10 thành tựu nổi bật của Hải Phòng năm 2021
Năm 2021, với nhiều các làm sáng tạo, hiệu quả, TP Hải Phòng đã bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với nhiều đột phá, tăng trưởng cao, bền vững hơn..
>>>Hải Phòng: Chuyển biến tích cực gỡ bỏ thẻ vàng của EC
>>>Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: Chỉ đón phương tiện dán thẻ thu phí không dừng
Trong năm 2021, TP Hải Phòng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chung sức đồng lòng của Đảng bộ và UBND thành phố đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, điều hành với nhiều các làm sáng tạo, hiệu quả, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với nhiều đột phá, tăng trưởng cao, bền vững hơn...
Sau đây 10 thành tựu nổi bật tiêu biểu của Hải Phòng năm 2021.
1. Dẫn đầu Top 10 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước
Hải Phòng vươn lên dẫn đầu top 10 tỉnh thành hút FDI nhiều nhất cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hải Phòng đã chuẩn bị sẵn cho kế hoạch năm 2022 mục tiêu thu hút tối thiểu 5 tỉ USD. Trong đó, Khu kinh tế Hải Phòng tập trung chuẩn bị xây dựng các khu công nghiệp mới, chuẩn bị sẵn mặt bằng, quỹ đất, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Trước hết, tập trung cho các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập để giải phóng mặt bằng, trong đó có giải phóng mặt bằng cho KCN Deep C3, các khu công nghiệp như VSIP, An Dương, mở rộng KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 để đủ quỹ đất, tạo ra thu hút đầu tư…
2. Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,38% là mức tăng trưởng cao nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421,01 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 54.000 tỷ đồng, đạt 109,1% dự toán trung ương giao và 101,9% dự toán HĐND thành phố giao; thu nội địa ước 35.000 tỷ đồng, đạt 133,1% dự toán trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND thành phố giao. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ USD, sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,36%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.
3. Đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại
Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Phê duyệt 08 đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ; Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2021.
Khởi công 10/31 dự án, công trình, khánh thành 11/23 dự án, công trình theo danh mục các dự án, công trình dự kiến khởi công, khánh thành năm 2021 theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 của HĐND thành phố; Hoàn thành, trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng.
Đưa vào khai thác một số công trình: Trục đường Hồ Sen – Cầu Rào 2; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước – Quốc lộ 5; tuyến đường trục đô thị nối đường liên phường với đường 356, quận Hải An; cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã 5 Kiến An; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng; mở rộng đường xuyên đảo Cát Hải.
Nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua KCN Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy; đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến Ngã Ba Vạn Bún, quận Đồ Sơn; xây dựng mở đường ĐT363 (đoạn kênh Hòa Bình, từ ĐT đến ĐT 361.
4. Đầu tư, xây dựng, nâng cấp cảng biển
Với vị trí là một trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước, hạ tầng cảng biển thành phố Hải Phòng được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế. Tổng lượng hàng hóa qua Cảng nước sâu Nam Đình Vũ và cảng Container quốc tế Hải Phòng năm 2021, đạt 150,16 triệu tấn tăng 7,36% so với năm 2020. Trong đó, hàng container cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt hơn 5 triệu teu, tăng 15% so với cùng kỳ năm2021. Với mức tăng trưởng này, lượng container qua cảng biển Hải Phòng dự kiến đạt khoảng 6 triệu teu trong năm 2022.
5. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng
Thành phố Hải Phòng phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cho huyện Cát Hải. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại 14 quận, huyện. Chỉ đạo thực hiện cưỡng chế đối với các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng… Thực hiện thu hồi đất để phục vụ các dự án, công trình, nhất là mặt bằng phục vụ phát triển các khu công nghiệp để hoàn thiện kết cấu hạ tầng và tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Hoàn thành công tác tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khu đất 9,2 ha thuộc phường Thành Tô, quận Hải An. Bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.
6. Xây dựng “Chính quyền điện tử”
Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố, xây dựng “Chính quyền điện tử”, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến thành phố được triển khai tập trung, thống nhất cho 35/35 sở, ban, ngành, quận, huyện, 217/217 xã, phường, trị trấn; hệ thống cung cấp 871 dịch vụ công trực tuyến, gồm: 641 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 230 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
7. Đột phá trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Hải Phòng đến nay đã hoàn thành việc thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại 8 xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo), Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), Tân Dân (huyện An Lão), Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), Đồng Thái (huyện An Dương), Gia Minh và Gia Đức (huyện Thủy Nguyên), Xuân Đám (huyện Cát Hải) với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Xây dựng NTM kiểu mẫu tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân, được nhân dân ủng hộ cao.
Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Giai đoạn 2021-2025, ngân sách thành phố ưu tiên bố trí trực tiếp khoảng 18.290,6 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của thành phố là 16.510,6 tỷ đồng; vốn sự nghiệp, lồng ghép và ngân sách huyện là 1.780 tỷ đồng.
8. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế có nhiều điểm sáng
Tăng cường công tác quản lý địa bàn khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng, không để xảy ra hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Xử lý, giải quyết kịp thời, ổn định các vụ việc về an ninh, trật tự; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Hải Phòng.
9. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19
Đến hết năm 2021, Hải Phòng đã có 3.226.581 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 được tiêm, cập nhật trên nền tảng là 2.763.940 mũi, đạt hơn 85,6%.
Sở Thông tin và truyền thông Hải Phòng cũng đã đưa hệ thống Tổng đài tư vấn điều trị F0 sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào vận hành. Đến hết năm 2021 đã tiếp nhận và hỗ trợ gần 1.000 lượt gọi vào của người dân. Thực hiện gần 3.800 cuộc gọi ra sử dụng công nghệ AI để thông báo số tổng đài. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực triển khai xây dựng kịch bản gọi điện dùng AI để tư vấn, chăm sóc, tổng hợp và thống kê tình hình sức khỏe F0. Hoàn thiện kết nối 167 camera tại 14/23 cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố…
10. Văn hóa xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao
Các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, các ngày lễ lớn được tổ chức chu đáo, an toàn, văn minh. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, tri ân các gia đình có công, gia đình thương binh liệt sĩ, đối tượng chính sách có nhiều đổi mới, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tặng quà người có công trong các ngày lễ lớn, với tổng số tiền 338,212 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Chuyển biến tích cực gỡ bỏ thẻ vàng của EC
00:35, 12/01/2022
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: Chỉ đón phương tiện dán thẻ thu phí không dừng
01:04, 11/01/2022
Hải Phòng: Đào, quất “thấp thỏm” chờ Tết
16:00, 10/01/2022
Hải Phòng: Những công trình trọng điểm hối hả về đích
02:00, 10/01/2022
Hành trình trốn chạy của tên cướp ngân hàng tại Hải Phòng
21:00, 09/01/2022