Thu hút đầu tư cho khởi nghiệp của Việt Nam đang đi xuống
Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Tùng – Ban chỉ đạo Đề án 844, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ tại Hội thảo “Tinh hoa hội tụ - Kiến tạo môi trường thúc đẩy Sáng tạo và Đổi mới”.
>>>Phát triển thị trường từ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Tùng – Ban chỉ đạo Đề án 844, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) cho biết, mặc dù năm nay, thu hút đầu tư cho khởi nghiệp của Việt Nam đang đi xuống so với các năm trước. Theo đó, trong năm 2022, 2023, thu hút đầu tư cho khởi nghiệp của Việt Nam sụt giảm so với các năm 2019-2021, chỉ đạt khoảng từ 500 - 700 triệu USD, trong khi, giai đoạn trước có thời điểm thu hút đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp lên đến 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông cho rằng, điều mà chúng ta nhìn thấy rõ nhất, đó là sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, với sự phát triển của các Làng công nghệ nhằm hỗ trợ, nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ để có thể xây dựng thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup).
“Chúng tôi nhận thấy rằng, để có thể xây dựng thành công một doanh nghiệp startup thì cần rất nhiều bước phải trải qua, và cách tiếp cận để hình thành lên một doanh nghiệp mới có mức tăng trưởng đặc biệt không phải là một dự án đầu tư thuần túy. Nếu một doanh nghiệp bình thường, chúng ta chỉ cần một nguồn lực, đó là tiền, chúng ta đầu tư và mong một hệ số lãi từ 10-15% của một dự án đầu tư. Tuy nhiên, đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp thì sẽ khác hẳn, dựa trên những ý tưởng sáng tạo sẽ có sự phát triển lên rất nhiều lần”, ông Tùng chia sẻ.
Cũng theo ông Tùng, hiện nay, Việt Nam đang phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở. Do đó, các ý tưởng của người Việt Nam cần phải được các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty là người đặt hàng và sử dụng, cũng như hỗ trợ cho các ý tưởng phát triển và thành hiện thực. Đây là một trong những mô hình chúng ta đang mong muốn trong thời gian tới.
Ông Tùng cho biết, Bộ KH&CN hiện đang được Chính phủ giao việc quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo, trong đó, có phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Gần đây nhất, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN xây dựng một hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Dự kiến sẽ xây dựng 3 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 3 miền Bắc, Trung và Nam.
“Theo thống kê, hiện nay có khoảng 30 Làng công nghệ đang hoạt động. Các Làng công nghệ hiện nay cũng đang đóng vai trò của những người hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Đây là một sáng kiến do chính những người làm khởi nghiệp, của những người tư vấn…. Về các lĩnh vực, các ngành nghề, và các hoạt động của các Làng công nghệ đều là tự nguyện, hỗ trợ, giúp cho các ý tưởng của người Việt Nam có thể phát triển thành các doanh nghiệp startup trong tương lai”, ông Trần Văn Tùng chia sẻ thêm.
Ông Trần Xuân Đức – Phó Cục trưởng, Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cũng cho biết, từ năm 2015 đến nay, Bộ KH&CN đã tổ chức các kỳ TechFest với các quy mô ngày càng lớn và sự tham gia của các Làng công nghệ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, do sự khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, do COVID-19 và những bất ổn về chính trị ở một số quốc gia đã làm suy giảm sự đầu tư vào khởi nghiệp.
Tuy nhiên, ông cho rằng, với sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng khởi nghiệp trong thời gia qua, sẽ minh chứng cho một điều rằng, chắc chắn hoạt động liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp đối mới sáng tạo sẽ ngày càng phát triển.
Ông cũng mong muốn rằng, cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam hãy vững tin, luôn tìm tòi, sáng tạo để cộng đồng khởi nghiệp ngày càng phát triển.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Tân – Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Lạc Hồng gửi gắm đến các bạn trẻ đang bắt đầu con đường khởi nghiệp rằng, hãy thực hiện những gì ở giây phút hiện tại và những gì nhận thấy là cơ hội thì hãy hành động ngay. Bởi theo ông, ở quá khứ, thành công hay thất bại cũng đã là quá khứ, trong khi, tương lai thì chưa tới.
TS. Nguyễn Văn Tân dẫn chứng ví dụ từ chính bản thân ông vào năm 2015, khi thầy Hiệu trưởng nhà trưởng có trao đổi với ông về thực trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng rất khó tìm được việc làm, đồng thời, mong muốn ông tìm cách để thay đổi tình trạng này.
“Đây chính là cơ hội để tôi tiếp cận với Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do VCCI khởi xướng và được thực hiện bởi Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, nay là Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp. Ngay trong năm đó, tôi đã tham gia rất nhiều khóa đào tạo về khởi nghiệp thuộc Chương trình khởi nghiệp Quốc gia và đến năm 2016, trường Đại học Lạc Hồng thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp của trường và Câu lạc bộ này đã là nơi ươm mầm cho nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên trong trường, và cũng từ đây, nhiều dự án đã đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi về khởi nghiệp”, TS. Nguyễn Văn Tân chia sẻ.
Từ chính những kinh nghiệm của bản thân, TS. Nguyễn Văn Tân cho rằng, khi chúng ta có được cơ hội thì hãy hành động ngay, không chần chừ, không níu kéo quá khứ đến hiện tại và cũng không nghĩ tới tương lai. Đồng thời, ông cũng khẳng định, tất cả mọi sáng tạo đều có được từ hành động của chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển thị trường từ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
15:29, 23/11/2023
Thanh niên Lạng Sơn chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
14:39, 23/11/2023
Bí quyết đạt doanh thu “ngoại mục” của công ty khởi nghiệp giải trí âm thanh?
11:13, 23/11/2023
Lạng Sơn: Chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” trong đoàn viên, thanh niên năm 2023
10:06, 23/11/2023
Chàng trai 8x khởi nghiệp thành công từ sản xuất vật liệu tái chế thành bao bì
01:29, 23/11/2023