Startup Anh-Nhật phối hợp làm nhà máy điện hạt nhân nổi
Startup Core Power của Anh phối hợp 13 doanh nghiệp Nhật Bản triển khai một dự án phát triển nhà máy năng lượng hạt nhân nổi, với số tiền đầu tư khoảng 80 triệu USD.
>>Startup Zoomcar của Ấn Độ dừng hoạt động tại Việt Nam
Thành lập năm 2018, Core Power là một startup tập trung phát triển mảng nhà máy năng lượng hạt nhân nổi. Tính đến nay Core Power huy động được 100 triệu USD tiền vốn và phần lớn công ty này thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Hiện nay nhu cầu về năng lượng hạt nhân đang tăng cao trên phạm vi toàn cầu, do đó các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn có thể tham gia nhiều hơn vào các quá trình phát triển công nghệ ở những lĩnh vực mà các nước khác đang có ưu thế, chẳng hạn lò phản ứng hạt nhân mô đun, để từ đó có thể tự mình lĩnh hội tinh hoa trong các công nghệ ấy.
Để phát triển được nhà máy năng lượng hạt nhân nổi, Core Power sẽ hợp tác với TerraPower (một công ty của Mỹ sở hữu bởi tỷ phú Bill Gates), công ty Southern (Mỹ) và công ty Orano (Pháp).
Nhà máy năng lượng hạt nhân trên biển sở hữu khá nhiều ưu điểm so với các mô hình truyền thống.
Về mặt lý thuyết, nhà máy năng lượng hạt nhân nổi có thể đặt tại mọi nơi trên biển, vì nó… nổi, và động đất không gây ra ảnh hưởng mạnh đến nó. Các chuyên gia nhận định rằng các nhà máy kiểu này cũng có thể chịu được sóng thần nếu đặt ngoài khơi xa. Vì địa hình của Nhật có nhiều đảo, do đó “nhà máy năng lượng hạt nhân nổi” sẽ là một sản phẩm có tiềm năng phát triển tại quốc gia này.
Các lò phản ứng thuộc dự án của Core Power là lò phản ứng nhanh chloride nóng chảy, một kiểu của lò phản ứng mô đun nhỏ. Nó sử dụng nhiên liệu lỏng, nhiệt độ sôi cao, có thể hoạt động ở áp suất bình thường. Với đặc tính này, hệ thống sẽ không cần thiết bị điều áp, thứ bắt buộc phải có trong những nhà máy năng lượng hạt nhân nhiên liệu rắn truyền thống. Đồng thời điều này cũng giúp các nhà máy kiểu mới thu nhỏ diện tích, giảm nguy cơ tai nạn như nóng chảy hoặc phát nổ.
Mỗi lò có công suất 300.000 kilowatt. Tức là từ 3 đến 4 lò sẽ cho ra lượng điện tương đương với nhà máy truyền thống, khoảng 1 triệu kilowatt.
Một điều hấp dẫn khác của mô hình nhà máy năng lượng hạt nhân kiểu mới này là đa số thành phần cần có trong nhà máy có thể được sản xuất hàng loạt. Không chỉ vậy chi phí xây dựng ước tính chỉ bằng một nửa so với nhà máy trên mặt đất, thời gian xây dựng cũng rút ngắn 70%.
Nếu các công ty Nhật Bản hứng thú với công nghệ nhà máy hạt nhân nổi của Core Power, thì ngược lại Core Power nhắm đến công nghệ đóng tàu của Nhật Bản. Startup này hy vọng có thể hợp tác với các công ty liên quan nhằm phát triển các thiết bị nổi phục vụ dự án nhà máy năng lượng hạt nhân kiểu mới.
Theo kế hoạch, Core Power sẽ hạ thủy bản demo vào năm 2026, còn bản thương mại sẽ ra mắt trong khoảng từ 2030 đến 2032. Mục tiêu của startup này là đạt được thành tựu ở nước ngoài, sau đó mở rộng ở Nhật Bản.
Ước tính cho thấy phiên bản demo ngốn khoảng 50 tỷ yên (361 triệu USD). Core Power và ba công ty đối tác sẽ gánh phần chi phí này, còn tiền đầu tư từ các công ty Nhật Bản được dùng trong giai đoạn phát triển.
Hồi tháng 2, Nội các Nhật Bản thông qua Chính sách Cơ bản Chuyển đổi Xanh (GX). Theo đó Nhật Bản sẽ nỗ lực phát triển và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, bao gồm các lò mô đun nhỏ. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, Nhật Bản đã và đang chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên trên thực tế, quốc gia này vẫn không thể khởi động lại các nhà máy năng lượng hạt nhân hiện có nếu không được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi đặt các nhà máy.
Do đó, các công ty Nhật Bản mong muốn tìm ra những biện pháp để theo kịp các xu hướng công nghệ mới nhất của thế giới. Đây cũng là lý do Onomichi Dockyard đầu tư 1 tỷ yên vào Core Power, trở thành một trong 13 công ty Nhật Bản đầu tư vào dự án lần này.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, thế nhưng nhà máy năng lượng hạt nhân nổi vẫn sẽ phải đối mặt với các thách thức phi kỹ thuật. Chẳng hạn vấn đề về nguồn cung ứng để sản xuất hàng loạt phụ kiện cho nhà máy, hoặc các khó khăn từ quy định của chính quyền.
Có thể bạn quan tâm
Startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đà Nẵng được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng không hoàn lại
00:47, 17/05/2023
Startup Ethernovia nhận đầu tư 64 triệu USD để phát triển tốc độ dữ liệu ôtô
11:33, 16/05/2023
Cơ hội cho startup Đồng bằng sông Hồng khai thác tiềm năng mở ra kết nối vùng
15:40, 15/05/2023