Sứ mệnh mới của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia gắn liền với sứ mệnh tiên phong về phong trào khởi nghiệp nước nhà, là tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay.
>> “Người thắp lửa” cần đổi mới sáng tạo
Hành trình 20 năm bền bỉ
Năm 2022 – tròn 20 năm Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia (CTKNQG) được triển khai sâu rộng đến khắp các tỉnh thành. Đến nay, Chương trình vẫn tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị triển khai các hoạt động khởi nghiệp lâu năm nhất, bền bỉ nhất, nơi đề xuất và tạo môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động, trở thành địa chỉ tin cậy để các startup gửi trọn niềm tin.
Từ những nỗ lực không ngừng để kết nối cộng đồng khởi nghiệp, đến nay, CTKNQG đã thu hút và phát triển được mạng lưới ở gần 150 trường đại học, cao đẳng trong cả nước, phối hợp tổ chức triển khai ở 40 tỉnh/ thành, từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ có vậy, hiện nay CTKNQG cũng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNDP, Hack4... Với mạng lưới sâu rộng, Chương trình đã mang đến cơ hội cho rất nhiều đối tượng khác nhau được tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp.
Những dấu vàng son
Để hoàn thành sứ mệnh của mình, những năm gần đây CTKNQG đã triển khai các hoạt động theo hướng đổi mới sáng tạo (ĐMST), có điểm nhấn và bắt kịp với xu thế của xã hội. Trong gần 2 năm, Diễn đàn Doanh nghiệp - Đơn vị thường trực tổ chức CTKNQG, đã phối hợp cùng Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tư vấn cho 06 tỉnh/thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đồng Nai,…
Bên cạnh đó, CTKNQG cũng đề cao việc đào tạo cho doanh nghiệp, cố vấn, huấn luyện... Các khóa đào tạo đều dựa theo những định hướng phát triển chung của Chính phủ ban hành, điển hình như các khóa đào tạo về Khởi nghiệp tạo tác động xã hội, Kinh doanh liêm chính, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đào tạo cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST)…
Các tọa đàm, hội thảo, diễn đàn, kết nối các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng được tổ chức tích cực để kịp thời nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái, từ đó tạo ra nguồn lực to lớn hỗ trợ cộng đồng, nổi bật như các Diễn đàn khởi nghiệp Quốc tế: Doanh nghiệp trẻ và những nỗ lực vượt khó do COVID-19 và Tuân thủ và liêm chính tạo nền tảng cho khởi nghiệp thành công. Không chỉ kêu gọi được các nguồn lực trong nước, các sự kiện này còn huy động thêm các nguồn lực nước ngoài, góp phần rất lớn cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
>> Điểm sáng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại miền Trung
Hay như Diễn đàn Khởi nghiệp cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương đã giúp Lãnh đạo các Tỉnh/Thành phố nắm rõ hơn về vai trò, phương pháp và mô hình xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ KNĐMST cho địa phương; Thúc đẩy cùng triển khai chương trình Quốc gia về Đổi mới sáng; Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp theo các vùng kinh tế...
Chương trình Phát triển Dự án khởi nghiệp Quốc gia cũng là một dấu son đỏ của CTKNQG khi đã tổ chức đào tạo, cố vấn và huấn luyện khởi nghiệp cho khoảng 300 các bạn thanh niên, sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp được cố vấn hoạt động hiệu quả cũng thu hút nhiều lao động làm việc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Kiến nghị chính sách
Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương: Mặc dù các tỉnh thành đã có những thành tố của hệ sinh thái nhưng chưa thể liên kết và phát huy thế mạnh giữa chúng với nhau. Hiện, mỗi tỉnh đang xây dựng hệ sinh thái ĐMST theo một hướng và mô hình khác nhau. Do đó, cần có bộ đo lường chỉ số ĐMST (KPI) của các địa phương và quốc gia, từ đó nhận diện được những điểm mạnh yếu của từng địa phương, có định hướng xây dựng thể chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.
Cơ chế SANDBOX: Thực tế, những sản phẩm ĐMST như fintech hay sản phẩm công nghệ khác nếu theo thể chế của Việt Nam ở thời điểm hiện tại sẽ khó gia nhập thị trường, nhất là chưa tạo môi trường chắc chắn cho các nhà đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp rất cần một sandbox - cơ chế thử nghiệm cho mô hình mới. Bộ Khoa học Công nghệ cùng các cơ quan khác cần nghiên cứ ban hành cơ chế này. Bởi nếu không được kinh doanh ở Việt Nam, những ý tưởng dễ bị thu hút và chuyển sang các nước khác. Cuối cùng, những ý tưởng sáng tạo mà ta đã tốn công sức khơi dậy, tìm ra hạt giống thì không giữ được ở Việt Nam.
>> Khung pháp lý cho khởi nghiệp
Hỗ trợ quỹ đầu tư: Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo, nhưng vẫn còn rào cản như: Quỹ đầu tư KNĐMST không có tư cách pháp nhân, tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn, không đầu tư quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp ĐMST... Còn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có hướng dẫn về hạch toán kế toán, cách kê khai và nộp thuế theo pháp luật về thuế. Quỹ đầu tư ĐMST tư nhân chưa có hướng dẫn cụ thể về quá trình thành lập; Quy trình startup tiếp cận vốn của Quỹ SMEDF, Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ …khá mất thời gian.
Khởi nghiệp ĐMST mở: Để có một hệ sinh thái mở, Việt Nam cần tạo thêm nguồn lực khác như: Cơ chế mới thử nghiệm cho mô hình mới; Chính phủ phải là nơi đầu tiên sử dụng các sáng kiến công nghệ mới; Thúc đẩy chương trình “startup visa”, hiện nay, 6 tháng/lần chúng ta phải xin phép cho sự chuyển dịch giữa các startup với nhà huấn luyện và nhà đầu tư nước ngoài, điều này rất khó cho các chuyên gia nước ngoài, kể cả Việt kiều muốn hỗ trợ khởi nghiệp; Crownfunding - cần có cơ chế thử nghiệm để mỗi người dân đều có thể trở thành nhà đầu tư thiên thần cho startup…
>>Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo
Tôn vinh các champion khởi nghiệp: Champion được hiểu là cá nhân mang tính dẫn dắt để kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái đến mạng lưới nhà đầu tư, chuyên gia… Ở góc độ địa phương, ta đang thiếu các Champion dù có nhiều cá nhân đi học các khóa huấn luyện liên quan tới ĐMST. Họ cần có mặt ở ngay giai đoạn mà khi đang chuẩn bị hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Với những kết quả đã đạt được cùng các kiến nghị, bước sang năm 2023, với sự bền bỉ của hành trình 20 năm tiên phong, Chương trình KNQG sẽ tiếp tục triển khai các nội dung về khởi nghiệp ĐMST tạo tác động xã hội, khởi nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững và triển khai mạnh mẽ các hoạt động về khởi nghiệp liêm chính bên cạnh việc kêu gọi đầu tư mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp sáng tạo nơi dành cho các bạn trẻ
18:40, 21/12/2022
Phát động Chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023
19:05, 20/12/2022
KHỞI NGHIỆP QUỐC GIA: Đa dạng hóa nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
17:09, 20/12/2022
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp sáng tạo nơi dành cho các bạn trẻ
18:40, 21/12/2022
Phát động Chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023
19:05, 20/12/2022
KHỞI NGHIỆP QUỐC GIA: Đa dạng hóa nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
17:09, 20/12/2022
Có thể bạn quan tâm