Bí quyết khởi nghiệp thành công từ mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp
Trong bối cảnh nhiều nông dân ‘chán ruộng, bỏ đồng, vào nhà máy’ thì chàng trai Vũ Đình Kiên, xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, Nam Định đã quyết tâm khởi nghiệp "biến" ruộng hoang thành đất lúa tiền tỷ.
>>>Chàng trai Nam Định khởi nghiệp thành công từ trồng sen
Quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp...
Về xã Trực Nội huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định, chúng tôi tìm gặp anh Vũ Đình Kiên 33 tuổi ở xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, người đã khởi nghiệp tử những mảnh ruộng hoang thành đất lúa tiền tỷ khi anh đang tất bật nhổ mạ khay chuyển lên xe sang cấy máy ở xã lân cận.
Anh Kiên sinh ra trong gia đình thuần nông, nhờ nỗ lực đã thi đỗ, theo học và tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Tuy nhiên, khác nhiều sinh viên khác, sau khi tốt nghiệp anh Kiên trở về quê, tìm hướng lập thân, lập nghiệp.
Theo anh Kiên, thời điểm anh trở về quê các công ty mọc lên như nấm, người làm nông chẳng còn thiết tha với đồng ruộng, để hoang rất nhiều. Anh Kiên chia sẻ: Khi nhìn thấy diện tích đất lúa bị bỏ hoang trên cánh đồng tôi rất tiếc và quyết định tập trung đầu tư vào nông nghiệp để làm giàu trên chính quê hương mình, dù biết con đường này rất vất vả, gian nan. Thêm nữa việc sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu làm thủ công hết sức vất vả, hiệu quả lại không cao, tôi quyết định đầu tư mua máy làm đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
“Được đào tạo trong trường đại học, với những kiến thức cơ bản cộng với những tìm tòi sáng tạo, tôi đã tự tạo cho mình cơ sở sản xuất nông sản với quy mô nhà xưởng hiện đại 500m2”, anh Kiên nói về bước đầu khởi nghiệp và cho biết đã lên kế hoạch thuê, thu gom ruộng hoang để tổ chức sản xuất; đi nhiều nơi học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu, tham quan những mô hình, cách làm hay để về áp dụng. Tuy nhiên theo anh, thời gian đầu diện tích đất thuê được chưa nhiều, mô hình sản xuất của gia đình còn nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất không thuận lợi nên thu nhập thấp.
Tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là quá trình tất yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác. Nhận thức rõ được vấn đề này, không chỉ đầu tư mua máy cấy lúa ngồi lái công suất lớn, những năm qua, anh Kiên đã đầu tư đồng bộ nhiều loại máy để phục vụ sản xuất.
Kiên trì và nhẫn nại
Nghề nông là nghề vất vả, nếu làm nhỏ lẻ, thu nhập rất thấp. Thời gian qua, giá các loại vật tư, phân bón lại không ngừng tăng cao; có loại phân giá tăng gấp đôi so với năm 2022. Giá xăng lên, công máy làm đất, máy cấy, máy thu hoạch lúa đều tăng… Trong khi giá các loại thóc lại không tăng. Nếu không tích tụ được diện tích lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nông dân làm ruộng chỉ lấy công làm lãi.
Nghĩ là làm, anh Kiên đứng ra thành lập doanh nghiệp với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Trực Ninh và của Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng như chính quyền xã Trực Nội. Anh cho biết, ban đầu doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất lúa gạo, trồng và sơ chế dược liệu (hoa hòe) và làm một số dịch vụ như gieo sạ, cấy lúa bằng máy, phun thuốc trừ sâu (bằng thiết bị bay), thu hoạch lúa (bằng máy), sấy thóc (với lò sấy 20 tấn trên một mẻ sấy, một năm sấy được 800 tấn)…
Tuy nhiên, theo anh Kiên, ban đầu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiếu từ vốn, diện tích sản xuất (chỉ có 5 ha), nhà kho, bến bãi đến kinh nghiệm sản xuất, điều hành của người đứng đầu.
Không nản, chàng thanh niên khi ấy vẫn tiếp tục nỗ lực, một mặt tìm kiếm, đàm phán thuê thêm ruộng đất để mở rộng diện tích sản xuất một mặt tìm đến, gõ cửa các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã ở địa phương hay các hội nghị, diễn đàn liên quan sản xuất nông nghiệp để tìm hiểu chính sách, tiếp cận nguồn vốn vay, thông tin thị trường, cơ hội hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
“Tôi mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức liên kết sản xuất với các Hợp tác xã, các hộ nông dân khác trong và ngoài huyện Trực Ninh”, anh chia sẻ.
Kiên trì, bền bỉ, đến nay doanh nghiệp do anh Kiên thành lập đã tập trung, mở rộng diện tích sản xuất của riêng doanh nghiệp lên 10 ha. Đặc biệt còn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nhiều tổ chức, cá nhân khác ở trong và ngoài địa phương với tổng diện tích liên kết 40 ha. Tôi nhận ra nếu chỉ sản xuất nhỏ lẻ, không có sự liên kết để vừa hỗ trợ nhau sản xuất vừa hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm sản thì không hiệu quả. Anh Kiên nói!
Được biết, hiện cơ sở đang sản xuất, thu mua lúa gạo, xuất đi nhiều tỉnh miền Bắc với số lượng từ 30 – 40 tấn/tháng, tổng mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 400 tấn gạo các loại, chủ lực là gạo Bắc thơm. Sản lượng thu mua lúa tươi của doanh nghiệp từ 250- 400 tấn/vụ. Ngoài ra, mỗi năm cơ sở còn sản xuất, chế biến, cung cấp cho thị trường khoảng 5 tạ dược liệu (hoa hòe).
Tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp đạt khoảng 6 tỷ đồng. Từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ sở còn tạo việc làm ổn định cho 7-10 lao động, trả lương 6-7 triệu đồng/người/tháng; vào mùa thu hoạch tạo thêm việc làm thời vụ, thu nhập cho 10-15 người...Mới đây, doanh nghiệp đón nhận tin vui 2 sản phẩm gạo bắc Thơm và gạo nếp của mình được UBND tỉnh Nam Định xét công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Anh Kiên chia sẻ: Muốn giàu từ nghề nông phải thực sự yêu đồng ruộng. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mình đã vận dụng kiến thức được học để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, làm ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, tạo thêm việc cho người lao động; hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng đất, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm