Hai nhà máy xi măng nằm ven vùng vịnh Hạ Long gây ô nhiễm môi trường, đề nghị không đưa vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam các giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã nhấn mạnh như vậy tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá 13.
Hai nhà máy là nhà máy xi măng Thăng Long (Công ty CP xi măng Thăng Long) với dây chuyền sản xuất 2,3 triệu tấn/năm và Nhà máy xi măng Hạ Long (Công ty CP xi măng Hạ Long) với dây chuyền sản xuất 2 triệu tấn/năm.
Về địa giới, cả 2 nhà máy này đều nằm ở huyện Hoành Bồ, thuộc vùng phụ cận của vịnh Hạ Long nhưng trên thực tế lại nằm sát di sản vịnh Hạ Long.
Về căn cứ pháp lý thì cả 2 dự án trên đã được Chính phủ, các bộ ngành chấp thuận cho phép thực hiện với đầy đủ các thủ tục về môi trường, đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống công nghệ tiên tiến xử lý khí thải, khói bụi, hệ thống quan trắc tự động, khí thải ống khói, dữ liệu quan trắc được truyền về Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Ninh. Hai nhà máy này nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua hoạt động của 2 nhà máy xi măng này đã có những ảnh hưởng lớn đến an toàn, môi trường sinh thái, đời sống nhân dân trong khu vực, ảnh hưởng tới vùng di sản Hạ Long. Nhiều năm nay, nhà máy xi măng Hạ Long là nỗi bức xúc của người dân huyện Hoành Bồ. Hoạt động sản xuất của nhà máy này liên tục bị người dân phản ánh là xả khói, bụi gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, khu vực chứa clinker của nhà máy bị rò rỉ, ngấm vào nguồn nước ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Từ năm 2011 đến năm 2018, cơ quan chức năng Quảng Ninh đã xử phạt hành chính hai công ty trên, với mức từ 55 triệu đồng đến 290 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Hơn nữa, tại Báo cáo số 1870/SXD-KT&VLXD ngày 29/5/2019 của sở Xây dựng Quảng Ninh, không gian thành phố Hạ Long sẽ được phát triển mở rộng về phía Tây và phía Bắc thành phố về phía huyện Hoành Bồ. Để phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, bảo vệ môi trường cho khu vực di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện chủ trương di dời các dự án sản xuất công nghiệp nặng ra khỏi khu vực phát triển đô thị.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 01/08/2019
16:38, 31/07/2019
11:05, 31/07/2019
Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết: "Hai nhà máy xi măng này nằm ven vịnh Hạ Long gây ô nhiễm môi trường, đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ không đưa 2 nhà máy xi măng này vào quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam các giai đoạn tiếp theo".
Vì vậy, Quảng Ninh đã kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành tạm dừng triển khai Giai đoạn II của Nhà máy Xi măng Thăng Long 2 và Nhà máy Xi măng Hạ Long để chuyển địa điểm đến phía Bắc TP. Hạ Long. Lộ trình đến năm 2030, sẽ dừng hoạt động Giai đoạn I, di chuyển toàn bộ đến phía Bắc đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái.
Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: "Sau năm 2030, khi các nhà máy xi măng ngừng hoạt động hoặc thực hiện di dời, quỹ đất các nhà máy hiện có sẽ được sử dụng để tái thiết, phát triển đô thị, công nghiệp sạch phù hợp".
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh sớm có văn bản chính thức kiến nghị các bộ, ngành TƯ và Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đối với hai nhà máy Hạ Long 2 và Thăng Long 2 (thuộc dự án mở rộng hai nhà máy ximăng trên) để tạo điều kiện đến hết năm 2030, tỉnh Quảng Ninh thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Được biết, năm 2014, tại Nghị quyết 141, HĐND tỉnh Quảng Ninh ra nghị quyết về việc dừng mở rộng, nâng công suất hiện có của các nhà máy xi măng Hạ Long và Thăng Long, di chuyển các nhà máy dự kiến theo quy hoạch hết năm 2030. HĐND tỉnh Quảng Ninh đồng thuận cao chủ trương không quy hoạch mới các nhà máy nhiệt điện, xi măng trong vòng bán kính ít nhất cách ranh giới ngoài vùng đệm vịnh Hạ Long 15 km.