Tài chính Gia Lai: 60 năm xây dựng và phát triển
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn để giành được nhiều thắng lợi to lớn cùng với những kinh nghiệm vô cùng quí báu để đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc cách mạng mới.
Cách đây đúng 60 năm, Ban Kinh Tài, tiền thân của ngành Tài chính tỉnh Gia Lai được thành lập ở khu căn cứ nay thuộc xã Krong, huyện Kbang. Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Ngành Tài chính Việt Nam, Ngành Tài chính tỉnh Gia Lai đã trải qua các thời kỳ lịch sử Cách mạng và hơn 30 năm kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay đã vượt qua nhiều khó khăn, giành được nhiều thắng lợi to lớn cùng với nhũng kinh nghiệm vô cùng quí báu để cho thế hệ hôm nay học tập và phấn đấu vươn lên đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc cách mạng mới.
Tuy mỗi thời kỳ có khác nhau nhưng bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, lòng quả cảm của mỗi người Viêt Nam chúng ta nói chung, cán bộ công chức Ngành Tài chính nói riêng mỗi khi phát huy tốt đều giành thắng lợi. Thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, với phương châm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, hoạt động tài chính chủ yếu tập trung vào việc vận động nhân dân tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm, tăng gia tự túc, chủ yếu huy động bằng hiện vật từ các khoản đóng góp của nhân dân để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ phục vụ cho chiến đấu. Hàng năm, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp cho ngân sách hàng ngàn tấn gạo, gia súc, gia cầm, hàng chục vạn ngày công,… cung cấp phần lớn lương thực tại chỗ cho các đơn vị bộ đội hoạt động trên địa bàn và cứu đói, cứu lạt, cứu rách cho nhân dân một số vùng căn cứ, vùng giải phóng. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng xây dựng căn cứ địa hậu phương vững mạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất trong bối cảnh hết sức khó khăn, đi lên trong đói nghèo, lạc hậu để chăm lo sản xuất hàn gắn vết thương chiến tranh ổn định đời sống nhân dân, trong điều kiện tiền vốn, vật tư thiếu thốn, nguồn thu không đáng kể, chủ yếu từ thuế nông nghiệp và thu quốc doanh ở một số xí nghiệp nông lâm trường. Chi ngân sách mất cân đối, cơ chế quản lý nặng về bao cấp phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn chi viện, trợ cấp của Trung ương. Từ năm 1986, cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, Ngành Tài chính Tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã chuyển từ cơ chế hiện vật sang giá trị , đáp ứng yêu cầu cải cách kinh tế, phát triển kinh tế thị trường hạch toán kinh doanh XHXN.
Năm 1991, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được chia tách, Ngành Tài chính Gia Lai tiếp tục được củng cố và phát triển. Thu ngân sách tăng liên tục với tốc độ nhanh, đặc biệt từ năm 2005 trở lại đây. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2006-2010 gấp hơn 3,4 lần so với giai đoạn 2001-2005, năm 2000 mới đạt 278 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 2.690 tỷ đồng tăng gấp 9 lần, đứng vị trí thứ 2 các tỉnh Tây nguyên. Năm 2018, mặc dù là năm khó khăn nhất từ sau những năm 2010 đến nay, tỉnh ta thực hiện lộ trình miễn, giảm thuế. Tuy nhiên, nhờ chủ động lường trước những khó khăn này, toàn ngành đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra những giải pháp kịp thời, hiệu quả nên tổng thu ngân sách trên địa bàn đã đạt kỷ lục với trên 4505 tỷ đồng, đạt 113,1% dự toán trung ương giao, vượt 7,3% dự toán HĐND đề ra. Điều đáng phấn khởi năm 2018 thu từ XN có vốn đầu tư nước ngoài đạt khá cao, đạt trên 794,1%, thu tiền sử dụng đất đạt 249%, cấp quyền khai thác khoáng sản 906%, xổ số kiến thiết 108% dự toán Trung ương giao... Từ các nguồn thu này hằng năm tỉnh ta đã chủ động dành hàng ngàn tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách chi cho đầu phát triển giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, hỗ trợ người nghèo, thực hiện an sinh xã hội, chỉnh trang đô thị lớn như thành phố Pleiku, Chư Sê, An Khê, Kbang, xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh... Đây là một mốc son, một bước ngoặc có ý nghĩa lịch sử hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã góp phần cùng cả nước xóa bỏ vĩnh viển cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế quản lý mới vận hành theo kinh tế thị trường, định hướng XHCN, tạo nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta nói chung, hoạt động tài chính nói riêng hội nhập với kinh tế thế giới, cạnh tranh trên thương trường quốc tế bền vững và hiêu quả.
Khẳng định những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới nói chung, hoạt động Tài chính Gia Lai nói riêng là rất to lớn có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Tuy vậy ngành Tài chính hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng mới đặt ra. Điều này có tính quyết định đến phát triển sản xuất, thu hút đầu tư tạo lập nguồn thu trên địa bàn cũng như nguồn lực chi cho đầu tư phát triển . Để chủ động khai thác, phân bổ, sử dung nguồn lực tài chính trong điều kiện phụ thuộc nhiều vào trợ cấp từ ngân sách trung ương cũng như hiệu quả sử dụng ngân sách và các nguồn tài nguyên của địa phương còn thấp và hạn chế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020 nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm từ 9-10%/năm để vươn lên tăng dần tỷ lệ tự cân đối; tốc độ tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng nhanh hơn tốc độ chi thường xuyên, để đến năm 2020, chi đầu tư phát triển chiếm 37% tổng chi ngân sách địa phương, chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo chiếm 48% tổng chi thường xuyên.
Có thể bạn quan tâm
Gia Lai: Sao sai phạm tại Công ty cà phê vẫn chưa bị xử lý?
06:06, 25/04/2019
Gia Lai: "Xẻ thịt" công viên xây nhà hàng trái phép
15:10, 23/04/2019
"Bà chủ" Quốc Cường Gia Lai: Sự lạnh lùng của cơ quan công quyền là nỗi đau của doanh nghiệp
09:00, 23/04/2019
9X Gia Lai lập nghiệp thành công từ trồng hoa hồng xứ Bắc
05:15, 18/04/2019
Để đạt được mục tiêu trên, trong 2 năm tới đến khi kết thúc nhiệm kỳ mà đặc biệt là năm 2019, Từ kết quả và kinh nghiệm của gần 35 năm đổi mới, Ngành Tài chính sẽ tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù phù hợp với đặc điểm của địa phương; tạo lập môi trường tài chính lành mạnh, thông thoáng thu hút các nguồn lực, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách để các doanh nghiệp tiếp cận, tận dụng cơ hội mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả đầu tư, sức cạnh tranh và tạo lập nguồn thu chiến lược bền vững trong thời kỳ mới.
Thực hiện cơ cấu lại ngân sách địa phương theo hướng mở rộng phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, Thị xã, thành phố gắn với trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương nhất là vùng kinh tế động lực, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh lộ trình xã hội hóa ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, nâng cầp chỉnh trang các đô thị đang phát triển, dành nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Nhiệm vụ trước mắt trong 2 năm tới, dự báo có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên là tỉnh nghèo với nguồn thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp là cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, thuốc lá…Hiện nay các mặt hàng này giá cả biến động ở mức thấp; phần lớn diện tích cây công nghiệp dài ngày đã già cỗi, phải tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng khác phù hợp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người lao động. Điều này đã tác động rất lớn đến các hoạt động tài chính ngân sách của địa phương, đến sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ khác trên địa bàn; bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, vấn đề thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vẫn còn không ít trở ngại hạn chế; năm 2019 và những năm tiếp theo, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, thời tiết khô hạn kéo dài có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và sản lượng điện các nhà máy.
Thực hiện nhiệm vụ Tài chính ngân sách trong điều kiện như vậy trong khi yêu cầu dự toán năm 2019 phải đạt trên 5000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với dự toán năm 2018, tăng 11% so với năm trước là rất khó khăn, vì vậy không cách nào khác là ngành Tài chính tỉnh nhà phải phát huy, kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của 60 năm qua, đặt biệt là gần 35 năm đổi mới, chủ động phối hợp tốt với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật mới được Quốc hội thông qua; đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu lại tín dụng, xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, xúc tiến đầu tư, cải thiện chỉ số cạnh tranh, khai thác quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương góp phẩn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nguồn thu chiến lược, bền vững hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.