Gạo Việt vẫn "xuất nhiều, đô ít"
Nhận định trên được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhấn mạnh tại Hội thảo về ngành lúa gạo Việt Nam diễn ra tại TP.Cần Thơ vào sáng ngày 19/9.
Theo ông Hải, 8 tháng đầu năm nay lượng gạo xuất khẩu 4,53 triệu tấn, với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 0,1% sản lượng so với cùng kỳ nhưng giá trị sụt giảm đến 14,2%. Điều này cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa thoát khỏi khó khăn “xuất nhiều, đô ít”.
Ông Hải nhấn mạnh: "Không thể phủ nhận thành quả của cây lúa khi quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh, nhưng ngành lúa gạo vẫn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, diện tích trồng lúa chiếm khoảng 60% tổng diện tích trồng cây hàng năm; sản xuất lúa gạo là một nguồn sinh kế quan trọng cho khoảng 9 triệu hộ nông dân và cho hàng triệu người nghèo tại nông thôn; sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt ở 150 quốc gia vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ngành hàng sản xuất lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế".
Có thể bạn quan tâm
Chiến thuật xuất khẩu gạo trong sân chơi CPTPP
11:00, 04/09/2019
“Hẹp cửa” xuất khẩu gạo vào Trung Quốc
11:08, 23/08/2019
Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục gặp khó
01:03, 26/06/2019
Xuất khẩu gạo sang Philippines thêm nhiều quy định mới
11:23, 26/04/2019
Mục tiêu bám đuổi của xuất khẩu gạo
02:52, 21/11/2018
Cụ thể, theo ông Hải, gạo Việt Nam vẫn chạy theo sản lượng, chưa chú trọng cải thiện chất lượng, chưa nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả xuất khẩu.
Năng lực cạnh tranh của sản phẩm gạo xuất khẩu trên thị trường chưa cao do sản xuất canh tác còn nhiều bất cập, chưa gắn với thị trường. Uy tín và vị thế của thương nhân xuất khẩu gạo còn nhiều hạn chế, chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu qua trung gian còn phổ biến, xuất khẩu sản phẩm trực tiếp với thương hiệu gạo Việt Nam còn ít;
Thị trường xuất khẩu gạo còn phụ thuộc cao vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tỷ lệ lượng gạo xuất khẩu trực tiếp với thương hiệu gạo từ Việt Nam còn thấp, nhiều thị trường bị chi phối bởi trung gian;
Năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế. Hiệp hội Lương thực Việt Nam chưa phát huy vai trò hỗ trợ công tác phát triển thị trường của các doanh nghiệp. Các hoạt động xúc tiến thương mại được Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm, triển khai tích cực nhưng hoạt động xúc tiến thương mại ở cấp doanh nghiệp còn chưa chủ động, chưa quan tâm đúng mức.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Sản xuất lúa gạo hiện nay không chỉ còn hạn chế trong khâu gieo trồng, thu hoạch mà việc ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến còn rất yếu và chỉ tập trung vào sản phẩm chính là gạo. Đơn cử, nếu quy đổi 1kg tinh chất Oryzanol (được tinh chế từ cám gạo) dùng trong dược phẩm sẽ có giá trị lên đến 600 USD. Ấn Độ mỗi năm đã sản xuất được khoản 900.000 tấn dầu cám, thu về hàng chục tỷ USD. Hiện nay, nhu cầu dầu cám trên thế giới rất lớn nhưng nguồn cung rất ít, đây là cơ hội lớn đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy được thế mạnh này thì việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất đóng vai trò quyết định".