Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một bộ phận không thể thiếu trong tiến trình xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
>>Sở KH&CN Nam Định ký bản ghi nhớ với các đơn vị trong hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia
Tùy vào từng tỉnh/thành mà mỗi địa phương đặt cho Trung tâm những tên gọi khác nhau như: Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (ĐMST), Trung tâm sáng kiến Cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp, thậm chí Ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...
Ra đời theo yêu cầu địa phương
Dù dưới tên gọi nào, các trung tâm/đơn vị này có chức năng hoạt động cơ bản giống nhau, đều hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thúc đẩy đổi mới công nghệ; tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh; kết nối, khai thác, hợp tác để thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các chương trình, đề án, dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, tham mưu và tổ chức sự kiện khởi nghiệp.
Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP Hải Phòng cho biết: Với tinh thần “lượng đổi rồi chất sẽ đổi”, TP Hải Phòng đã khẩn trương thành lập Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST trực thuộc Sở KHCN. Từ năm 2017, khi mới ra đời Trung tâm đã xây dựng kế hoạch triển khai cho năm 2020 và xa hơn. Ngoài chức năng hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST thành phố, Trung tâm có nhiệm vụ: tư vấn khởi nghiệp ĐMST, xây dựng mạng lưới cố vấn, mạng lưới nhà đầu tư, kết nối với các trường đại học…
“Đến thời điểm này, nguồn doanh nghiệp KHCN của thành phố đa phần xuất phát từ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong số 108 doanh nghiệp sáng tạo được thành lập mới, có 8 doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp KHCN. Năm 2020, TP Hải Phòng đạt danh hiệu Địa phương có đóng góp cho xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST do VCCI, Bộ KH-CN cùng phối hợp bình chọn”, ông Tuấn chia sẻ.
>>KHỞI NGHIỆP VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG: Tạo "bệ đỡ" cho các doanh nghiệp khởi nghiệp
Hoạt động gắn với chiến lược
Đến giờ, rất nhiều trung tâm đều đang triển khai hiệu quả và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do quy định không phát sinh thêm đầu mối các đơn vị sự nghiệp, nên các trung tâm vẫn chỉ là đơn vị cấp phòng, trực thuộc đơn vị của Sở. Điều này tạo nên những rào cản không nhỏ trong quá trình triển khai, vận hành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương.
Vì vậy, để Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST thực sự là bệ phóng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, khu vực và trên cả nước nói chung, các trung tâm khởi nghiệp rất cần có cơ chế, nguồn lực đủ mạnh, đồng thời kết nối mạnh mẽ với Trung tâm quốc gia và các tỉnh khác. Bên cạnh đó, việc chú trọng đào tạo và xây dựng mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tại chỗ gắn với thu hút các huấn luyện viên, các nhà đầu tư tâm huyết rất quan trọng.
Để làm được điều đó, ông Trần Quang Tuấn đề xuất: “Chính phủ cần có sự định hướng mục tiêu khởi nghiệp sáng tạo cụ thể cho các địa phương, bởi không thể dàn hàng ngang để đi. Chính phủ cũng đã công bố quy hoạch chung TP Hải Phòng, theo đó, đặt mục tiêu lớn hơn nữa, trở thành thành phố quốc tế đến năm 2040. Vì vậy, Hải Phòng cần xây dựng chiến lược phát triển KHCN, hướng đến phát triển KHCN của vùng”.
Đồng thời, ông Tuấn kiến nghị Bộ KH-CN cần có sự phân công, hoạch định trọng tâm cho mỗi tỉnh thành. Cụ thể, Hải Phòng phát triển công nghệ cao, dịch vụ cảng biển logistic… Bên cạnh đó, Bộ KH-CN cần rà soát lại các chính sách đang bị hạn chế, giúp doanh nghiệp có thêm sự hỗ trợ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Có thể bạn quan tâm