Thủy sản Quảng Ninh chật vật bước vào thị trường Trung Quốc qua “cửa hẹp”

Diendandoanhnghiep.vn Việc xuất khẩu thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh đang trên đà giảm mạnh từ ngày Trung Quốc siết chặt chính sách biên mậu.

Ông Nguyễn Văn Khang (TX Quảng Yên) cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch 30 tấn tôm thẻ chân trắng cũng phải rất chật vật mới tiêu thụ được, vì không có thương lái đến thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc như mọi lần.

Không chỉ riêng gia đình ông mà nhiều hộ dân nuôi tôm tại Quảng Ninh đều phải bán lẻ và chịu giá thấp để tiêu thụ trong nội địa vì các yêu cầu để xuất khẩu không thể đáp ứng được.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu hàng hóa thủy sản qua cửa khẩu, lối mở tỉnh Quảng Ninh chỉ đạt 79,6 triệu USD (giảm 32,1% so với cùng kỳ năm 2018).

Khu vực nuôi tôm tại Quảng Yên

Khu vực nuôi tôm tại Quảng Yên

Hiện nay, nhiều lô hàng thủy sản bị tồn đọng tại Móng Cái do không thể thông quan. Cụ thể, 130 tấn tôm Khánh Hòa; khoảng 35 tấn mực, cá từ Vũng Tàu; 60 tấn cá chỉ vàng Tiền Giang; khoảng 14 tấn tép khô Phan Thiết…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 8.000 tấn tôm thẻ chân trắng chưa thu hoạch. Nguyên nhân được cho là do phía Trung Quốc siết chặt chính sách biên mậu, nhất là việc thực hiện hàng rào phi thuế quan nhằm kiểm duyệt chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác các mặt hàng nhập khẩu, khiến cho nhiều doanh nghiệp bị động.

Điển hình như với mặt hàng tôm, hiện chỉ có cấp đông, không có ướp đá, đã khiến cho nhiều người nuôi tôm điêu đứng. Bởi lẽ, sau khi bảo quản tôm thẻ chân trắng bằng đông lạnh, doanh nghiệp Trung Quốc phải rã đông để chế biến, dẫn đến chất lượng tôm và giá bán ra thị trường giảm nhiều (mất khoảng 20-35% giá) nên giá nhập tôm nguyên liệu cũng giảm, kéo theo giá mua tôm của người dân giảm mạnh (theo nhận định giá mua sẽ dưới giá vốn), gây thua lỗ cho người nuôi.

Được biết, để đáp ứng được những yêu cầu từ thị trường Trung Quốc, Việt Nam chỉ có 5/680 cơ sở chế biến được cấp mã số và chỉ có 2 cơ sở đã được cấp mã số vùng nuôi. Do vậy, số doanh nghiệp, hộ nuôi trên địa bàn Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu thì gần như không có. Nếu không đáp ứng được quy định nghiêm ngặt đối với việc đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ thì trong thời gian tới, việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Quảng Ninh vào thị trường Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh bế tắc.

Theo ông Lương Quang Sở - Trưởng BQL Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, mặc dù các cơ quan chức năng đã hướng dẫn những thay đổi trong chính sách kiểm soát xuất nhập khẩu sản phẩm thủy sản, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không biết hoặc không đầu tư nhà xưởng, xin cấp mã và các yêu cầu khác của phía Trung Quốc, vẫn đưa hàng ra Móng Cái và bị phía Trung Quốc kiên quyết trả về, gây ra hiện tượng ùn ứ, tồn đọng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Móng Cái cho biết, việc doanh nghiệp và người nuôi trồng bị động đối với các chính sách của Trung Quốc là do chúng ta nhiều năm nay đã không chịu thay đổi. Người nuôi thì quen với việc phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, quen tiêu thụ qua đường tiểu ngạch; cán bộ cơ sở ở địa phương chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, quản lý...

Tại buổi làm việc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc, ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tuyên truyền cho người nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến thủy sản nắm được chính sách nhập khẩu của Trung Quốc để có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Đồng thời, tuân thủ nghiêm túc quy định, tiêu chuẩn, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam và yêu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở thị trường quốc tế, trong đó có thị trường Trung Quốc, nhất là kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh, chất bảo quản.

Trước mắt, để tháo gỡ cho các doanh nghiệp đang tồn đọng hàng tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở NN&PTNT, Công Thương, UBND TP Móng Cái có văn bản đề nghị bộ, ngành liên quan tham gia đàm phán với phía Trung Quốc giãn thời gian thực hiện yêu cầu bảo quản hàng hóa đối với các mặt hàng thủy sản bằng phương pháp bảo quản như trước (cấp đông, ướp đá); tháo gỡ vướng mắc về chứng thư kiểm dịch đối với các lô hàng chưa có chứng thư.

Tuy nhiên, về lâu dài Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị người dân, doanh nghiệp chủ động nâng cao yêu cầu về nuôi trồng, chế biến thủy sản để đáp ứng được các thị trường khó tính.

Để hàng hóa có thể thông quan phải đáp ứng các điều kiện sau: Sản phẩm phải được chế biến, đóng gói tại cơ sở do Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cấp giấy đủ điều kiện ATTP và được phía Trung Quốc chấp thuận, cấp mã số; cơ sở nuôi trồng thủy sản phải được quản lý và cấp mã số cơ sở và mã số ao nuôi.

Riêng đối với thuỷ sản dạng sống, ngoài quy định trên, phải được giám sát an toàn dịch bệnh 3 lần/vụ nuôi; sản phẩm phải thuộc danh mục được Trung Quốc cho phép nhập khẩu; từng lô hàng xuất khẩu phải được cơ quan quản lý vùng của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Việt Nam lấy mẫu kiểm tra, cấp chứng thư xác nhận sản phẩm an toàn; bao bì, nhãn mác phải đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thủy sản Quảng Ninh chật vật bước vào thị trường Trung Quốc qua “cửa hẹp” tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714168759 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714168759 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10