Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” tại Hải Dương giúp ý tưởng thành hiện thực
Sau 1 năm triển khai, Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2025 bước đầu có hiệu quả đã giúp nhiều thanh niên lập nghiệp, làm chủ cuộc sống.
>>>Hải Dương: Hiệp hội Doanh nghiệp đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
“Bệ đỡ” cho thanh niên khởi nghiệp
Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2025 được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tháng 10.2019. Năm 2021, toàn tỉnh có 44 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên được hỗ trợ tổng số 3 tỷ đồng. Một số địa phương có nhiều thanh niên vay là Kinh Môn (720 triệu đồng), Kim Thành (700 triệu đồng), TP Chí Linh (528 triệu đồng). Đề án góp phần nhằm khơi dậy tinh thần lập nghiệp của thanh niên, giúp họ vươn lên làm chủ kinh tế, tự tin trước các cơ hội mới. Đề án đã phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên trong tổ chức, phát động phong trào khởi nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1985), ở thôn Thiên Xuân, xã Kim Tân - Kim Thành - Hải Dương trước khi quyết định trở về quê hương khởi nghiệp, anh Tuyên làm công nhân ở nhiều nơi. Nhận thấy đất ở quê bỏ hoang nhiều nên anh quyết tâm trở về học cách làm giàu. Năm 2020, anh được biết đến Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua cán bộ Đoàn Thanh niên xã và Huyện đoàn Kim Thành. Vay được 100 triệu đồng từ nguồn vốn này, cùng với tiền tiết kiệm, anh bắt đầu lập vườn, đào ao thả cá. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lợi nhuận chưa nhiều, nhưng đây là mô hình có triển vọng phát triển vì anh đầu tư rất bài bản. "Trong lúc đang loay hoay thì tôi vay được vốn của Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nguồn vốn này như một chiếc cần câu, tiếp thêm động lực cho thanh niên chúng tôi phát triển kinh tế tại quê hương", anh Tuyên nói.
Với 50 triệu đồng được vay từ đề án vào năm 2020, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1991) ở thôn Xạ Sơn, xã Quang Thành (Kinh Môn) đã cải tạo vườn trồng cam, bưởi. "Với 50 triệu đồng, tôi đã mua cây giống về trồng. Tôi muốn đề án tạo điều kiện cho vay với mức tiền nhiều hơn để thanh niên có thêm nhiều cơ hội khởi nghiệp từ làng", chị Thảo nói.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí (Trường Đại học Sao Đỏ), anh Nguyễn Văn Luyện ở xã Lê Lợi (Chí Linh) đi làm tại một doanh nghiệp để bồi dưỡng tay nghề. Năm 2012, anh bắt đầu mở một xưởng nhỏ chuyên làm nhôm kính.
Lúc đầu vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên anh chỉ nhận một số công trình nhỏ. Sau đó, anh biết đến đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua cán bộ Đoàn Thanh niên xã. Tiếp cận được nguồn vốn vay, anh Luyện mở rộng xưởng sản xuất và mua sắm thêm một số máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Đơn hàng ngày một nhiều, không chỉ ở trong tỉnh mà anh còn nhận nhiều hợp đồng ở Hà Nội, Hải Phòng... Từ một người làm thuê, anh Luyện đã trở thành ông chủ của xưởng cơ khí lớn, mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng. Xưởng của anh còn tạo việc làm cho 5 thanh niên ở địa phương với mức thu nhập từ 9-12 triệu đồng/người/tháng. "Nếu không có sự tiếp sức kịp thời từ nguồn vốn khởi nghiệp có lẽ tôi khó có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi như hôm nay", anh Luyện chia sẻ.
Ngắm vườn cam, bưởi trĩu quả của gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Quang Thành (Kinh Môn), khó ai có thể hình dung ra toàn bộ diện tích này trước đây là khu ruộng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Với 50 triệu đồng được vay từ đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chị Thảo cải tạo thành vườn trồng cây ăn quả, mua cây cam giống về trồng. Ngoài ra, chị còn tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây hiệu quả. "Nguồn vốn vay đã trao cho tôi cơ hội có thêm điều kiện phát triển kinh tế ngay tại địa phương", chị Thảo nói.
Khắc phục khó khăn
Tháng 10.2019, UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2025". Mục tiêu của đề án là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo môi trường khởi nghiệp sôi động cho thanh niên. Kinh phí thực hiện đề án dự kiến 23,5 tỷ đồng, trong đó mỗi giai đoạn 2019-2021 và 2022-2025 là 10 tỷ đồng, còn lại dành cho tập huấn và tuyên truyền. Trong đó kinh phí hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp là 20 tỷ đồng cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (thanh niên được vay vốn khởi nghiệp với thời hạn 3 năm, lãi suất ưu đãi là 7,92%/năm). Đề án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2019-2021 hỗ trợ 10 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2022-2025 hỗ trợ 10 tỷ đồng. 3,5 tỷ đồng còn lại để tổ chức các hoạt động liên quan đến đề án.
Theo đề án, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án; người lao động bắt đầu khởi nghiệp vay tối đa 100 triệu đồng/người. Đề án cũng hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng cho mỗi mô hình cải tạo, mở rộng phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Dù vậy, đa số thanh niên còn giữ tư duy truyền thống để khởi nghiệp mà chưa thực sự thay đổi, còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Nhiều mô hình kinh tế của thanh niên trong tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún.
Đến nay chưa có dự án lớn nào của thanh niên đủ điều kiện để vay vốn trên 100 triệu đồng. Nguyên nhân do điều kiện để vay là phải có tài sản thế chấp, trong khi đa số thanh niên chưa có tài sản, sở hữu về nhà, đất. Vì thế, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ đề án còn bất cập.
Anh Vũ Văn Vinh, Bí thư Thị đoàn Kinh Môn cho biết để vay được vốn, thanh niên phải làm dự án, hồ sơ, thủ tục. Thanh niên thực hiện việc này còn khó khăn. Không ít thanh niên chưa phải là chủ hộ, đa số vẫn sống chung với bố mẹ nên khi vay vốn không có nhiều tài sản thế chấp. Nhiều năm gần đây, Tỉnh đoàn đều phát động Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" nhưng chỉ có một số sinh viên theo học ngành kinh tế có ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh dù chưa thực sự xuất sắc, còn những ngành nghề khác thì không có.
Trong đề án này, Tỉnh đoàn được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực. Nhiều thanh niên mong muốn Tỉnh đoàn kết nối một số doanh nghiệp tiêu biểu để cho thanh niên học hỏi kinh nghiệm; lựa chọn từ 1-2 dự án có tiềm năng của thanh niên để kết nối hỗ trợ ngay từ đầu với số vốn lớn từ hơn 1 tỷ đồng trở lên.
Theo anh Nguyễn Hồng Sáng - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết thời gian tới các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sẽ dựa trên nền tảng công nghệ, chuyển đổi số. Nhưng để lập thân, lập nghiệp thì mọi sự giúp đỡ của tổ chức Đoàn chỉ là bệ đỡ, điều quan trọng nhất là mỗi đoàn viên thanh niên phải tự giác, tự chủ, tự lực trong lao động, sản xuất, dám nghĩ, dám làm để vươn lên.
Có thể bạn quan tâm