9X gác bằng thạc sĩ luật, về quê nuôi cá thu trăm triệu mỗi năm
Tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn tại lòng hồ thuỷ điện, Bí thư đoàn xã Châu Tiến (huyện Quỳnh Châu, Nghệ An) đẩy mạnh mô hình nuôi cá lồng, thu cả trăm triệu mỗi năm.
>>9x Hải Phòng về quê đào ao nuôi cá kiếm tiền tỷ
Ở lòng hồ thuỷ điện Châu Thắng (bản Xẹt 1, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu) giữa bốn bề núi rừng, ông chủ 32 tuổi Lãnh Văn Mùi đang miệt mài kiểm tra từng lồng cá lăng, cá chép sắp tới giai đoạn thu hoạch.
Anh Mùi cho biết, năm 2018 tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Luật học Trường Đại học Vinh, anh quyết định về quê lập nghiệp.
“Mỗi người mỗi quan điểm, mình không nghĩ rằng ở quê lại thiếu cơ hội, ngược lại có rất nhiều. Quan trọng là mình được sống cùng gia đình và không hối tiếc điều gì”, anh Mùi chia sẻ.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thuỷ điện, lại chủ động được nguồn thức ăn, anh Mùi mạnh dạn vay hơn 100 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi cá lồng, khởi điểm với 4 lồng.
Tuy nhiên, thời gian đầu chủ yếu nuôi tự phát, chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật nên hiệu quả không cao, chưa tính đến việc cá bị bệnh không biết cách chữa trị kịp thời nên thiệt hại không ít.
Nhưng với quyết tâm, cùng với đó là sự vào cuộc kịp thời của các ban, ngành trên địa bàn trong việc hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật nên việc nuôi cá lồng dần đi vào ổn định. Việc chăm nuôi khoa học hơn, cá phát triển tốt và ít bị bệnh.
Theo anh Mùi, so với việc trồng rừng và làm ruộng thì nuôi cá cho thu nhập cao hơn. Về kinh nghiệm nuôi cá, tuỳ từng loại cá sẽ có cách chăm sóc và liều lượng thức ăn khác nhau.
“Cá lăng thường ăn cá mương được đánh bắt ngay tại lòng hồ. Vào mùa hè, cá mương nhiều nên tranh thủ đánh bắt, phơi khô dự trữ thức ăn vào mùa đông - thời điểm nguồn thức ăn bị giảm sút. Còn các loại như cá chép, cá rô phi... chủ yếu cho ăn cỏ và các loại lá rừng”, anh Mùi tâm sự.
Về vị trí đặt lồng, anh cho biết, do chất lượng nước không thể kiểm soát được như nuôi trong các ao hồ mà tùy thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì thế chọn lựa vị trí thích hợp để neo lồng bè sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Nên chọn vị trí khu vực hạ lưu, thông thoáng, khuất gió, lưu thông nước tốt...
Từ 4 lồng cá ban đầu, đến nay anh đã phát triển lên 8 lồng cá. Sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, mỗi năm anh thu về trên 100 triệu đồng.
Chàng trai 9X người dân tộc Thái này luôn trăn trở suy nghĩ và tìm tòi thêm các sản phẩm chế biến chuyên sâu để tăng năng suất sản xuất các sản phẩm từ cá.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Mùi cho biết, trước mắt gia đình sẽ tiếp tục chăm sóc những lồng cá hiện có. Đồng thời, đầu tư nuôi thêm các lồng cá mới để mở rộng quy mô nuôi cá thịt và cá giống, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Không chỉ làm giàu cho mình, thời gian qua, anh Mùi còn tổ chức cho một số bạn đoàn viên, thanh niên tại địa phương đến tham quan học, học hỏi mô hình nuôi cá lồng của mình. Với cách nuôi này, nếu nắm vững kỹ thuật thì sẽ là mô hình khởi nghiệp lý tưởng cho đoàn viên, thanh niên ở nông thôn và mang lại thu nhập khá.
Anh Mùi tâm sự, với các bạn đoàn viên, thanh niên và người dân có mong muốn khởi nghiệp, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật và cung cấp cá giống cho họ.
Vừa qua, tại cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An năm 2021, với dự án phát triển kinh tế “ứng dụng công nghệ cao vào quy trình nuôi cá trên sông Hiếu”, anh Lãnh Văn Mùi đạt giải khuyến khích.
Anh cũng là một trong 24 gương mặt thanh niên tiêu biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh Nghệ An năm 2022.
Có thể bạn quan tâm