Quảng Ninh: Nghiêm cấm các dịch vụ du lịch Hạ Long dùng đồ nhựa

Lan Vũ 05/08/2019 15:08

Thực hiện chiến dịch "không rác thải nhựa", UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long sẽ chấm dứt dùng đồ nhựa, bắt đầu triển khai từ ngày 1/9 tới đây.

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, từ ngày 1/9, tất cả các loại hình dịch vụ trên vịnh Hạ Long gồm tàu du lịch, chèo thuyền kayak, xuồng cao tốc, điểm bán hàng trên vịnh Hạ Long... sẽ ngừng bán, sử dụng đồ uống, ống hút được đóng bằng nhựa, nhất là loại dùng một lần.

Chỉ trong vòng một giờ, các tình nguyện viên đã thu gom 741 kg chất thải, dọc theo hai bãi biển trên vịnh Hạ Long.

Chỉ trong vòng một giờ, các tình nguyện viên đã thu gom 741 kg chất thải, dọc theo hai bãi biển trên vịnh Hạ Long.

Du khách cũng được "kiểm soát"

Ngoài doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hạ Long phải cam kết nói không với "rác thải nhựa", du khách cũng được khuyến cáo không nên mang vật dụng có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường khi đến tham quan, lưu trú tại vịnh Hạ Long.

Theo ông Phạm Đình Huỳnh - Phó trưởng Ban thường trực Ban quản lý vịnh Hạ Long, vào dịp hè, mỗi ngày vịnh Hạ Long đón hàng chục nghìn du khách, nếu mỗi người không tự ý thức thì môi trường rất dễ bị huỷ hoại. Để cứu vịnh Hạ Long thoát khỏi sự suy thoái môi trường, cần có nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan.

"Đáng mừng là, cách đây ít ngày, khi đi kiểm tra tại các điểm ký cam kết không rác thải nhựa, chúng tôi ghi nhận được sự ủng hộ của nhiều du khách. Để kiểm soát việc mang đồ đóng chai bằng nhựa xuống vịnh Hạ Long, địa phương có bộ phận kiểm tra ngay từ cảng tàu. Tuy nhiên, việc này cũng cần phải xử lý hài hoà, vì không thể cứ đồ vật nào bằng chai nhựa cũng cấm", ông Huỳnh cho biết.

Trước đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long có văn bản số 598/BQLVHL-NVNC ngày 17/7/2019 gửi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, du lịch, nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long về việc phối hợp triển khai các hoạt động thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên vịnh Hạ Long.

Nhiều năm qua, kỳ quan vịnh Hạ Long phải gánh hàng nghìn tấn rác thải, do du khách từ nhiều nơi mang đến. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, lượng rác thu gom trên vịnh là 573 tấn, trong đó 220 tấn rác ven bờ và 353 tấn ngoài đại dương.

Đặc biệt, vào ngày cao điểm, có khoảng 10 tấn rác được thu gom từ vịnh đem vào bờ tiêu huỷ, trong đó hầu hết là rác thải nhựa. Để thu gom và xử lý rác thải trên vịnh, hàng năm Quảng Ninh đã phải chi khoảng 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ để áp ứng nhu cầu xử lý lượng rác thải vẫn đang ngày một gia tăng.

Thế giới nói "không rác thải nhựa"

Túi nilon chính là kẻ thù của môi trường, cho nên nhiều quốc gia đã tuyên chiến chống rác thải nhựa, ô nhiễm trắng. Được biết, đến nay đã có 91 quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm túi nilon.

Bắt đầu từ ngày 28/8, tại Kenya, việc sản xuất, buôn bán, nhập khẩu hoặc sử dụng túi nilon (túi nhựa dùng 1 lần) được coi là hành vi phạm pháp. Theo đó, nếu cơ quan, tổ chức hay cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền 38.000USD (hơn 800 triệu đồng Việt Nam) hoặc đối mặt với 4 năm tù giam. Mức phạt tối thiểu cũng lên đến 19.000USD (hơn 400 triệu đồng Việt Nam) hoặc 1 năm đi tù. Tính tới thời điểm này đây được cho là luật cấm túi nilon nghiêm ngặt nhất thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Đưa sản phẩm OCOP hội nhập quốc tế

    Quảng Ninh: Đưa sản phẩm OCOP hội nhập quốc tế

    06:26, 04/08/2019

  • Quảng Ninh: Phát hiện hàng nghìn sản phẩm hàng lậu, không rõ nguồn gốc

    Quảng Ninh: Phát hiện hàng nghìn sản phẩm hàng lậu, không rõ nguồn gốc

    15:28, 03/08/2019

  • Thủy sản Quảng Ninh chật vật bước vào thị trường Trung Quốc qua “cửa hẹp”

    Thủy sản Quảng Ninh chật vật bước vào thị trường Trung Quốc qua “cửa hẹp”

    11:23, 03/08/2019

Ngày 3/8, Tổng thống Chile đã ký ban hành Luật cấm sử dụng túi nilon tại tất cả cơ sở kinh doanh thương mại trên cả nước. Trong vòng 6 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các cơ sở thương mại vẫn được phép sử dụng tối đa 2 túi nilon cho mỗi khách mua hàng. Sau thời gian trên, việc sử dụng túi nilon sẽ bị cấm tuyệt đối tại tất cả các siêu thị, hiệu thuốc và các trung tâm thương mại lớn. Trong khi đó, đối các cơ sở buôn bán nhỏ tại các khu phố, việc cấm hoàn toàn túi nilon sẽ được áp dụng trong vòng 2 năm sau khi Luật có hiệu lực. Theo đó, nếu cơ sở nào vi phạm sẽ phải nộp phạt 370 USD đối với mỗi túi nilon phát ra.

Tại New Zealand, quy định các công ty vi phạm sẽ phải chịu mức phạt lên tới 100 nghìn đôla Úc (khoảng 67.000USD). Các túi nilon mỏng sẽ không còn được cung cấp cho người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, trừ khi đó là những túi có thể tái sử dụng.

Tại Hàn Quốc, khoảng 2.000 đại siêu thị, và khoảng 11.000 siêu thị lớn, nhỏ với diện tích sàn bán hàng từ 165m2 trở lên sẽ bị cấm cung cấp túi nhựa dùng 1 lần cho khách hàng từ ngày 1/4. Các trung tâm mua sắm và các cửa hàng bán lẻ lớn cũng phải tuân theo quy định thực thi sửa đổi của luật, thúc đẩy tiết kiệm và tái chế tài nguyên. Những nhà bán lẻ vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt lên tới 300 triệu Won (khoảng 2644USD).

Lan Vũ