Triết lý “rừng mưa” cho khởi nghiệp
Triết lý ở Rừng Mưa được tác giả nhấn mạnh ở sự tham gia của các thành phần mà nếu thiếu đi một trong các yếu tố đó, chắc chắn việc xây dựng hệ sinh thái khó thành công.
>>Điểm sáng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại miền Trung
Sách Rừng Mưa mô tả về cách hình thành nên hệ sinh thái startup và đổi mới sáng tạo, trong đó có những thay đổi từ cách quản lý của xã hội đến việc xây dựng lòng tin. Mỗi CEO có thể xem đó là chuẩn mực đạo đức trong khởi sự kinh doanh để cùng nhau Win-Win.
Từ câu chuyện thực tiễn
Lâm Đồng là một trong không nhiều địa phương đã sớm cụ thể hóa Quyết định 844/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016. Chưa đầy 1 năm sau, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 740 về Đề án hỗ trợ khởi nghiệp toàn diện trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Nếu so sánh tại thời điểm năm 2017, tỉnh Lâm Đồng ban hành chính sách ưu đãi về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khởi nghiệp (vay không lãi suất trong thời gian 5 năm, được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư 3% nếu vay tiếp ngân hàng), hỗ trợ miễn phí và chi phí vận chuyển doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia hội chợ thương mại… Những chính sách này được đánh giá rất hấp dẫn vì cả nước chưa có nhiều địa phương ban hành chính sách ưu đãi như vậy.
“Rất tiếc sau 6 năm, Lâm Đồng chưa thực hiện được và đã có vấn đề. Lỗi do thiếu hẳn một cơ quan điều phối đủ quyền hạn và trách nhiệm. Hơn nữa, bộ máy của cơ quan điều phối cũng cần có khát vọng tuy không như các nhà khởi nghiệp. Họ cần suy nghĩ rằng nếu sử dụng các nguồn lực của hệ thống các cơ quan của Nhà nước trao cho, đưa được một ý tưởng đổi mới sáng tạo vào thực tế thì những con người trong bộ máy đó sẽ góp một phần đáng kể trong việc làm cho quốc gia thịnh vượng… Tiếc nữa rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Lâm Đồng rất ít người có suy nghĩ như vậy. Họ chỉ nghĩ rằng làm công việc đó theo nhiệm vụ hành chính bình thường thôi” - ông Trương Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng trải lòng.
Soi triết lý Rừng Mưa
Nói về định hướng, ông Trương Văn Đức cho biết: “Tới đây, chúng tôi cũng phải thay đổi theo mô hình của Rừng Mưa, nghĩa là cần phát huy hết tất cả các nguồn lực hiện có thông qua mối quan hệ hợp tác để có hiệu quả lâu dài”. Quan điểm của ông gần giống với triết lý của Rừng Mưa, đó là: “Chuyện khởi nghiệp thành công phụ thuộc một cách nghiêm túc vào cách tương tác của con người”. Các nhà khởi nghiệp cần đến sự hỗ trợ của hệ sinh thái xung quanh, giúp cho ý tưởng ra thị trường phù hợp hơn, đúng thời điểm hơn.
Sách Rừng Mưa còn mang đến cho người đọc những bí quyết để xây dựng mô hình phát triển, cách thức xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà trong đó nòng cốt là con người, giá trị văn hóa,… Điều này cũng đã có phần nào tương tự với câu chuyện hỗ trợ khởi nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, đồng với quan điểm “Nền văn hóa cải tiến thực sự đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những bản năng sâu xa nhất của con người” - ở trang 112.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Người Huế rất dè dặt trong sự phát triển, không mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh để đổi mới sáng tạo nhưng họ có tiềm lực. Sự phát triển nóng của đô thị hóa làm cho Huế chậm hơn so với các đô thị khác do phải bảo tồn nền văn hóa Cố Đô. Triết lý Rừng Mưa đã gợi mở nhiều hướng, mở ra sự kết nối của các bên mà Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết phát triển nhanh trên nền tảng văn hóa và phát triển bền vững trên nền tảng tri thức.
Có thể bạn quan tâm