Vụ 34 hộ dân tại Gia Lai” bất đắc dĩ” thành con nợ: Điều chuyển Giám đốc ngân hàng

Phạm Hưởng 12/07/2019 06:10

Sau khi phát hiện vụ việc, Ngân hàng CSXH Gia Lai đã xử lý điều chuyển ông Huỳnh Tấn Long, thu hồi vốn, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai đã điều chuyển Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê đối với ông Huỳnh Tấn Long do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để bà Phạm Thị Nga - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm Tổ trưởng Tổ tín dụng thôn và Đào Thị Thanh chiếm dụng gần tỷ đồng của người dân nghèo.

Gia cảnh nghèo khó của ông Rơlan Ping và bà Đinh Plen giờ lại càng thêm khó khăn khi gánh thêm 30 triệu ngân hàng rất cần được hỗ trợ

Gia cảnh nghèo khó của ông Rơlan Ping và bà Đinh Plen giờ lại càng thêm khó khăn khi gánh thêm 30 triệu ngân hàng rất cần được hỗ trợ

Liên quan đến vụ bà Phạm Thị Nga (SN 1963) - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm Tổ trưởng Tổ tín dụng thôn Kueng Đơn, xã H’Bông, huyện Chư Sê (Gia Lai) và bà Đào Thị Thanh (SN 1972) cùng thôn chiếm dụng gần tỷ đồng của người dân nghèo.

Trao đổi với Báo DĐDN, ông Lê Văn Chí - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết sau khi phát hiện vụ việc đã xử lý điều chuyển Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê đối với ông Huỳnh Tấn Long do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những sai phạm trên. Đồng thời giao lại nhiệm vụ phối hợp thu hồi lại số tiền đã bị chiếm dụng, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Hành vi dụ dỗ người dân lấy “thân phận hộ nghèo” đứng tên trong hồ sơ vay vốn được bà Thanh và bà Nga thực hiện từ năm 2016 nhưng đến đầu năm 2019 vụ việc mới được phát hiện. Trong tổng số 34 hộ, đã có 3 hộ tự nguyện trả nợ, hiện vẫn còn 31 hộ dân bị chiếm dụng vốn với tổng số tiền 877 triệu đồng.

Nhiều hộ dân bị chiếm dụng vốn đều thuộc diện hộ nghèo

Nhiều hộ dân bị chiếm dụng vốn đều thuộc diện hộ nghèo

Theo ông Chí vụ việc được Đoàn kiểm tra của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đi kiểm tra phát hiện. Các hộ bị chiếm dụng vốn khi tiếp xúc họ sợ không nói, vì vậy Đoàn kiểm tra phải nằm dưới thôn cả tháng trời mới phát hiện vụ việc.

Khi phát hiện vụ việc, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã làm việc với UBND huyện, Công an huyện, chính quyền xã H’Bông có mời bà Phạm Thị Nga và Đào Thị Thanh lên làm việc. Qua đối chiếu 24 hộ bị bà Nga dụ dỗ đứng tên nhờ vay vốn thì số liệu vẫn chưa rõ ràng, ngân hàng chưa đối chiếu được. Có hộ thì bà Nga thừa nhận nhờ đứng tên vay vốn nhưng có hộ bà này không thừa nhận, vì vậy đã chuyển hồ sơ sang Công an huyện điều tra, xác minh. Riêng đối với bà Thanh đã thừa nhận có nhờ các hộ đứng tên vay vốn rồi chiếm dụng số tiền 220 triệu đồng và cam kết sẽ trả nợ.

Có thể bạn quan tâm

  • Gia Lai: Đã nghèo lại bị biến thành con nợ “bất đắc dĩ” của ngân hàng

    Gia Lai: Đã nghèo lại bị biến thành con nợ “bất đắc dĩ” của ngân hàng

    07:05, 10/07/2019

  • Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai:

    Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai: "Xoay xở với vòng luẩn quẩn pháp lý"

    16:03, 22/06/2019

  • Gia Lai: Thi công gặp họa, vội vàng xin cấp phép xây dựng

    Gia Lai: Thi công gặp họa, vội vàng xin cấp phép xây dựng

    05:40, 20/06/2019

  • Gia Lai tìm hướng đi mới cho nông dân

    Gia Lai tìm hướng đi mới cho nông dân

    21:32, 10/06/2019

Ông Chí cho biết thêm các hộ đứng tên trong hồ sơ vay vốn là các hộ nghèo, quy trình thực hiện đầy đủ. Công an huyện Chư Sê đã vào cuộc xác minh và thông tin rằng hồ sơ vay vốn của người dân với ngân hàng đầy đủ, minh bạch. Việc người dân cho bà Nga và Thanh vay tiền chỉ là giao dịch dân sự. Khi được hỏi về việc bà Phạm Thị Nga đã đi khỏi địa phương có ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn hay không? Ông Lê Văn Chí cho rằng, bà Nga không dám về nhà, chứ vẫn loanh quanh ở địa phương và vẫn cam kết trả nợ.

Trước đó, Báo DĐDN phản ánh lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, 34 hộ đồng bào nghèo tại thôn Kueng Đơn, xã H’Bông, huyện Chư Sê (Gia Lai) đã bị bà Phạm Thị Nga - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiểm Tổ trưởng Tổ tín dụng thôn và bà Đào Thị Thanh cùng thôn biến thành con nợ “bất đắc dĩ” của ngân hàng.

Đáng nói, nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, giờ gánh thêm nợ ngân hàng khiến cuộc sống thêm túng quẫn, bí bách. Để xảy ra vụ việc dân nghèo bị lợi dụng, theo ông Lê Văn Chí - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai có phần trách nhiệm của các Tổ tín dụng, sự thiếu giám sát của các hội, đoàn thể địa phương khi được ủy thác.

Đây không phải lần đầu tiên người nghèo bị chiếm dụng vốn, trước đó vào năm 2012, bà Nguyễn Thị Nhẽ - Cán bộ Thú y xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh (Gia Lai), kiêm Tổ trưởng Tổ tín dụng thôn 2, xã Nghĩa Hưng cũng với chiêu thức tương tự đã chiếm dụng cả trăm triệu đồng của người dân vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Păh rồi bỏ trốn.

Phạm Hưởng