TP.HCM đề xuất hỗ trợ không hoàn lại với dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Hỗ trợ này có thể áp dụng với cá nhân, nhóm cá nhân có dự án đổi mới sáng tạo hoặc các tổ chức trung gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo với mức hỗ trợ lên tới 400 triệu đồng.
>>Sẽ thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở 3 địa phương
Bà Phan Thị Quý Trúc, Phó trưởng phòng quản lý Công nghệ và Thị trường (Sở KHCN) cho biết, các đối tượng sẽ được áp dụng chính sách hỗ trợ không hoàn lại bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM
Nhóm đối tượng khác là các tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường đại học, viện nghiên cứu có hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức khác có liên quan trên địa bàn TP.HCM.
Các dự án sẽ được phân thành 3 giai đoạn ứng với từng mức hỗ trợ ở từng giai đoạn như sau:
* Giai đoạn tiền sáng tạo (giai đoạn hoàn thành ý tưởng từ hoạt động nghiên cứu sản phẩm, giải pháp), mức hỗ trợ không hoàn lại không quá 40 triệu đồng/dự án, thời gian không quá 6 tháng/dự án. Giai đoạn này tập trung vào các nghiên cứu, dự án xuất phát từ trường đại học.
* Giai đoạn ươm tạo (giai đoạn phát triển sản phẩm), phần hỗ trợ không hoàn lại được đề xuất không quá 80 triệu đồng/dự án. Giai đoạn này nhắm đến các sản phẩm đã ra thị trường. Thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng.
* Giai đoạn tăng tốc (sản phẩm có nhu cầu mở rộng thị trường), dự án sẽ được hỗ trợ không quá 400 triệu đồng/dự án trong thời gian không quá 12 tháng/dự án. Trong giai đoạn này, thành phố mong muốn có thể đồng hành cũng các quỹ ươm tạo khác.
Các tiêu chí để được xét duyệt các dự án đổi mới sáng tạo khi tham gia chương trình bao gồm năng lực tổ chức thực hiện, hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội; thị trường tiềm năng, ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh.
Các đại biểu tham dự đánh giá cao về các chính sách đặc thù của TPHCM về đổi mới sáng tạo được Quốc hội phê duyệt trên cơ sở Nghị quyết số 98/NQ-QH15 và mong muốn Thành phố sớm xây dựng quy trình xem xét, phê duyệt các đề án để đáp ứng yêu cầu, chính sách sớm đi vào thực tiễn, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng Thành phố đạt được hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm