Câu chuyện "vỡ đất", khởi nghiệp thành công từ cây chuối của thanh niên trẻ ở Nghệ An
“Chuối là cây không mới đối với bà con nông dân. Tuy nhiên, cây chuối của anh Chiến lại là một loài giống khác và với khả năng xuất khẩu có giá trị cao…”.
Ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ nói như vậy khi đánh giá mô hình trồng cây chuối cho thu nhập cao của anh Lê Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX chuối sạch Mỹ Thành, xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
“Vỡ đất” khởi nghiệp xanh
Qua lời giới thiệu của cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ, chúng tôi tìm về mô hình khởi nghiệp của chàng trai trẻ Lê Văn Chiến ở xã Đồng Văn. Câu chuyện vỡ đất khởi nghiệp của anh Chiến ở vùng đất khó tại Nghệ An cũng khiến nhiều người nể phục, tin theo.
Khi tiến hành “mục sở thị”, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi bạt ngàn màu xanh của chuối khiến ai nhìn cũng thấy mướt mát. Với hàng chục ha đất được quy hoạch trồng chuối, từ một mô hình nhỏ, anh Lê Văn Chiến đã nhân rộng loại cây này để giúp nhiều người dân địa phương thoát nghèo, cho thu nhập ổn định.
>>Nền kinh tế xanh bước đệm phát triển vững chắc cho dự án khởi nghiệp xanh
Gặp chúng tôi, anh Lê Văn Chiến kể, trong một lần theo chúng bạn vào miền Nam tìm việc, tôi tình cờ xin được việc vào làm tại một Công ty ở tỉnh Đồng Nai chuyên trồng và xuất khẩu chuối đi các nước trên thế giới. Sau khi vào làm việc tại đây, bản thân chợt nghĩ đến việc tại sao mình không thử đưa giống chuối này về quê mình trồng?
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Lê Văn Chiến quyết định đi gặp giám đốc của công ty mình làm thuê để trình bày ý tưởng. Tiếp đó, sau khi nghe được ý tưởng của cấp dưới của mình, giám đốc của Lê Văn Chiến đã nhiệt tình ủng hộ và sẽ tạo mọi điều kiện để anh trở về quê hương khởi nghiệp. Không chỉ vậy, khi được giám đốc công ty cam kết sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật và một số vật tư khác cùng với việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm, Lê Văn Chiến liền "khăn gói” để đưa giống chuối về quê hương lập nghiệp.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX chuối sạch Mỹ Thành kể lại rằng, khi bản thân được giám đốc bảo lãnh đầu ra, Chiến ôm mấy gốc chuối non, nhảy xe về quê ngay. Lúc đầu ai nhìn thấy cũng cười, họ ngạc nhiên lắm. Mình cứ lẳng lặng trồng thử đã. Và, chỉ sau một thời gian ngắn, Lê Văn Chiến đã gặt hái được nhiều thành công hơn cả mong đợi.
>>Khởi nghiệp xanh - hướng đi của tương lai
Từ mô hình trồng thử nghiệm trên 2ha đất, sau khi có hiệu quả về kinh tế, Lê Văn Chiến tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng chuối. Được Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX chuối sạch Mỹ Thành cam kết bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, 11 hộ dân ở Đồng Văn đã góp 6 ha đất để thành lập nên HTX chuối sạch Mỹ Thành.
Đến nay, về xã Đồng Văn, nhìn rừng chuối bạt ngàn màu xanh của HTX chuối sạch Mỹ Thành, ai cũng ấn tượng bởi phương pháp vỡ đất để thoát nghèo của người đân địa phương với mức thu nhập ổn định với lãi ròng hơn 350 triệu đồng/ha.
Kỳ vọng cây thoát nghèo của địa phương
Theo tính toán của anh Lê Văn Chiến, mỗi kg chuối có giá 5.000 đồng, mỗi buồng có trọng lượng bình quân là 16kg, vị chi mỗi buồng có giá khoảng 80.000 đồng. Trong khi đó, đối với đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây chuối do anh Chiến đem giống về nhân rộng, mỗi năm chuối lại cho thu hoạch 3 vụ nên hiện nay, loại cây này đang được nhiều hộ dân ở xã Đồng Văn học theo để trồng thay thế cây keo, tràm…
>>Khởi nghiệp xanh: Hành trình đưa nông sản Việt vươn tầm thế giới
Còn theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ cho biết, mô hình của HTX chuối sạch Mỹ Thành đang được kỳ vọng cây thoát nghèo của địa phương trong thời gian tới. Không chỉ vậy, mô hình này hiện đang trở thành “địa chỉ đỏ” để nhiều người trong vùng đến tham quan, học tập để phát triển.
Được biết, với hiệu quả bước đầu của mô hình trồng chuối sạch, HTX Mỹ Thành đã mở rộng trồng thêm được hơn 30 héc ta nữa vào cuối năm 2022, trong đó một phần diện tích đất là do các thành viên góp và một phần thì đi thuê lại đất của các hộ dân khác.
Tiếng lành đồn xa, hiệu quả kinh tế cao nên mô hình này của HTX chuối sạch Mỹ Thành được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp. Đơn cử, anh Ngô Anh Đức chủ một vườn cam nổi tiếng ở xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ hay tin HTX chuối của Chiến đã rất thành công đã đến xin chia sẻ, học tập kinh nghiệm với mong muốn thay đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao cho bà con ở xã mình.
Cũng theo anh Đức cho biết, ở xã Tân Phú, nhiều bà con cũng đang loay hoay với các loại cây trồng như mía, sắn, cây keo... nhưng xem ra cũng chưa có hiệu quả. Chính vì vậy, khi tận mắt chứng kiến mô hình trồng chuối sạch của Lê Văn Chiến, anh Đức nói với chúng tôi sẽ thử nghiệm giống chuối này trước để thuyết phục bà con trồng theo. Hy vọng cây chuối của anh Chiến mang về sẽ là cây thoát nghèo ở vùng quê Tân Phú trong tương lai không xa.
“Chuối là cây không mới đối với bà con nông dân. Tuy nhiên, cây chuối của anh Chiến lại là một loài giống khác và với khả năng xuất khẩu có giá trị cao thì huyện rất kỳ vọng vào sự hiệu quả lẫn lan tỏa trong bà con nông dân để giải quyết bài toán “trồng cây gì” cho huyện nhà” – ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm
Hàng loạt dự án tiền tỷ ở Nghệ An dở dang, lãng phí
00:30, 09/06/2023
Nghệ An sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý khoáng sản
08:01, 07/06/2023
Tạo tăng trưởng xanh cho du lịch Nghệ An
03:00, 04/06/2023
Nghệ An chuẩn bị gì để “lót ổ” cho “đại bàng” FDI?
18:58, 03/06/2023
Chủ tịch tỉnh Nghệ An “lệnh” sở, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa
18:09, 02/06/2023
Sẽ khôi phục tuyến đường sắt nhiều năm bị "bỏ quên" ở Nghệ An?
05:46, 01/06/2023