Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: “Cầu nối” doanh nghiệp với chính quyền
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã có nhiều kiến nghị, đề xuất và kịp thời phản ảnh với các cấp lãnh đạo, cơ quan ban ngành để tìm cách tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp ổn định trong hoạt động kinh doanh.
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vừa tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2019 – 2024 tại TP. Hội An (ngày 21/2).
Theo Hiệp hội, trong nhiệm kỳ qua kinh tế cả tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, những bất lợi của tình hình thế giới, trong khu vực, tình hình Biển Đông và cả những khó khăn, thách thức từ nội tại của tỉnh Quảng Nam. Những tác động này ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu hút khách du lịch.
Tính đến cuối tháng 1/2019, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam có 182 hội viên, tăng 136 hội viên so với đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, đã tổ chức thành lập 5 chi hội mới trực thuộc Hiệp hội gồm: Hội Lữ hành Quảng Nam, Hội Đầu bếp Quảng Nam, Hội Homestay Quảng Nam, Hội Khách sạn Quảng Nam, Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch Quảng Nam trực thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.
Theo ông Võ Văn Vân – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Thực hiện chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý của nhà nước, Hiệp hội đã tích cực nắm bắt những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị đề xuất của các đơn vị thành viên, kịp thời phản ảnh với các cấp lãnh đạo, các cơ quan ban ngành liên quan nhằm tìm cách tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp ổn định trong hoạt động kinh doanh sản xuất như: cơ chế chính sách trong hoạt động du lịch, nhất là tại các huyện miền núi của tỉnh. Đề nghị miễn giảm thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; việc kiểm soát vé tham quan tại thành phố Hội An; công tác báo cáo đăng ký tạm trú của khách du lịch; tình hình xử lý rác thải, nước thải độc hại.
Bên cạnh đó, đề xuất, hỗ trợ các khách sạn ven biển trước tình trạng xâm thực do nước biển dâng; đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét bãi bỏ việc đăng ký, kê khai giá cho thuê phòng nghỉ tại các nhà nghỉ, nhà khách, khách sạn trên địa bàn thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ; kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam có phương án xử lý xe Uber, Grab hoạt động trên địa bàn thành phố Hội An khi chưa được phép của cơ quan chức năng; kiến nghị Cục thuế tỉnh Quảng Nam, Tổng cục thuế xem xét lại việc nộp thuế nhà thầu cho các đơn vị lưu trú khi nhận các booking online của các hãng: Agoda, Booking.com….trên địa bàn tỉnh và nhiều nội dung khác.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam chuẩn bị bầu bổ sung Phó Bí thư Tỉnh ủy
16:43, 19/02/2019
Quảng Nam: Tín dụng đen tràn về quê
09:30, 23/01/2019
Công an Quảng Nam triệt phá nhanh nhóm tín dụng đen Hải Phòng
17:01, 21/01/2019
Du lịch miền Trung: Cần giải quyết tình trạng manh mún!
12:31, 16/02/2019
Đẳng cấp thương hiệu du lịch Miền Trung – Tây Nguyên
15:08, 10/06/2017
Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch cũng đã cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức "Đối thoại doanh nghiệp du lịch Quảng Nam"; Phối hợp với Cục thuế tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi "Gặp gỡ và trao đổi chính sách thuế với doanh nghiệp du lịch” năm 2017. Qua đó, giúp nhiều đơn vị nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách mới, những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp cũng đã được các cơ quan chức năng ghi nhận, giải đáp, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giúp các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư cơ sơ vật chất phục vụ du lịch.
Đại hội Hiệp hội Du lịch Quảng Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2019-2024 đã bầu ra Ban chấp hành gồm 13 người, gồm 1 Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch và 7 ủy viên.