Hải Dương: Hoang mang mùa vải khi Trung Quốc “siết” nhập khẩu tiểu ngạch
Vướng mắc hiện nay của Hải Dương là hoàn thiện các thủ tục pháp lý để quả vải có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Dù quả vải là 1 trong 8 loại hoa quả tươi của Việt Nam được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch, nhưng bao năm nay người dân Hải Dương vẫn thường vải bán cho thương lái Trung Quốc. Cứ vải đẹp, không bị sâu đầu đều được thương lái Trung Quốc mua với giá cao. Tuy nhiên từ năm nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu vào thị trường này những loại hoa quả có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc về vùng trồng, cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp mã số và được phía Trung Quốc công nhận. Chỉ cần thiếu 1 trong 2 điều kiện trên, dù quả vải có đẹp mã đến mấy cũng sẽ không xuất được sang Trung Quốc.
Hiện toàn tỉnh Hải Dương mới chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp mã số bảo đảm các điều kiện sơ chế, đóng gói vải tươi để xuất khẩu sang Trung Quốc là: Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) và Công ty CP Kim Chính (TP Hải Dương), các doanh nghiệp còn lại chưa có vùng trồng nào được cấp mã số.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Đối mặt khúc quanh hiểm nghèo
13:30, 19/04/2019
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc (tiếp theo): 8 giải pháp bền vững
09:44, 30/05/2016
8 doanh nghiệp ký kết hợp đồng xuất khẩu vải ngay tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà
06:28, 11/06/2018
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, hơn 50% sản lượng vải tươi của tỉnh được tiêu thụ tại Trung Quốc. Đây là thị trường lớn, trước đây "dễ tính" nên cả chủ vườn và thương lái thường ít quan tâm tới các điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm. Dù được chấp thuận nhập khẩu chính ngạch nhưng quả vải của Hải Dương chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nay việc thắt chặt quản lý nhập khẩu, đóng nhiều tuyến cửa khẩu tiểu ngạch và đưa ra nhiều điều kiện đối với nhập khẩu vải chính ngạch đã làm cho các nhà vườn và cơ sở thu mua đứng ngồi không yên vì vụ vải đang tới rất gần.
Bà Vũ Thị Hà - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, hiện nay, vẫn còn 115 cơ sở đóng gói và 10 vùng trồng trái cây của tỉnh Hải Dương đang chờ cấp mã số và chờ Trung Quốc chấp nhận. Dù chủ động chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu vải tươi sang Trung Quốc nhưng việc có được chấp thuận hay không còn phụ thuộc hoàn toàn vào phía Trung Quốc. Để được cấp mã số, các đơn vị phải cung cấp số liệu vùng trồng, cơ sở đóng gói cho Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam kiểm định. Sau khi phía Việt Nam xác nhận bảo đảm yêu cầu sẽ gửi hồ sơ sang Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Nếu được chấp nhận, thông tin về các vùng trồng, cơ sở đóng gói vải tươi sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải công khai và đưa vào hệ thống quản lý để các thương lái nắm bắt, tìm đến thu mua, đóng gói đúng địa chỉ.
"Trong vụ vải năm 2019, Hải Dương dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 35.000 - 40.000 tấn. Nếu thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì tỉnh Hải Dương sẽ gặt hái nhiều thắng lợi, nếu không thì việc tiêu thụ vải của tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn" – bà Hà cho biết thêm.
Ông Phạm Ngọc Thức, Phó Giám đốc Công ty CP Kim Chính (một trong 2 cơ sở được cấp mã số) cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện để xuất khẩu. Hiện, doanh nghiệp có 16 vùng trồng được cấp mã số. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến sẽ thu gom và xuất sang Trung Quốc khoảng 7.000 tấn vài, giảm 10.000 tấn so với vụ vải năm trước.
Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đã ban hành hướng dẫn chi tiết xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc gửi đến UBND các huyện và các doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu trái cây tươi trong tỉnh. Tuy nhiên, tại vùng vải Thanh Hà nổi tiếng, khi được hỏi về việc phải đăng ký mã số vùng trồng mới được xuất vải sang Trung Quốc, thì nhiều người trồng vải tỏ ngạc nhiên.