Bí quyết khởi nghiệp lạ đời của ông chủ bán 12 triệu ly giấy mỗi tháng
Để thành công, anh Hoàng chưa từng coi bản thân là chủ, các công nhân là người làm thuê. Thời gian đầu khởi nghiệp, anh và vợ chủ yếu sống tại xưởng giấy, chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày.
>>CEO TopCV tiết lộ bí quyết tăng trưởng đột phá trong đại dịch
Đêm không ngủ, len lỏi từng góc chợ
Xuất phát là cán bộ Thành đoàn TPHCM, 6 năm trước, anh Nguyễn Trọng Hoàng (39 tuổi) bỗng quyết dừng việc, chuyển hẳn sang khởi nghiệp bằng các sản phẩm về giấy khiến ai nấy đều ngỡ ngàng vì hai công việc vốn không liên quan đến nhau. Nhiều người hoài nghi về quyết định của anh Hoàng và khuyên anh đừng "đùa với lửa".
Nghĩ lại khoảng thời gian ấy, anh Hoàng thừa nhận đó là quyết định "khác người" vì khi ấy anh chưa biết bắt đầu từ đâu. Mặc dù đã có sẵn nền tảng từ công ty in ấn của nhà vợ nhưng anh cũng chưa biết quy trình để làm ly giấy ra sao.
Anh quyết định làm ly giấy vì trong một lần đi du lịch ở Hàn Quốc, tình cờ nhìn thấy những chiếc ly giấy nhỏ được đặt ở sân bay. "Thời điểm đó ở Việt Nam hiếm có ai làm sản phẩm về giấy trong khi loạt vật liệu này lại tốt cho môi trường. Tôi đã thuyết phục gia đình chuyển từ in ấn sang sản xuất ly giấy", anh Hoàng kể.
Tuy nhiên, thời gian đầu hiếm ai ủng hộ anh rẽ hướng theo con đường này. Chưa từng khởi nghiệp bao giờ, ý tưởng của anh nhận về những ánh mắt hoài nghi từ mọi người. Bên cạnh đó, vì mới khởi nghiệp nên không ai biết đến, anh cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, còn đối tác thì thiếu tin tưởng vì thấy cơ sở vật chất của anh khó đảm bảo.
Để chứng minh, anh Hoàng tự tìm hiểu mọi thứ. Thông tin trên mạng còn ít nên anh chủ động tìm đến các công ty giấy hàng đầu Việt Nam để học hỏi mô hình, quy trình làm việc. Sau đó, anh may mắn tìm được loại giấy PE, phù hợp hoàn toàn với tiêu chí sản phẩm.
"Lớp PE ngăn không cho nước, hơi ẩm thẩm thấu vào bên trong lớp giấy, bảo đảm chất lượng của thực phẩm được chứa đựng, lại tốt cho môi trường. Nó còn có thể hạn chế sự thấm dầu mỡ và nước sốt, chống dính da bánh… nên rất phù hợp để làm ly, cốc giấy", vị doanh nhân chia sẻ.
Nhận thấy thông tin đã vừa đủ, anh bỏ gần 800 triệu đồng mua máy để sản xuất, thuê chuyên gia am hiểu cách thức vận hành máy móc, dây chuyền ở nước ngoài với giá 500 USD/ngày tới xưởng làm.
Tận dụng các mối quan hệ có sẵn, anh nhận được đơn hàng đầu tiên với số lượng 30.000 sản phẩm. Nhận đơn hàng, anh vừa mừng, vừa lo vì số lượng quá lớn. Dù vậy, anh vẫn quyết tâm thực hiện, với nhận định đây là bước mạo hiểm cần thiết để tiến gần tới thành công hơn.
Đến năm 2017, khi tìm được thêm nhiều khách hàng, anh Hoàng chủ động đầu tư thêm 4 máy và tự nhập giấy từ các nước Indonesia, Thái Lan, Mỹ… mà không thông qua bất kỳ bên thứ 3 nào. Năm 2018, khi nhu cầu sử dụng giấy tăng cao, Chính phủ cũng phát động nhiều chiến dịch vì môi trường, anh Hoàng quyết định thuê xưởng khoảng 500m2, nâng số máy lên 5 cái.
>>Alex Rodrigues chia sẻ bí quyết trở thành CEO công ty triệu USD
"Lúc đó tôi mạo hiểm, thế chấp tài sản gia đình để làm. Mỗi tháng nhập gần 200 tấn giấy, chi phí từ 20-42 triệu đồng/tấn", anh Hoàng nói.
Đến tháng 6/2019, anh một mình len lỏi vào các khu chợ trên địa bàn TPHCM chào mời ly giấy. Xác định được đối tượng khách hàng, anh nhanh chóng tiếp cận được các tiểu thương để đưa hàng về bán ở các tỉnh miền Tây. Không lâu sau, anh đã có được hơn 120 đại lý lớn, nhỏ nhập ly, tô, hộp giấy.
Tính đến hiện tại, doanh nghiệp của anh Hoàng đã có 30 máy, hơn 70 nhân sự đủ sức cung cấp ra thị trường từ 10-12 triệu sản phẩm/ngày. Dự tính, tháng 1/2023, anh chính thức chuyển sang nhà xưởng mới rộng đến 3.000m2, tiến gần hơn với giấc mơ đưa sản phẩm giấy của người Việt ra các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thành công nhờ… không biết gì
Anh Nguyễn Trọng Hoàng bộc bạch, anh chưa từng coi bản thân là chủ và các công nhân là người làm thuê, mà xem họ như thành viên trong gia đình. Thời gian đầu khởi nghiệp, anh và vợ chủ yếu sống tại xưởng, ngày chỉ ngủ vài tiếng. Các công đoạn cắt giấy, chạy máy, đều có anh Hoàng tham gia.
"Công nhân làm gì thì tôi làm đó. Có lúc tôi còn phải hỏi ngược lại vì có những cái mình không biết. Nhờ vậy nên mọi người nhiệt tình chia sẻ. Còn nếu chỉ suy nghĩ với vai trò lãnh đạo với nhân viên thì điều này rất khó xảy ra", anh Hoàng tâm sự.
Ngoài ra, trong đợt dịch vừa qua, đơn vị của anh Hoàng vẫn trả lương 50% cho công nhân ngưng việc, 70% cho những người làm online. Con của công nhân khi học đến cấp 3, đại học, anh Hoàng đều cấp học bổng hỗ trợ. Nếu cần xe đi lại, anh Hoàng cũng bỏ tiền túi ra mua tặng.
Không những vậy, anh Hoàng cũng thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện. Suốt 18 năm hoạt động trong Thành đoàn, anh Hoàng từng là Trưởng phòng hỗ trợ đời sống sinh viên của Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM. Cho đến khi trở thành doanh nhân, anh vẫn chưa dừng "đam mê" hoạt động thiện nguyện.
"Mỗi tháng, tôi đi làm thiện nguyện ít nhất 4 ngày. Ngày nào tôi cũng nhắn tin kêu gọi ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn, hay cứ anh em nào cần hỗ trợ là tôi giúp ngay. Chắc làm thiện nguyện đã thành việc ăn sâu vào máu rồi", anh Hoàng cười vui.
Đến hiện tại, các chương trình như Quỹ học bổng thắp sáng ước mơ của Tỉnh đoàn Tây Ninh, Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh, Chuyến xe mùa Xuân cho công nhân… đều có sự tham gia của anh Hoàng. Trong đợt dịch, anh cũng đã tặng hơn 3 triệu sản phẩm ly, tô, hộp giấy cho các bệnh viện dã chiến ở TPHCM, Đà Nẵng, Hải Dương,…
Có thể bạn quan tâm