Một dự án của Quốc Cường Gia Lai đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ thủ tục, được phê duyệt quy hoạch 1/500, nhưng đến khi trình UBND TP.HCM để chấp thuận đầu tư, chuyên viên của cơ quan này lại trả lại.
Đây là lời “trần tình” của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai về khó khăn mà doanh nghiệp bà đang gặp phải tại các dự án trên địa bàn thành phố, tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM do UBND thành phố tổ chức gần đây.
Tài chính “khánh kiệt”
Dựa theo báo cáo tài chính đã kiểm toán cho năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm mạnh từ 430,1 tỷ đồng xuống mức 45,1 tỷ đồng, giảm hơn 800% so với năm 2017. Trong năm 2018, bất chấp tình hình chi phí của QCG được cải thiện, nhưng điều này vẫn không thể bù đắp khoản sụt giảm từ doanh thu và gánh nặng các khoản ngân hàng. Doanh thu giảm mạnh từ 816,2 tỷ đồng xuống còn 350,8 tỷ đồng, mức giảm tương đương 132,6%, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu bất động sản giảm từ 519,8 tỷ đồng xuống 42,3 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 08/08/2018
06:30, 19/06/2018
14:59, 21/04/2018
Tổng chi phí giảm mạnh 126,6% so với cùng kì năm 2017, cụ thế giảm từ 739,4 tỷ đồng xuống 362,2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bán hàng giảm mạnh xuống còn mức 0,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, tương đương mức giảm 1.971,4%. Mặt khác, giá vốn hàng bán biến động mạnh nhất, đặc biệt giá vốn bất động sản đã giảm từ 440,6 tỷ đồng xuống còn 28,9 tỷ đồng
Khoản nợ phải trả được đề cập đến trong báo cáo Nợ vay tại Ngân hàng là 6.894 tỷ đồng, chưa kể khoản lãi phát sinh là 593 tỷ đồng. Cụ thể, khoản vay tại VCB - Gia Lai, bao gồm 2 khoản vay ngắn hạn với giá trị 70,7 tỷ đồng đáo hạn vào đầu tháng 4/2019 và khoản vay dài hạn 150 tỷ đồng đáo hạn vào 2029. Ngoài ra, QCG còn có các khoản vay khác hơn 38 tỷ đồng tại BIDV Gia Lai và 58 tỷ đồng tại Ngân hàng liên doanh Việt Nga chi nha Đà Nẵng
Mặt khác, QCG hiện đang có 12 dự án bị tồn đọng ở TP. HCM với tổng quỹ đất ước tính khoảng 150 ha, vấn đề này cũng đã được QCG đề cập tới trong báo cáo tài chính thông qua giá trị các dự án dang dở của công ty chủ yếu đến từ các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến dự án Phước Kiển, Lavida, De Capella và một số dự án khác. Theo báo cáo hợp nhất năm 2018 đã kiểm soát, hàng tồn kho của doanh nghiệp 6.552 tỷ đồng, trong đó 6.096 tỷ thuộc bất động sản dở dang, chiếm khoảng 74% tổng tài sản của công ty.
Và sự “lạnh lùng” của những nhân viên công quyền
Nhưng điều khiến bà Loan tỏ ra bức xúc hơn cả là cách giải quyết của các cơ quan quản lý với doanh nghiệp, từ đó khiến doanh nghiệp không thể triển khai các dự án của mình. Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công.
Trong đó 150 ha này, bà Loan tỏ ra bức xúc về một dự án đất ở có diện tích 3.000 m2, khu vực không thuộc diện rà soát của chính quyền thành phố. Theo bà Loan, diện tích này có thể giúp kiếm vài trăm tỷ đồng, từ đó có thể trang trải được chi phí, tiền lương cho nhân viên khoảng 1-2 năm. Từ đó giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để chờ đợi, khi thành phố rà soát xong có thể tiếp tục các dự án khác.
Tuy nhiên, tại dự án 3.000 m2 đất ở này, Quốc Cường liên tục gặp khó khăn. Lô đất này được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2017. Khi đó Quốc Cường Gia Lai đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ thủ tục, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500. Nhưng đến khi trình đến UBND TP.HCM để chấp thuận đầu tư, chuyên viên của cơ quan này lại trả lại.
“Chuyên viên này hỏi tại sao Sở Xây dựng lại ghi là cơ bản hoàn thành mà không khẳng định hoàn thành. Chỉ một câu chữ thôi mà từ tháng 10/2017 đến nay bắt chúng tôi phải quay lại từ đầu làm lại dự án gần như 100%”, bà Loan nói.
CEO Quốc Cường cũng cho rằng nhiều sở, ngành thường cử các nhân viên kém chuyên môn đến họp nên không giải quyết được vấn đề tận gốc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tổ chức quá nhiều cuộc họp khiến doanh nghiệp tốn kém về thời gian, chi phí và cơ hội. “Tôi nói là nỗi đau của những doanh nghiệp hiện nay”, bà Loan bày tỏ.