Thị trường lao động Hải Phòng: Nghịch lý cung giảm - cầu tăng

Minh Hương 22/07/2019 11:07

Dự báo đến năm 2020, số lao động trong các KCN, KKT Hải Phòng là 135.000 người, năm 2025 là 200.000 người; năm 2030 là 250.000 người nhưng số lượng lao động thực tế hàng năm lại tăng “lẹt đẹt”.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hải Phòng có 28.100 lượt người lao động được giới thiệu, giải quyết việc làm. Trong đó, sàn giao dịch việc làm thành phố đã tổ chức 20 phiên giao dịch với sự tham gia của hơn 600 lượt doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố.

Thiếu lao động là tình hình chung của nhiều địa phương

Thiếu lao động là tình hình chung của nhiều địa phương (Ảnh minh họa)

Theo Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế (KKT) Hải Phòng, nhu cầu lao động trong các KCN, KKT tại Hải Phòng liên tục tăng nhanh với mức tăng bình quân 15,7%. Nguyên nhân do số lượng doanh nghiệp đầu tư tại các KCN, KKT ngày càng tăng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động rất lớn như các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn LG tại KCN Tràng Duệ, Công ty Regina Miracle tại KCN VSIP Hải Phòng... Hiện các KCN, KKT Hải Phòng có 288 doanh nghiệp với 122.300 lao động (lao động Việt Nam là 119.745 người; lao động nước ngoài 2.555 người, lao động trong doanh nghiệp FDI là 101.783 người, trong doanh nghiệp trong nước là 17.962 người). Tổng thu nhập bình quân của người lao động trong các KCN, KKT 8,1 triệu đồng/người/tháng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Doanh nghiệp tiếp tục bị cản trở sau hơn nửa năm phải dừng hoạt động

    Hải Phòng: Doanh nghiệp tiếp tục bị cản trở sau hơn nửa năm phải dừng hoạt động

    04:50, 21/07/2019

  • Vụ 400 tỷ

    Vụ 400 tỷ "bốc hơi" tại Oceanbank Hải Phòng: Đề nghị truy tố 4 bị can

    13:07, 20/07/2019

  • Hải Phòng “giành” lại thủ phủ logistics

    Hải Phòng “giành” lại thủ phủ logistics

    11:26, 20/07/2019

Tình trạng thiếu lao động, doanh nghiệp phải đi nhiều nơi tuyển dụng diễn ra khá phổ biến. Cũng vì thiếu lao động mà có nhiều người lao động “nhảy việc” từ doanh nghiệp nọ sang doanh nghiệp kia do sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, mời gọi người lao động thiếu minh bạch, bình đẳng. Tình trạng thiếu lao động chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa và ở các công ty dệt may, da giày vì không cạnh tranh được với các công ty có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Cũng theo BQL Khu Kinh tế Hải Phòng, nhu cầu lao động ngày càng tăng trong những năm tới nhưng nguồn lao động ngày càng khan hiếm, dẫn tới mất cân đối về cung- cầu lao động. Dự báo đến năm 2020, số lao động trong các KCN, KKT là 135.000 người, năm 2025 là 200.000 người; năm 2030 là 250.000 người. Trong các cuộc làm việc, tiếp xúc với các nhà đầu tư lớn đang tìm hiểu để đầu tư vào Hải Phòng, việc cung cấp lao động luôn được đề cập với sự quan tâm rất cụ thể.

Theo ông Nam - Quản lý kinh doanh của Công ty CP Phôi thép Hải Phòng cho biết, ngoài vấn đề kinh doanh, thị trường - sản phẩm, nguồn vốn thì vấn đề nhân lực luôn là vấn đề khiến công ty “đau đầu". “Nhân lực công ty rất ít. Dù có thông báo tuyển dụng vài tháng trời nhưng công ty cũng không thể tuyển được thợ cơ khí có tay nghề vì không cạnh tranh được với các công ty, tập đoàn lớn về lương, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ. Khi tuyển được thì cũng không đáp ứng yêu cầu, phải mất thời gian đào tạo”, ông Nam cho hay.

Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết: Tình trạng thiếu trầm trọng lao động phổ thông và lao động chất lượng cao không chỉ ở Hải Phòng mà là tình hình chung của nhiều địa phương. Đây vừa là điểm bất lợi nhưng cũng là điều tích cực. Vì như vậy, người lao động sẽ có điều kiện cải thiện cuộc sống của mình. “Các doanh nghiệp muốn tuyển đủ lao động buộc phải có sự cạnh tranh, từ đó phải cải thiện môi trường lao động, điều kiện làm việc, mức lương, đãi ngộ...để thu hút người lao động từ các doanh nghiệp khác hoặc lao động ngoại tỉnh. Điều này sẽ tốt cho người lao động”, vị này khẳng định.

Xu hướng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong KCN, KKT tăng nhanh đã nhìn thấy rõ. Người lao động cần việc làm rất nhiều. Vì vậy, ngoài các giải pháp về đào tạo thì các biện pháp kết nối cung cầu việc làm, trong đó có hình thức hội chợ việc làm cần được tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn, để góp phần giải bài toán lao động vốn được dự báo là sẽ khá nan giải trong những năm tới khi Hải Phòng phát triển với tốc độ nhanh và bứt phá mạnh mẽ.

Minh Hương