quê hương. Mỗi người một cách làm, hướng đi riêng nhưng đã có rất nhiều thanh niên Thái Bình đã bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm để vượt khó vươn lên phát triển kinh tế ngay tại quê hương như anh Vũ Đức Thịnh.
Chị Phan Thị Thủy - Bí thư Huyện đoàn Thái Thụy cho biết: Xác định rõ vai trò quan trọng của thanh niên, nhất là thực hiện mục tiêu thanh niên là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế, thời gian qua, đoàn thanh niên các cấp và các đơn vị triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế.
Để tạo động lực khuyến khích đoàn viên, thanh niên thi đua phát triển kinh tế, các cán bộ đoàn là những người tiên phong, gương mẫu đi đầu tham gia các mô hình phát triển kinh tế như anh Nguyễn Công Việt - xã Thụy Thanh, anh Phạm Tiến Quân - xã Thụy Ninh... Những hoạt động thiết thực đã khơi dậy và phát huy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên; cộng với việc hỗ trợ giống, vốn, khoa học kỹ thuật kịp thời của các tổ chức đoàn đã tạo sức bật cho thanh niên Thái Bình vượt khó thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đến nay, Thái Bình có hơn rất nhiều mô hình do thanh niên làm chủ có hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Điển hình như mô hình nuôi dê lấy sữa, chế biến các sản phẩm từ sữa dê theo hướng hữu cơ của anh Đào Nhân Nghĩa - thị trấn Diêm Điền, mô hình nuôi thỏ của anh Vũ Thanh Long (xã Dương Hồng Thủy), HTX Nông dược Gotafarm của chị Bùi Thị Duyên - xã Thụy Văn…
Nhờ nỗ lực của bản thân và sự đồng hành của tổ chức đoàn, đoàn viên, thanh niên Thái Bình không chỉ khởi nghiệp thành công mà còn nâng cao thu nhập cho gia đình, bảo đảm an sinh xã hội và có điều kiện thuận lợi đóng góp xây dựng quê hương. thanh niên trong tỉnh đã vươn lên làm giàu chính đáng, mang lại giá trị lớn cho cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm