Truyền thông số - Cơ hội hay nước đi “đốt tiền” của startup
Là xu thế mới hiện nay và mang lại những hiệu quả bất ngờ, nhưng nếu chạy đua theo truyền thông số mà không định hướng nghiêm túc sẽ là muối bỏ bể đối với doanh nghiệp nhỏ/doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cơ hội
Trước đây, các doanh nghiệp mới rất khó để tạo dấu ấn trên thị trường hoặc giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm mới, nhưng hiện tại, những doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn toàn có thể cạnh tranh với các thương hiệu lâu đời nhờ truyền thông mạng xã hội.
Mạng xã hội cho phép các doanh nghiệp tương tác với khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Như việc startup có thể nhắm mục tiêu người dùng của mình ở các địa phương khác nhau, các vùng miền khác nhau và cả các quốc gia khác nhau thông qua quảng cáo chỉ bằng một vài cái nhấp chuột. Những khách hàng chưa từng nghe nói về sản phẩm của startup giờ đây cũng có thể nhìn thấy nó, biết về nó…từ đó cũng sẽ có những nhận thức về thương hiệu. Đây rõ ràng là lợi thế với các startup khi Việt Nam vẫn được biết đến là quốc gia có lượng người sử dụng mạng xã hội thuộc TOP nhanh nhất thế giới.
>> Truyền thông số - chìa khóa mở cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo ông Nguyễn Bão Quốc - Founder & CEO Công Ty TNHH Giải Pháp Tư Vấn Và Đào Tạo BQ: “Khi internet phát triển mạnh mẽ, nhiều công cụ trực tuyến hỗ trợ truyền thông và marketing ra đời (Digital media, điều đó đã thay đổi toàn bộ cục diện marketing và truyền thông. Các công cụ truyền thông trực tuyến bao gồm, website, blog, youtube, mạng xã hội, Podcast…đang ngày càng lớn mạnh và định hướng ngành truyền thông và marketing chuyển dịch từ outbound sang inbound, giúp cho doanh nghiệp tối ưu được chi phí hơn rất nhiều.”
Theo nghiên cứu dữ liệu gần đây từ tạp chí Forbes, việc có sự hiện diện của doanh nghiệp trên mạng xã hội có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của một công ty khởi nghiệp nhanh gấp 10 lần, mà ngân sách tiếp thị ít hơn so với hình thức truyền thống. Điểm hay ở chỗ, chủ doanh nghiệp có thể chạy các chiến dịch quảng bá thương hiệu của mình trên các nền tảng mạng xã hội có chung một đối tượng, nghĩa là một người có thể nhìn thầy thương hiệu ở nhiều nền tảng khác nhau. Ở cấp độ cá nhân, truyền thông mạng xã hội giúp phân tích hành vi, nhu cầu của họ phản hồi ngược lại cho doanh nghiệp.
Có thể khẳng định, việc cập nhật xu hướng phát triển truyền thông số là nước đi quan trọng mà startup không thể bỏ qua. Chúng ta thấy sự bùng nổ của video ngắn được dựng hấp dẫn, dễ hiểu, để quảng cáo mang đến trải nghiệm tốt hơn so với quảng cáo truyền thống. Hay tính năng livestream giúp tăng tương tác thật giữa người dùng và doanh nghiệp cũng ngày càng phổ biến.
Nhưng cũng dễ sai đường
Chạy đua theo truyền thông số, nếu không định hướng nghiêm túc sẽ là “muối bỏ bể” đối với doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Cuộc cách mạng này đang có sự phân hóa rõ rệt giữa những lãnh đạo có tầm nhìn, có tư duy thay đổi và bắt kịp xu thế với những chủ doanh nghiệp chỉ có thuần chuyên môn, chưa có sự nhạy bén và bắt kịp xu hướng xã hội.
Ông Quốc chia sẻ thêm, thực tế hiện nay có những doanh nghiệp sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để làm trang web nhưng chưa thực sự hiểu hết là website, fanpage, youtube… hay những việc đó hỗ trợ được những gì cho doanh nghiệp. Và chưa biết nên dùng khoảng ngân sách cụ thể như thế nào để phát triển nó. Dẫn đến rất nhiều website được lập lên nhưng không có ai truy cập vào và cũng không mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp ngoài “đốt” tiền.
Bàn luận thêm về nội dung này, bà Vũ Thị Liễu, CEO Công ty Cổ phần nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco (ECOSOI) trao đổi: “Đúng là truyền thông trên mạng xã hội sẽ tiếp cận được với nhiều đối tượng nhưng nếu đối tượng đó không phải là khách hàng tiềm năng thì sự tiếp cận đó là vô nghĩa lúc đó, truyền thông trở thành con số 0.Hiện chúng tôi đã và đang sử dụng phương thức truyền thông trên các trang mạng xã hội, số lượng người quan tâm và tiếp cận tăng theo thời gian, tuy nhiên tỉ lệ trở thành khách hàng, đơn hàng là chưa được như kỳ vọng.Chúng tôi vẫn phải hợp tác với nhiều ứng dụng app khác nhau theo chiều hướng cộng sinh”.
Bà Vũ Huệ - chủ doanh nghiệp kinh doanh thiết bị điện tử chia sẻ: “Từ khi quảng cáo sản phẩm trên các mạng xã hộisố, khách hàng biết đến mình nhiều hơn. Tuy nhiên, chiến lược quảng cáo của doanh nghiệp mới chỉ là vừa làm vừa học hỏi chứ chưa có sự đào tạo một cách bài bản nên chưa có sự sáng tạo cũng như cập nhật mới vơi những thuật toán mới của các nền tảng truyền thông số như Facebook, Tiktok... Nhiều khi doanh nghiệp chuẩn bị cho đợt truyền thông để bắt trend với xu thế nhưng chưa kịp ra thì đã xuất hiện trend mới. Sự nắm bắt công nghệ truyền thông của doanh nghiệp mình đến nay vẫn chỉ vừa làm học hỏi.
Một số giải pháp:
Để hỗ trợ các startup trong vấn đề này, Ông Nguyễn Bão Quốc đã đưa ra một số các giải pháp và phân tích ưu, nhược điểm để giúp doanh nghiệp dễ dàng cân nhắc và lựa chọn:
Website, đây là một cách thức truyền thông khá phổ biến khi có thể đưa được nhiều dữ liệu, thông tin của doanh nghiệp lên web, tuy nhiên có những doanh nghiệp chưa thực sự định hình được nên làm website theo hướng gì: website thông tin, website bán hàng, hay website theo hướng diễn đàn, mạng xã hội… bởi mỗi chức năng tương ứng với một chiến lược truyền thông khác nhau. Cụ thể, nếu là website bán hàng thì ưu tiên cho những trải nghiệm mua hàng của khách hàng hơn, nếu là thông tin thì tập trung chia sẻ những thông tin hữu ích, khai thác từ khóa mà khách hàng yêu thích hoặc hay tìm kiếm để dễ đạt SEO, SEM. Bên cạnh đó, để có một website chuẩn thì doanh nghiệp cần làm tốt 02 nội dung: Xây dựng khung phát triển web ban đầu, mà khung này cần sự am hiểu về UX -User Experience (trải nghiệm người dùng)/UI-(User Interface (giao diện người dùng). Rồi kế tiếp định hướng phát triển nội dung (content marketing) theo chiến lược đã được nghiên cứu (nội dung có thể: bài viết, hình ảnh, video,...)
Ebook chia sẻ kiến thức, ở hình thức này doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu sâu, đóng gói những kinh nghiệm, trải nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của mình thành tài liệu, thiết kế tài liệu một cách cuốn hút thông qua hình ảnh, format, bố cục và chia sẻ đến khách hàng tiềm năng hoặc khách hàng đang cần kiến thức này. Ưu điểm của hình thức là định vị thương hiệu rất tốt vì nó là cách thức truyền thông, marketing trực tiếp. Nhưng nhược điểm là tốn chi phí, thời gian (chi phí cho nhân sự, chi phí in ấn nếu cần, chi phí nghiên cứu...)
Xây dựng cộng đồng số, giờ đây chúng ta dễ dàng tạo dựng cộng đồng riêng theo sở thích, ngành nghề, đam mê… trên nền tảng số. Có rất nhiều công cụ miễn phí giúp doanh nghiệp làm được việc này như group zalo, group/fanpage facebook, group telegram, group viber... Nhưng làm sao duy trì được nó hoạt động liên tục và tương tác tốt là một bài toán không hề dễ. Để làm được điều này thì chủ doanh nghiệp/người phụ trách cần liên tục sáng tạo nội dung mà cộng đồng quan tâm, liên tục cung cấp các giá trị hữu ích cho cộng đồng.
Mail marketing, đây là công cụ hoàn toàn miễn phí và có sức mạnh lớn, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng. Nhưng vì chưa thực sự có chiến lược, kịch bản tạo nội dung mail và tạo phễu rõ ràng nên đa phần email đều bị spam. Cái khó nhất để làm email marketing là phải có dữ liệu database khách hàng được chọn lọc phù hợp với ngành nghề kinh doanh của công ty và kịch bản sáng tạo nội dung cụ thể đối với từng đối tượng người đọc. Ngoài ra, có một số công cụ hỗ trợ đánh giá tỷ lệ phản hồi mail, mở mail để giúp doanh nghiệp đo lường được hiệu quả truyền thông và marketing bằng email.
Tạo ra nội dung số (bài viết, video, audio viral), ưu điểm của hình thức này dễ tạo thành xu hướng với cộng đồng và dễ đạt các đỉnh cao của chiến dịch truyền thông, marketing. Nhưng cũng có nhược điểm là cần sự đầu tư con người, máy móc, kịch bản, nội dung....và sự sáng tạo.
Việc xây dựng chiến lược truyền thông số cũng giống như đi xây dựng kế hoạch kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào, nó phải có đủ dữ liệu đầu vào, các mục tiêu mong muốn đạt được, công cụ nào sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu đó, ngân sách chi cho hoạt động truyền thông số này chiếm bao nhiêu % doanh thu dự kiến mang về. Và công cụ nào để đo lường một chiến lược như vậy có đạt được kết quả kỳ vọng không. Nếu không thực sự kiểm soát được như vậy thì chính xác là doanh nghiệp đang làm một việc như muối bỏ bể.
Để thành công trong bối cảnh truyền thông kỹ thuật số ngày nay, các công ty khởi nghiệp cần tập trung vào việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ độc đáo, thiết lập bản sắc thương hiệu riêng của mình.
Nếu bạn đang bắt đầu khởi nghiệp, sử dụng truyền thông số giúp bạn phát triển thương hiệu của mình. Tuy nhiên bạn cần phải đầu tư một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp để đưa thương hiệu lên một tầm cao mới. Chưa kể đến, mạng xã hội thay đổi liên tục, và cũng là một con dao hai lưỡi, nếu không nhạy bén Startup rất dễ bị tụt hậu hoặc khủng hoảng truyền thông.
Có thể bạn quan tâm