“Đòn bẩy” phát triển kinh tế, xã hội vùng
UBND tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch số 152/KH-UBND về “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”...
>>Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Nguồn lực cho sự phát triển của quốc gia
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được ví như “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng, là tiền đề tạo ra lớp doanh nghiệp mới có sức tăng trưởng nhanh... Đó là chia sẻ của ông Trần Minh Hoan – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định với DĐDN.
- Thưa ông, được biết thời gian qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã thực hiện việc hỗ trợ, xây dựng và vận hành hệ sinh thái KNĐMST địa phương nhưng còn thiếu tính kết nối, thống nhất và đồng bộ?
Đúng vậy, theo tôi để phát triển hệ sinh thái KNĐMST vùng đồng bằng sông Hồng, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương cần tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết, trao đổi kinh nghiệm, đưa hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ngày càng phát triển hiệu quả tại mỗi địa phương.
Hợp tác cùng đề xuất Bộ KH&CN đầu tư xây dựng Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ KNĐMST vùng với đầy đủ các hạng mục bao gồm cả khu ươm tạo công nghệ và khu không gian sáng tạo để các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhóm/cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp trong vùng có thể sử dụng; Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN của các sở đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ KNĐMST thông qua đề án 844.
Phối hợp triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức, hội thảo, sự kiện cho các thành phần của hệ sinh thái KNĐMST; Đưa ra các giải pháp hỗ trợ chuyên sâu cho các doanh nghiệp KNĐMST địa phương phát triển sản phẩm và thị trường, hỗ trợ tiếp cận công nghệ, khoa học, kết nối đầu tư và kinh doanh với các Quỹ đầu tư, Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên địa bàn địa phương, luân phiên định kỳ tổ chức Techfest vùng đồng bằng sông Hồng trong các kỳ giao ban khoa học công nghệ vùng để giới thiệu và kết nối các sản phẩm KNĐMST.
- Nhiều chuyên gia cho rằng, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tại tỉnh Nam Định chưa phát triển mạnh và thiếu tính liên kết, ông có suy nghĩ gì về nhận xét trên, thưa ông?
Trong thời gian vừa qua, hoạt động KNĐMST của tỉnh Nam Định mới chỉ dừng ở việc thực hiện theo các văn bản của Trung ương, chưa có các chương trình cụ thể triển khai thực hiện theo Đề án 844.
Việc nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mới thực hiện bước đầu với các hoạt động tập huấn, tuyên truyền mà thiếu các phong trào, các hoạt động thiết thực mang lại các kết quả cụ thể nhằm thay đổi nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và toàn xã hội về ĐMST và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động KNĐMST của tỉnh thiếu tính liên kết, chưa tiếp cận sâu rộng với mạng lưới KNĐMST Quốc gia, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu chưa được phát triển.
Với thực trạng hoạt động KNĐMST còn khá mới mẻ, việc từng bước xác định lộ trình để xây dựng hệ sinh thái tại Nam Định để đảm bảo bền vững và bắt kịp với xu thế chung của trong nước và quốc tế là hết sức cần thiết.
- Ông có thể chia sẻ kế hoạch và mục tiêu của tỉnh trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương trong thời gian tới?
Ngày 20/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 152/KH-UBND về “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đề ra các mục tiêu: Triển khai nội dung của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh; Xây dựng hệ sinh thái KNĐMST tạo tỉnh; Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; Phát huy tối đa sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các trường Đại học, Cao đẳng tổ chức kinh tế, xã hội, nghề nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư để hỗ trợ phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Các doanh nghiệp KNĐMST phải là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ trong nền kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và KNST trong cộng đồng. Nam Định sẽ ký kết hợp tác với các đơn vị trong Hệ sinh thái ĐMST Quốc gia, đây là tiền đề cho cam kết phát triển mạnh mẽ Hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh Nam Định.
- Được biết, từ ngày 10 – 12 tháng 5/2023, Nam Định lần đầu tiên đăng cai tổ chức Techfest vùng đồng bằng sông Hồng với nhiều hoạt động. Xin ông cho biết cụ thể hơn về sự kiện này?
Techfest vùng đồng bằng sông Hồng là sự kiện lớn nằm trong chuỗi hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2023 tại tỉnh Nam Định do UBND tỉnh Nam Định, Bộ KH&CN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức với chủ đề "THÀNH NAM KHƠI NGUỒN SÁNG TẠO - ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG KIẾN TẠO TƯƠNG LAI".
Dự kiến có hàng ngàn lượt doanh nghiệp và người dân tham dự, tạo không khí sôi động, thể hiện sự quyết tâm và tinh thần chung sức thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, từ khối cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội tới khối doanh nghiệp trong và ngoài nước của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
11/5: Diễn đàn cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng
17:00, 25/04/2023
Đà Nẵng phát động Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2023
08:04, 02/04/2023
Việt Nam - Lào chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
15:28, 04/04/2023